Nơi ấy Trường Sa: Hành trình ra Trường Sa

09:05, 15/05/2015

Trong các ngày từ 21-4 đến 4-5, đoàn công tác của tỉnh ta do đồng chí Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn cùng 19 thành viên đại diện cho Đảng bộ, nhân dân và các LLVT trong tỉnh đã tới thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà), phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là lần thứ 3 tỉnh ta tổ chức đoàn ra thăm Trường Sa. Tham gia đoàn, phóng viên Báo Nam Định có loạt bài phản ánh chuyến đi nhiều ý nghĩa này.

I. Hành trình ra Trường Sa

Trong khí thế “thần tốc, táo bạo” giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, tháng 4-1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng giải phóng các đảo do chính quyền Việt Nam Cộng hoà đóng giữ với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước. Nhờ vậy, cho đến nay Việt Nam đang thực hiện chủ quyền và đóng giữ 21 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gồm 9 đảo nổi: Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca và 12 đảo đá ngầm: Đá Nam, Đá Lớn, Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây, Đá Thị, Thuyền Chài, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan. Các đảo này không ngừng được củng cố vững chắc, phát triển kinh tế - xã hội, được xây dựng thành huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà, là đơn vị hành chính trong hệ thống tổ chức hành chính chung của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Trung tâm quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh (Khánh Hoà) 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý. Trường Sa có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế của đất nước.

Sau các chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, quân và dân quần đảo Trường Sa vào các năm 2011, 2012, những ngày tháng Tư lịch sử; đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đoàn đại biểu của tỉnh tiếp tục ra thăm quân, dân huyện đảo với mong muốn mang tình cảm, hơi ấm từ đất liền đến với Trường Sa. Được nhận nhiệm vụ tham gia đoàn công tác của tỉnh đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, trong tôi bừng lên nhiều cảm xúc: vui mừng, vinh dự, tự hào và ít nhiều lo lắng. Vinh dự, tự hào bởi sau 15 năm rời quân ngũ, tôi lại được làm một người lính thực hiện nhiệm vụ đến thăm, động viên những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ phần lãnh thổ thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Lo vì đây là lần đầu tiên tôi được đi biển dài ngày, không biết sức khỏe có đảm bảo được toàn bộ chuyến đi, có chịu được sóng gió hay không. Nhưng khi tập trung đoàn công tác, được chứng kiến không khí phấn khởi, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để đến với Trường Sa của các thành viên, tôi cũng yên tâm hơn nhiều. Và sau một thời gian chuẩn bị, giờ khởi hành đã đến, toàn bộ 20 thành viên của đoàn công tác xuất phát từ trụ sở Bộ CHQS tỉnh đi sân bay Nội Bài (TP Hà Nội) để đón chuyến bay VN257 của VIETNAM AIRLINE đi Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 2 giờ bay, tối ngày 21-4, đoàn đã tập kết an toàn, ổn định tại trụ sở cơ quan phía Nam của Bộ Tư lệnh Hải quân.

Lễ tiễn đoàn đại biểu tỉnh ta ra thăm Trường Sa tại Quân cảng Lữ đoàn 125.
Lễ tiễn đoàn đại biểu tỉnh ta ra thăm Trường Sa tại Quân cảng Lữ đoàn 125.

Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ và ở một số tuyến đường, đội ngũ thi công đang tranh thủ từng giờ, từng phút để hoàn thành nốt các hạng mục chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. “Hòn ngọc Viễn Đông” - Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng đẹp hơn, lộng lẫy hơn với những tòa nhà chọc trời thi nhau mọc lên; đường phố bừng sáng trong đêm bởi những dàn đèn trang trí cho Đại lễ. Ngay hôm sau, đoàn công tác của tỉnh tham gia buổi giao lưu ấm áp tình cảm với Hội đồng hương Nam Định tại Thành phố Hồ Chí Minh và dự cuộc họp nghe phổ biến kế hoạch, công tác chuẩn bị cho chuyến đi. Ra Trường Sa lần này, ngoài đoàn công tác của tỉnh ta còn có các đơn vị, tỉnh, thành phố: Bộ GD và ĐT; Tổng cục Thống kê; Quân chủng Hải quân; Khánh Hòa, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ… với tổng quân số 182 thành viên. Toàn đoàn càng vững tâm hơn khi được Đại tá Nguyễn Viết Thuân, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, đồng thời là Chủ tịch huyện đảo Trường Sa cho biết: đoàn ra Trường Sa lần này đúng vào thời điểm biển cả yên bình nhất, “tháng ba bà già đi biển” mà! Bên cạnh đó, để phục vụ đoàn công tác, Vùng 4 đã điều tàu HQ996 để thực hiện việc đưa đón đoàn. Sớm ngày 23-4, toàn đoàn công tác di chuyển đến Tân cảng Cát Lái, cảng công-ten-nơ hiện đại nhất Việt Nam. Tân cảng Cát Lái được nối với hệ thống giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 1, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và các xa lộ vành đai nên hàng hóa được lưu thông nhanh chóng, thuận tiện đến các tỉnh: Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tân cảng Cát Lái có tổng diện tích trên 120ha, trong đó bãi chứa công-ten-nơ rộng trên 1 triệu m2, diện tích kho chứa trên 30 nghìn m2, tổng chiều dài cầu tàu trên 1.500m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 7 tàu công-ten-nơ tải trọng từ 30-40 nghìn tấn/tàu. Ngay phía sau cầu cảng sừng sững và hệ thống cần cẩu đang hối hả xếp hàng là Sở Chỉ huy Lữ đoàn 125 Hải quân anh hùng, tiền thân của Đoàn tàu không số huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Và kia rồi, tàu của chúng tôi, HQ996!!! Các thành viên trong đoàn công tác đều nhanh chóng đăng ký thông tin để nhận thẻ công tác và số phòng, khẩn trương thu xếp hành lý để nhanh chóng xuống cầu cảng... chụp ảnh lưu niệm! Trong lúc mọi người mải mê chụp ảnh, tôi tranh thủ làm quen với một số thành viên thủy thủ đoàn và không ngờ gặp được đồng hương. Một trong số đó là Thượng úy Phan Quang Định, quê Yên Nghĩa (Ý Yên), Chính trị viên tàu HQ996. Định bật mí cho tôi, tàu HQ996 của Quân chủng Hải quân là một trong những tàu khách chuyên thực hiện nhiệm vụ đưa các đoàn công tác ra thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, với thâm niên hoạt động trên 20 năm. HQ996 được Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng) hạ thủy và bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 1994 với chiều dài 70m, rộng 11,8m, lượng giãn nước 2.050 tấn, có 2 máy với công suất tương đương một đầu máy xe lửa, vận tốc tối đa 12 hải lý/giờ, dầu chạy dự trữ 300 tấn và nước ngọt khoảng 800m3, đảm bảo thời gian hoạt động lên đến 45 ngày. Tàu có 3 tầng, 22 phòng khách, mỗi phòng có 8 giường; ngoài ra tầng trên còn có 9 phòng đơn dành cho cán bộ cao cấp. Biên chế thủy thủ đoàn của tàu từ 25-29 thành viên. Tàu HQ996 có thể chịu được sóng cấp 11, 12 và phục vụ tốt các đoàn khách trên 200 người. Đúng 8 giờ sáng, lễ tiễn đoàn được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức ngắn gọn nhưng trang trọng theo nghi thức quân đội. Sau ba hồi còi kéo dài, tàu HQ996 chính thức nhổ neo khởi hành. Tàu nhẹ nhàng lướt sóng trên sông Đồng Nai, mọi người cùng ùa lên boong ngắm cảnh. Tàu lần lượt qua ngã ba sông Sài Gòn, qua bạt ngàn màu xanh của rừng đước Cần Giờ, năm xưa là địa bàn hoạt động của đặc công rừng Sác huyền thoại. Đến giữa trưa, tàu vượt cửa biển Vũng Tàu, rời đất liền, hoà mình vào đại dương mênh mông. Sau những giờ đầu bỡ ngỡ, 182 thành viên từ nhiều vùng miền của đất nước đã kịp nhanh chóng làm quen với nhau. Theo quy định, mọi hoạt động trên tàu HQ996 đều được thực hiện theo chế độ quân sự. Ngoài thủy thủ đoàn 25 người, toàn bộ công tác hậu cần cho đoàn được tổ phục vụ gồm 15 thành viên được Bộ Tư lệnh Vùng 4 điều động đảm bảo chu đáo. Chế độ ăn một ngày 4 bữa, trong đó có 3 bữa chính với đầy đủ thực phẩm, rau xanh, một bữa phụ lúc 21 giờ. Bất ngờ và cảm động nhất về sự chu đáo của đơn vị tổ chức là mỗi giường khách đi tàu đều có treo một túi ni-lông đựng những vật dụng cá nhân thiết yếu như: khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, dầu gội đầu và cả... 2 gói bông ngoáy tai!

Sau bữa trưa ngon miệng và giấc ngủ say nhờ sóng êm, gió mát rượi, những tưởng hải trình đến với Trường Sa của đoàn công tác cứ thế yên ả thì trước bữa cơm chiều, biển cả bắt đầu thử thách sức khỏe của cả đoàn, nhất là các thành viên nữ và những người mới lần đầu đi biển. Trời bất chợt nổi cơn dông. Biển vì thế cũng không chịu êm đềm mà bắt đầu "thi gan" với trời, sóng đột nhiên mạnh lên cấp 4-5, có lúc trên cả cấp 5. Tàu HQ996 nhấp nhô mạnh và có lúc cả lắc ngang sang hai bên, thuyền trưởng Nguyễn Văn Đoàn phải ra lệnh giảm tốc độ xuống còn dưới 7 hải lý/giờ. Bữa cơm chiều đầu tiên trên biển nhiều thành viên trong đoàn không ăn nổi và đến bữa ăn đêm lúc 9 giờ tối thì chỉ có lác đác vài thành viên tham gia. Nhiều thành viên nữ trong đoàn bắt đầu say sóng. Và sóng cứ to như thế trong suốt 2 ngày - đêm tiếp theo, số thành viên bị say sóng ngày càng nhiều. Và trong cái khó ló cái thông minh, phương pháp chữa say sóng được mọi người truyền nhau là "đừng cố ăn cơm, cũng đừng ăn cháo, mà hãy ăn cháy!". Món cơm cháy nấu bằng chảo quân dụng lớn được "tiêu thụ" triệt để và cũng mang lại hiệu quả bất ngờ. Nhờ nó, nhiều thành viên nữ trong đoàn đã gắng gượng vượt qua khó khăn ban đầu! Sau hơn 3 ngày, 2 đêm vật lộn trên biển với sóng gió, 23 giờ ngày 25-4, tàu HQ996 mới đưa chúng tôi đến điểm đảo đầu tiên là Song Tử Tây. Theo kế hoạch, trong chuyến công tác 10 ngày này, đoàn chúng tôi sẽ đến thăm các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Nam, Len Đao, Đá Tây A, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1 Phúc Nguyên. Đêm ấy, tàu buông neo cách đảo khoảng 2km, đứng ở trên tàu nhìn rõ ngọn hải đăng và ánh sáng những ngọn đèn chiếu sáng trên đảo mà không sang được.

Song Tử Tây, hẹn gặp lại sớm mai!

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com