[links()]
Chỉ với 4 cọc sắt khổng lồ chôn ngập hàng trăm mét dưới mực nước biển, bên trên là tổ hợp phòng làm việc, nghiên cứu và các loại thiết bị, khí tài, nhà giàn DK1 hiên ngang, sừng sững trên biển khơi mênh mông, 25 năm liên tục chống chọi với sóng, với gió, với các thế lực thù địch luôn có dã tâm dòm ngó, xâm chiếm biển, đảo, vùng thềm lục địa nước ta.
IV. Hiên ngang nhà giàn DK1
Nhà giàn DK1 là Cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật được xây dựng ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Cụm trung tâm cách đất liền 250-350 hải lý, cách trung tâm quần đảo Trường Sa 99 hải lý. Ngày 3-7-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Chỉ thị số 160/CT chính thức tuyên bố thành lập Cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật thuộc sự quản lý hành chính của đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Một biên đội tàu do Trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân chỉ huy đã ra khảo sát trên vùng biển rộng khoảng 60 nghìn km2 này. Qua đó định vị được 6 bãi đá ngầm gồm Phúc Tần, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Tư Chính, Quế Đường và Ba Kè. Kết quả chuyến khảo sát là cơ sở để năm 1989 Quân chủng Hải quân phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ GTVT, Tổng cục Dầu khí triển khai xây dựng 3 nhà giàn đầu tiên tại 3 bãi ngầm Tư Chính, Phúc Tần và Ba Kè. Từ năm 1990 đến nay, các nhà giàn tiếp tục được Nhà nước đầu tư xây dựng thêm tại các bãi ngầm Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường. Tổng cộng, đến nay đã có 20 nhà giàn được Nhà nước đầu tư xây dựng trên 6 bãi ngầm ở khu vực DK1. Do bão, sóng gió có 4 nhà giàn đã bị đổ, 1 nhà giàn không còn nguyên vẹn, còn lại 15 nhà giàn đều đang hiện diện vững chắc trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, trong đó có 8 nhà giàn trên nóc có bãi đỗ trực thăng. Thường trực tại đây hiện có các lực lượng bộ đội hải quân; cán bộ, nhân viên các ngành bảo đảm hàng hải, khí tượng thuỷ văn, dầu khí làm nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ các mục tiêu quốc kế dân sinh…
Trong chuyến công tác này, đoàn chúng tôi được đến thăm nhà giàn DK1/15 thuộc bãi ngầm Phúc Nguyên (tên con thứ 6 của Chúa Nguyễn Hoàng). Bãi ngầm Phúc Nguyên là một bãi thoải không đều, điểm nhô cao nhất nằm sâu cách mặt nước biển khoảng 18m, điểm nhô thấp nhất nằm cách mặt nước biển trên 200m. Từ độ sâu trên 200m trở ra, độ sâu của đáy biển biến đổi nhanh và có độ dốc rất lớn. Phạm vi độ sâu khoảng 18-20m ở bãi ngầm Phúc Nguyên có chiều dài khoảng 30km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 21km, chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Năm 1990, Quân chủng Hải quân phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ GTVT, Tổng cục Dầu khí triển khai xây dựng trên bãi ngầm Phúc Nguyên nhà giàn DK1/6, đặt ở vị trí độ sâu mực nước trung bình 21m. Năm 1995, Quân chủng Hải quân tiếp tục triển khai xây dựng thêm nhà giàn DK1/15 với tên gọi là Trạm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ Phúc Nguyên. Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên cách Thành phố Vũng Tàu 225 hải lý và cách quần đảo Trường Sa 155 hải lý. Nhà giàn được khởi công lắp đặt ngày 12-4 và chính thức đưa vào sử dụng ngày 17-4-1995. Công trình có chiều cao 47,45m, tổng diện tích sử dụng 310m2, tổng trọng lượng công trình gần 500 tấn. Do sự khắc nghiệt của thiên nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cuối năm 2010, nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên được khởi công xây dựng mới và đến cuối tháng 8-2011 chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhà giàn mới có tổng diện tích sử dụng 2.447m2, chiều cao từ mặt nước đến sân đỗ máy bay trực thăng là 31,5m.
Chăm sóc rau trên nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên. |
Trước khi tập trung để lên nhà giàn, lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam đã được tổ chức ngắn gọn nhưng trang nghiêm, xúc động. Tháng 12-1990, một cơn bão lớn, gió giật trên cấp 12 đã giật sập nhà giàn DK1/3 Phúc Tần làm chỉ huy phó nhà giàn Trần Hữu Quảng, Trung uý quân y Trần Văn Là, trung sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền hy sinh. Sáng ngày 13-12-1998, cơn bão Faith tràn qua Biển Đông khiến nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên bị bão cuốn trôi, 9 người bị rơi xuống biển, 6 người được cứu, còn lại 3 cán bộ, chiến sĩ Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng, Vũ Quang Chương, Tiểu đoàn DK1, Lữ đoàn 171 hy sinh. Cũng như lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988, suốt trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên cũng tập trung lên tầng cao nhất, trang nghiêm, thành kính tưởng nhớ các đồng đội. Ngay sau lễ tưởng niệm, đoàn bắt tay vào làm các công tác chuẩn bị để lên thăm nhà giàn. Theo kế hoạch ban đầu, chỉ có 50% quân số của đoàn được lên thăm, làm việc tại nhà giàn nhưng có lẽ vì cảm phục trước sự hiên ngang, vĩ đại của nhà giàn và cũng là tận mắt được chứng kiến cuộc sống chiến đấu, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ nên 100% quân số đều đề xuất được lên thăm nhà giàn. Trước mong muốn của tập thể, căn cứ vào điều kiện thực tế sóng yên, biển lặng, cấp trên quyết định thay đổi kế hoạch, đưa toàn bộ thành viên đoàn công tác lên thăm nhà giàn. Ngoài một chút khó khăn nhỏ lúc từ xuồng lên bậc thang dẫn lên sàn, chúng tôi đã chính thức đặt chân lên nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên. Khác với kiểu thiết kế lục giác truyền thống, nhà giàn Phúc Nguyên mới được thiết kế hình chữ nhật với 3 tầng, phía trên cùng là cột cờ với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió. Nhà giàn cũ hình lục giác giờ được dùng làm kho và khu chăn nuôi, tăng gia được nối với nhà giàn hiện tại bằng hai nhịp cầu thang dài khoảng 30m. Toàn bộ hoạt động chuyên môn, sẵn sàng chiến đấu của nhà giàn được bố trí gọn gàng, ngăn nắp và vô cùng hợp lý ở nhà giàn mới. Những năm gần đây, điều kiện sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn đã có sự chuyển biến rõ rệt nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân... Nhà giàn có hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió, có sóng điện thoại và chảo thu phát tín hiệu truyền hình... Ngoài ra, nhà giàn còn có tủ sách với gần 1.000 đầu sách các loại và hàng chục đầu báo. Chiến sĩ Võ Văn Út, quê Bắc Bình (Bình Thuận) nhập ngũ tháng 2-2014 và từ tháng 7-2014 được điều động ra nhà giàn thực hiện nhiệm vụ cho biết: Hằng ngày, sau khi hoàn thành công tác, em thường dành thời gian đọc báo để cập nhật thông tin. Em còn đọc thêm một số đầu sách văn học, đặc biệt là các đầu sách về Hoàng Sa - Trường Sa như: "Hoàng Sa - Trường Sa trong ta", "Từ Điện Biên tới Trường Sa"... Tuy điều kiện sinh hoạt đã được cải thiện đáng kể nhưng cũng giống như các đảo chìm, rau xanh, nước ngọt vẫn là hai thứ luôn thiếu ở các nhà giàn. Để khắc phục, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, quân nhân, nhân viên trên nhà giàn cũng phải tăng gia sản xuất bằng cách tận dụng mọi chỗ trống để trồng rau xanh. Và để trồng được rau thì phải tiết kiệm, tận dụng triệt để nguồn nước ngọt đã qua sử dụng. Ở nhà giàn DK1/15, khu vực trồng rau xanh được "quy hoạch" cẩn thận ở khu vực an toàn nhất nhà giàn, xung quanh được che chắn cẩn thận để tránh nắng, gió. Toàn nhà giàn có 20 khay nhựa cứng (cao 30cm, dài 50cm, rộng 30cm) đựng đất để trồng rau theo mùa. Ngoài các loại rau phổ thông như rau cải, rau muống, rau dền... tôi còn nhìn thấy một khay húng chó xanh mơn mởn, góc kia là ba cây cà chua vẫn đang bói quả, dàn lá mơ tươi tốt và cả hành hoa, sả nữa. Vì thế, tôi không bất ngờ khi nghe nói nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khai thác thủy, hải sản trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 đã nhập vào bếp ăn được 1.740kg cá tươi và 1.350kg rau xanh các loại.
Khu vực thềm lục địa và các nhà giàn nằm cạnh đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và là tuyến đường hàng hải chính qua Biển Đông. Đây là khu vực biển có nguồn lợi hải sản phong phú, với trữ lượng lớn, trong đó có nhiều loài thuộc dòng hải sản quý với giá trị kinh tế cao. Đồng thời đây cũng là khu vực có nhiều dầu mỏ và khí tự nhiên với trữ lượng lớn. Vì các lý do đó, đây là khu vực hoạt động biển nhạy cảm, hết sức phức tạp. Tàu lạ thường xuyên cải dạng vào thăm dò địa chấn, trinh sát hoặc đánh bắt cá trái phép, vi phạm chủ quyền của ta. Công tác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của cán bộ, quân nhân trên nhà giàn vì vậy đặt ra rất cao. Thiếu tá Hoàng Văn Quảng, Chỉ huy trưởng nhà giàn cho biết: Trong công tác trực sẵn sàng chiến đấu, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên đã quan sát, phát hiện được 573 lượt tàu thuyền qua lại, trong đó có 36 lần tàu của nước ngoài xâm nhập trái phép vào lãnh hải nước ta để kịp thời thông báo về Sở Chỉ huy Vùng 4 và Quân chủng Hải quân. Thực hiện tốt công tác dân vận, nhà giàn đã tổ chức tuyên truyền và ký xác nhận cho hàng trăm lượt tàu cá ngư dân ra khai thác, đánh bắt hải sản tại khu vực nhanh chóng, thuận tiện. Trong năm 2014, nhà giàn đã ký xác nhận cho 878 lượt tàu cá và quý I-2015 là 184 lượt tàu. Kết hợp khám, cấp phát thuốc cho 67 lượt ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Tiền Giang; cấp 15 nghìn lít nước ngọt cho 27 lượt tàu cá của ngư dân các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa. Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng trong công tác chuyên môn và sẵn sàng chiến đấu, tập thể cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên không chỉ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao mà còn được nhận nhiều danh hiệu cao quý do Quân chủng Hải quân, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng trao tặng.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Thành Trung