Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, từ năm 2010 đến nay, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và UBND, trạm y tế các phường, xã trên địa bàn triển khai xây dựng các mô hình điểm về ATTP như: ATTP lễ hội, ATTP làng nghề, ATTP thức ăn đường phố, các mô hình trồng rau an toàn…, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân về vấn đề ATTP và phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Tại nơi triển khai các mô hình, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tiến hành điều tra các điều kiện về cơ sở vật chất, kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP của người quản lý, người trực tiếp sản xuất, chế biến, phục vụ ăn uống và tuyên truyền, tập huấn kiến thức ATTP cho nhân dân. Trong quá trình triển khai các mô hình, Chi cục ATVSTP tỉnh đã hướng dẫn các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo VSATTP, phân công trách nhiệm cho từng thành viên; ưu tiên cung cấp các tài liệu truyền thông; tổ chức cho các đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về quy định, các kiến thức thực hành về ATTP; đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát, thực hiện xét nghiệm nhanh tại các cơ sở kinh doanh; thực hiện điều tra kiến thức, thực hành cho các đối tượng nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình; tổ chức hội thảo để bàn bạc, tìm giải pháp cải thiện ATTP phù hợp với đối tượng... Quá trình triển khai mô hình Chi cục cũng vận động tuyên truyền, yêu cầu chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục đầu tư, trang bị bảo hộ lao động cho người trực tiếp làm việc để đảm bảo vấn đề vệ sinh thực phẩm, đầu tư dụng cụ gắp, đựng thức ăn, tủ, chạn đựng thực phẩm chín để tránh ô nhiễm chéo.
Mô hình ATTP lễ hội được triển khai từ năm 2011 đến nay tại 4 xã, phường, thị trấn, gồm: phường Lộc Vượng (TP Nam Định), xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), xã Kim Thái, Thị trấn Gôi (Vụ Bản) và đạt được nhiều kết quả. Thông qua việc kiểm tra, hướng dẫn, giám sát của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các khu vực lễ hội, người dân đã có ý thức chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về ATTP. Tham gia mô hình, chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến và các đối tượng trong mô hình được tập huấn kiến thức về ATTP. Cũng thông qua việc tuyên truyền, tập huấn, chính quyền địa phương, các đoàn thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách du lịch, người dân tại khu vực lễ hội được nâng cao hiểu biết về pháp luật cũng như các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực ATTP, góp phần đảm bảo chất lượng ATTP tại các khu vực lễ hội.
Mô hình ATTP làng nghề được triển khai tại 2 xã Nam Dương (Nam Trực) và Yên Phú (Ý Yên) từ năm 2012. Để cải thiện tình hình ATTP tại làng nghề, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp với chính quyền và y tế địa phương hướng dẫn kỹ năng thực hành cho người chế biến thực phẩm, chú ý đến những thao tác thực hành sai có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; tiến hành tập huấn và tăng cường tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh không sử dụng chất tẩy trắng, phoóc môn, hàn the, phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế để sản xuất chế biến thực phẩm. Quá trình triển khai hoạt động đảm bảo ATTP tại 2 làng nghề; tình hình vệ sinh cá nhân - một yêu cầu bắt buộc đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm được nâng lên. Từ chỗ không sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất, đã có 70% người dân ở làng nghề Yên Phú (Ý Yên) và 68,1% người dân ở làng nghề Nam Dương (Nam Trực) sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất. Cũng qua triển khai mô hình ATTP tại 2 làng nghề trên cho thấy, cần nâng cao vai trò, sự tham gia, phối hợp tích cực của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường làng nghề bằng việc tích cực giáo dục môi trường cho cộng đồng; lồng ghép thực hiện ATTP làng nghề với các hoạt động bảo vệ môi trường cho cộng đồng làng nghề bằng việc giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi sản xuất, đường làng, ngõ xóm, thu gom rác đúng nơi quy định; vận động người dân tham gia các chương trình sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trong quá trình sản xuất, có kế hoạch tận thu các sản phẩm phụ để tái sản xuất, vừa tăng thu nhập, vừa giảm nguồn thải…
Giết mổ, mua bán thịt bê thui tại chợ Viềng xuân Vụ Bản chưa đảm bảo VSATTP. |
Mô hình ATTP thức ăn đường phố được ngành Y tế triển khai từ năm 2012 đến nay tại các phường: Trần Tế Xương, Quang Trung, Thống Nhất (TP Nam Định). Hiện tại Chi cục ATVSTP tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh mô hình ATTP thức ăn đường phố với các hoạt động: thông tin, tuyên truyền và giáo dục bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố; tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác ATTP của phường; tập huấn ATTP, khám sức khỏe cho người kinh doanh thức ăn đường phố; thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố... Qua hơn 2 năm triển khai mô hình điểm thức ăn đường phố cho thấy, nhận thức của người dân về ATTP nói chung, các hộ kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn 3 phường nói riêng được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại là tại một số quán kinh doanh cơm, phở, thức ăn vỉa hè trên địa bàn vẫn còn tình trạng bát đĩa chưa được tráng nước sôi trước khi sử dụng, nhận thức của người dân và các hộ kinh doanh thức ăn đường phố về ATTP chưa đồng đều.
Mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai từ 2010 tại 4 vùng trồng rau của các xã Giao Phong (Giao Thủy), Xuân Ninh (Xuân Trường), Yên Nhân, Yên Dương (Ý Yên). Mô hình cũng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho người sản xuất rau trong mô hình và các vùng phụ cận nhằm thay đổi tập quán sản xuất rau truyền thống sang sản xuất rau an toàn, làm cơ sở tuyên truyền nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn sang các vùng khác. Việc phát triển mô hình nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân... Tuy nhiên việc sản xuất rau an toàn tại tỉnh ta hiện chủ yếu vẫn còn manh mún nhỏ lẻ do các hộ gia đình tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các hình thức hợp tác (tổ, đội sản xuất, HTX, Cty…) đã hình thành nhưng chưa phát triển. Do vậy việc phát triển sản xuất rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức và quản lý chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất rau an toàn (đường điện, đường giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, hệ thống nhà lưới…) còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất rau an toàn với quy mô lớn.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai các mô hình ATTP cho thấy, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục: Một số địa phương vẫn buông lỏng trách nhiệm. Hầu hết các hộ sản xuất, kinh doanh vẫn theo thời vụ, nhỏ lẻ, người sản xuất, kinh doanh chưa trang bị bảo hộ lao động nhằm đảm bảo ATTP. Trên địa bàn tỉnh chưa triển khai thực hiện được mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP. Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, cần tiến hành khảo sát thực tế để nghiên cứu, xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP; quy hoạch, xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, ATTP. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đảm bảo ATTP; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác ATTP./.
Bài và ảnh: Minh Thuận