Nơi ấy Trường Sa: Kiên cường những đảo đá

08:05, 19/05/2015

[links()]

Không có điều kiện tự nhiên thuận lợi như các đảo nổi, cuộc sống của những cán bộ, chiến sĩ đang bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên các đảo đá gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Nhưng với niềm tin và ý chí sắt đá, họ - những người lính trẻ vẫn kề vai sát cánh bên nhau, ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Trong chuyến công tác lần này, Đoàn đại biểu tỉnh ta đến thăm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên các đảo đá: Đá Nam, Đá Tây A và Len Đao.

III. Kiên cường những đảo đá

Cùng với 9 đảo nổi, Việt Nam thực hiện chủ quyền hệ thống 12 đảo đá ngầm tại quần đảo Trường Sa. Đây là những đảo rất quan trọng, cùng với các đảo nổi tạo nên thế liên hoàn, hỗ trợ và chi viện cho nhau cả trong chiến đấu và xây dựng tuyến phòng thủ trên Biển Đông. Đảo Đá Nam cách đảo nổi Song Tử Tây 3,5 hải lý về phía tây nam, là một cự ly không xa và có thể chi viện cho nhau thuận lợi. Đảo Đá Lớn thuộc bãi đá ngầm ngập nước, diện tích khoảng 40km2, cách đảo Nam Yết khoảng 28 hải lý về phía tây tây nam. Đảo Thuyền Chài rộng trên 160km2, cách đảo Trường Sa 87 hải lý về phía đông nam và cách đảo An Bang 20 hải lý về phía đông bắc. Đảo Cô Lin cách đảo Sinh Tồn khoảng 90 hải lý về phía tây nam và cách đảo Len Đao khoảng 6,8 hải lý về phía tây tây nam. Đảo Len Đao cách đảo Sinh Tồn 6,5 hải lý về phía đông nam. Đảo Tiên Nữ rộng khoảng 13km2 cách Cam Ranh (Khánh Hoà) 374 hải lý và cách đảo Tốc Tan 35 hải lý về phía đông với huyền thoại về một người con gái xuất hiện giữa biển khơi đem đến bình yên cho vùng biển, đảo này. Đảo Núi Le cách Cam Ranh (Khánh Hoà) hơn 300 hải lý và cách đảo Tốc Tan 6 hải lý về phía đông. Đảo Đá Đông cách đảo Đá Tây khoảng 19 hải lý về phía đông, diện tích khoảng 36km2 thuộc cụm Trường Sa trong quần đảo. Đảo Đá Tây cách đảo Trường Sa khoảng 20 hải lý về phía đông bắc và được coi là một trong những đảo rất quan trọng trên quần đảo. Đảo Đá Lát có diện tích gần 10km2 cách đảo Trường Sa 14 hải lý về phía tây, là đảo san hô khép kín, phía trong là hồ nước, khi thuỷ triều lên toàn đảo ngập nước, thủy triều xuống thấp các bãi san hô và đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.

Đảo Đá Tây A.
Đảo Đá Tây A.

So với các đảo nổi thì cuộc sống ở các đảo đá vô cùng khắc nghiệt. Không gian sinh hoạt, học tập và sẵn sàng chiến đấu rất nhỏ hẹp, luôn phải đối mặt với sự khắc nghiệt đến tận cùng của những “đặc sản” biển như: nắng mưa, sóng gió vì không có diện tích trồng cây xanh để điều hòa, che nắng, chắn gió. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất của các đảo đá là không có diện tích mặt bằng lớn để hứng nước mưa, nguồn nước ngọt chủ yếu cung ứng cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của bộ đội. Vì thế, những dịp có đoàn công tác ghé thăm đảo là một trong những sự kiện lớn, thường được anh em chiến sĩ mong chờ từ nhiều ngày trước. Mỗi năm, các đảo đá chỉ được tiếp đón vài đoàn đến thăm nên những dịp này toàn đảo như một ngày hội. Không khí như đón người thân về nhà đã được đoàn công tác chúng tôi cảm nhận đầy đủ từ ánh mắt lấp lánh chờ mong của người chiến sĩ phất cờ dẫn luồng cho xuồng cập đảo đến cái bắt tay thật chặt và nụ cười bừng sáng trên những khuôn mặt sạm đen bởi nắng gió. Đảo Đá Nam khá bằng phẳng có hình elíp chạy dài từ bắc xuống nam, chiều dài khoảng 2 hải lý, chiều rộng khoảng 1,5 hải lý. Khi thủy triều xuống thấp, bãi san hô nổi lên khỏi mặt nước từ 0,5-0,7m. Còn đảo Len Đao cùng với 2 đảo đá Cô Lin, Gạc Ma (hiện do Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nhìn từ trên cao như 3 cạnh của một hình tam giác, có vị trí chiến lược quan trọng trong việc bảo đảm đường tiếp tế của ta cho các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa. Đảo được hình thành trên một bãi san hô hình tròn có đường kính trên 3,5km, bề mặt tương đối bằng phẳng, khi thủy triều xuống thấp, bãi nổi lên trên mặt nước khoảng 0,5km; còn khi triều dâng cao, bãi chìm xuống dưới mặt nước đến 1,8m. Ở giữa bãi san hô là một nhà lâu bền, vừa là công sự chiến đấu, vừa là nơi ăn ở, học tập, sinh hoạt tập trung của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo. Rặng san hô Len Đao có một bãi cát, lấy tâm là nhà lâu bền, do gió và thuỷ triều, bãi cát xoay quanh nhà theo chiều Đông Bắc - Tây Nam, cứ xoay đủ một vòng thì vừa hết một năm. Ở các đảo chìm, vì chỉ có một nhà lâu bền nên cuộc sống và các điều kiện phục vụ sinh hoạt thiết yếu mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và Quân chủng Hải quân hết sức quan tâm, chu cấp; bản thân cán bộ, chiến sĩ cũng nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn còn khó khăn hơn nhiều so với các đảo nổi, nhất là vấn đề nước ngọt và rau xanh. Nước ngọt ở đảo chìm chủ yếu từ 2 nguồn: tàu ở bờ chở ra và mưa. Vì thế, nước ngọt được chia theo khẩu phần và có quy định nghiêm ngặt về "sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả". Vì thế, lính đảo chìm nghĩ ra cách "tắm khô", trước hết xuống biển tắm thoải mái, sau đó lên bờ gội đầu, tắm tráng lại bằng một lượng nước ngọt nhỏ, làm sao sử dụng ít nhất mà vẫn sạch nước biển. Toàn bộ nước tắm được lưu lại để dùng cho việc tưới rau. Với lượng đất ít ỏi theo tàu từ đất liền chuyển ra, được đổ vào trong các thùng xốp, chậu xi măng để trồng rau. Và rau được trồng ở mọi nơi, miễn là tránh được sóng, gió. Rau hiếm nên thường được dùng để nấu canh lấy nước còn thức ăn chính vẫn là đồ hộp. Khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu mà còn là điểm tựa vững chắc để ngư dân các tỉnh yên tâm bám biển. Thượng úy Nguyễn Văn Thắng, Chỉ huy trưởng đảo Đá Nam cho biết: Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, đảo Đá Nam đã ký xác nhận cho trên 1.045 lượt tàu cá của ngư dân; cấp phát thuốc cho 105 lượt ngư dân bị nạn trên biển và trên 6m3 nước ngọt. Đá Tây là một cụm 3 bãi đá ngầm nhỏ được bao quanh bởi một bãi san hô lớn, diện tích toàn cụm là 28km2. Chúng ta đã xây dựng thành 3 điểm đóng quân có bia chủ quyền, một trạm neo đậu, kinh doanh hậu cần nghề cá. Đảo Đá Tây có 3 cụm A, B, C lần lượt cách nhau 1,3 hải lý; 5,3 hải lý và 4 hải lý. Hồ Đá Tây có thềm san hô bao quanh với chiều dài khoảng 5,7km theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, rộng trung bình 3km, độ sâu từ 5-15km. Phía Tây Nam của điểm A có cửa luồng sâu, thuận tiện cho tàu có tải trọng đến 1.000 tấn neo đậu tránh gió bão và thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá. Để phát huy và khai thác tốt lợi thế này, hiện nay trên điểm A đảo Đá Tây đang xây dựng thêm âu tàu rộng 13ha với sức chứa khoảng 200 tàu cùng lúc. Từ năm 2005, khi Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Cty TNHH một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ NN và PTNT) được hình thành và chính thức hoạt động đã trở thành điểm tựa vững vàng cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung vươn khơi bám biển, với các chức năng chính như: cung ứng lương thực - thực phẩm và nhiên liệu, nước ngọt; cứu hộ hàng hải, cứu hộ cứu nạn khi tàu ngư dân gặp nạn, dẫn luồng cho tàu thuyền ngư dân vào trú ẩn trong lòng hồ khi có bão gió, biển động mạnh… Ông Chu Minh Sơn, Trưởng Ban Quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết: Trung tâm hiện có 8 tàu làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo và luân phiên trực canh trong lòng hồ đảo Đá Tây. Các tàu được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, thiết bị lặn và trạm thông tin liên lạc bằng máy ICOM hoạt động 24/24 luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ phối hợp tuần tra, cứu hộ hàng hải, đồng thời kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ bán hàng, thu mua hải sản lưu động trên biển. Trung tâm còn có xưởng cơ khí với hệ thống máy móc hiện đại hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sửa chữa tàu thuyền miễn phí cho ngư dân. Với bồn chứa nước ngọt dung tích trên 900m3, bồn chứa nhiên liệu dầu dung tích trên 400m3 nên dù ở khơi xa, giá cả các loại nhu yếu phẩm mà Trung tâm cung ứng cho ngư dân đều ngang bằng với giá ở trong đất liền. Thiếu tá Nguyễn Văn Đắc, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây cho biết: trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá tổ chức sửa chữa 17 tàu ngư dân bị hỏng, cứu hộ vào bờ và lòng hồ đảo Đá Tây 8 tàu ngư dân gặp nạn trên biển; tiếp nhận 388 lượt tàu vào làm dịch vụ, đã cung ứng trên 24 tấn lương thực - thực phẩm và trên 200m3 dầu nhiên liệu; cấp 1.282m3 khối nước ngọt miễn phí cho ngư dân. Bên cạnh đó, công tác tăng gia sản xuất của đảo cũng được đẩy mạnh, tổng sản lượng rau tại cả 3 điểm đảo đạt trên 3.288kg; trên 2.163kg cá tươi và 921kg thịt các loại.  

Trong các hoạt động của Đoàn, chiều ngày 27-4, Lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên vùng đảo chìm trong sự kiện ngày 14-3-1988 đã được tổ chức trang nghiêm, long trọng trên boong tàu HQ996. Trong buổi lễ tưởng niệm, nhiều thành viên trong đoàn công tác đã không kìm được nước mắt tiếc thương, tỏ lòng tri ân trước những tấm gương hy sinh anh dũng, cao cả của các anh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và ở phía đối diện, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại đảo Len Đao đều tập trung trên tầng ba nhà lâu bền, đứng nghiêm hướng về phía tàu rồi đồng loạt kính cẩn giơ tay chào trong suốt quá trình thả vòng hoa có kết hình lá cờ Tổ quốc xuống biển tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Lễ tưởng niệm kết thúc đã lâu, tàu nhổ neo tiếp tục hành trình mà nhiều người vẫn nán lại trên boong, mắt dõi về phía đảo chìm!  

(còn nữa)
Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com