Năm 2015, tỉnh ta thực hiện xây dựng nhiều dự án trọng điểm, tiêu biểu như: Khởi công xây dựng hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông trong quý II, khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Hậu trong quý IV; khởi công xây dựng các cầu Đống Cao, Tân Phong vào đầu tháng 5; khởi công dự án cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển và dự án đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ phà Thịnh Long đến KCN Dệt may Rạng Đông… Trong đó, có các dự án đặc biệt quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) là 3 cầu: Tân Phong, Đống Cao, Thịnh Long được Bộ GTVT đầu tư xây dựng, sử dụng nguồn vốn ODA của Cơ quan hợp tác Nhật Bản và Quỹ hỗ trợ hợp tác phát triển kinh tế Chính phủ Hàn Quốc. Do đặc thù của nguồn vốn đầu tư phải triển khai thực hiện trong năm 2015 nên các dự án trên được tỉnh xác định quan trọng, cấp bách, khẩn trương thực hiện. Xác định công tác GPMB là điều kiện quan trọng, quyết định đến tiến độ và sự thành công của các dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương phải tập trung nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB, bảo đảm đúng thời hạn dự kiến khởi công các dự án. UBND tỉnh yêu cầu ngay khi có quyết định đầu tư các dự án, các ngành, các địa phương phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò của công trình; trong đó, chú trọng tuyên truyền để người dân nhận thấy dự án góp phần tạo điều kiện để phát triển kinh tế, các ngành nghề dịch vụ thương mại, mở hướng cho người dân cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng phải yêu cầu các hộ đang sử dụng đất trong phạm vi GPMB không tổ chức xây, sửa, cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc, ngừng canh tác, sản xuất trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho Hội đồng GPMB bồi thường hỗ trợ và tái định cư, góp phần giúp địa phương hoàn thành nhiệm vụ GPMB theo kế hoạch đề ra. Để đạt hiệu quả cao trong GPMB các dự án trọng điểm, UBND tỉnh còn giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng, yêu cầu thực hiện khẩn trương, bảo đảm chất lượng các phần việc nghiên cứu, rà soát, tham mưu để UBND tỉnh sớm ban hành quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh theo Luật Đất đai 2013; chỉ đạo Sở TN và MT ban hành sớm hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác GPMB trên địa bàn tỉnh, giá đất cụ thể khu vực bị ảnh hưởng GPMB các dự án; chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Xây dựng ban hành sớm đơn giá bồi thường, hỗ trợ tài sản, cây trồng trên đất phục vụ GPMB.
Thực hiện tốt công tác GPMB, góp phần sớm đưa vào sử dụng, phát huy vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các công trình trọng điểm. (Trong ảnh: Quốc lộ 10, đoạn qua địa phận Thành phố Nam Định). |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, các địa phương đã tập trung tối đa nguồn nhân lực, huy động sự chung sức của các tổ chức, đoàn thể cùng đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm. Sở GTVT đã khẩn trương bàn giao tới các địa phương hồ sơ thiết kế các dự án giao thông trọng điểm. Sở TN và MT giao Trung tâm Đo đạc kỹ thuật công nghệ địa chính lập dự toán và các thủ tục liên quan để trình Hội đồng GPMB các địa phương có dự án đi qua sớm quyết định chỉ định thầu công tác đo đạc, trích lục bản đồ địa chính phục vụ GPMB. Đơn vị tư vấn các dự án cũng tích cực hoàn tất các điều kiện, bàn giao mốc giới GPMB cho Hội đồng GPMB các địa phương triển khai thực hiện… Tại các địa phương, sự nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, chất lượng công tác GPMB cũng được thực hiện một cách đồng bộ. Tiêu biểu như cầu Tân Phong thuộc dự án xây dựng tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 để tăng cường năng lực giao thông kết nối 2 tuyến quốc lộ, tăng cường giao thông qua sông Đào và kết nối giao thông giữa các địa phương. Chiều dài tuyến khoảng 6,2km, thuộc địa phận huyện Mỹ Lộc, Thành phố Nam Định và huyện Nam Trực. Quy mô của dự án mặt cầu 12m, đường dẫn hai bên được thiết kế đường cấp 4 hoặc cấp 3 đồng bằng. Thời gian khởi công dự kiến trong tháng 5-2015 và hoàn thành trong năm 2015. Tại huyện Nam Trực, dự án cầu Tân Phong cần sử dụng 2,1km thuộc địa phận 2 xã Nam Mỹ và Nam Toàn. Nhận thức được các dự án cầu Tân Phong hiện đang triển khai trên địa bàn là dự án có tầm quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, của tỉnh, ngay khi nhận được quyết định đầu tư dự án, ngày 22-3-2015 huyện đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện dự án. Ngày 25-3-2015, UBND huyện đã ban hành Thông báo số 39/TN-UBND về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ GPMB dự án; đồng thời, yêu cầu Đài phát thanh huyện, UBND các xã Nam Mỹ, Nam Toàn có dự án đi qua tập trung tuyên truyền để nhân dân biết rõ mục đích, ý nghĩa, quy mô của dự án. Hiện các đơn vị chức năng của huyện đang phổ biến các văn bản pháp lý, chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư được các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất, UBND tỉnh thống nhất thực hiện tới các tổ chức đoàn thể và từng hộ dân trong diện GPMB để người dân được biết, được kiểm tra các khoản bồi thường, hỗ trợ mà mình được nhận, qua đó nắm bắt và giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị của người dân đối với công tác GPMB. Riêng tại Thành phố Nam Định, trong công tác GPMB dự án cầu Tân Phong, thành phố đã xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết tâm thực hiện đúng tiến độ. Thành phố đã khẩn trương thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB, Tổ công tác giúp việc cho Hội đồng GPMB triển khai thực hiện dự án và mời đại diện lãnh đạo, chuyên viên các phòng của các sở, ngành liên quan của tỉnh tham gia hỗ trợ Hội đồng GPMB triển khai thực hiện dự án... Theo kế hoạch, Hội đồng GPMB sẽ thường xuyên theo dõi đôn đốc, giám sát việc thực hiện; định kỳ họp kiểm điểm tiến độ cũng như tổ chức họp giải đáp chế độ chính sách, đối thoại với các hộ dân có đất ở bị thu hồi tại khu vực dự án... để nghe nguyện vọng, thắc mắc đối với các phương án bồi thường GPMB. Từ việc bám sát đề xuất của dân, trực tiếp nắm bắt cụ thể, sát thực tế, trong công tác GPMB dự án cầu Tân Phong, thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục triển khai hiệu quả các phần việc trong tháng 4 và 5, bảo đảm tiến độ GPMB, gồm: Ban hành thông báo thu hồi đất; phối hợp với UBND phường Lộc Hạ và xã Nam Phong tổ chức đo đạc, khảo sát hiện trạng sử dụng đất, kiểm đếm tài sản, cây trồng trên đất; lập và niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB cho các hộ; ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB; công bố chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB, nhận bàn giao mặt bằng... Tại huyện Mỹ Lộc, trong công tác GPMB dự án cầu Tân Phong, đến ngày 18-3, UBND huyện đã có văn bản gửi Sở TN và MT xin điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ngày 23-3, thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; ngày 24-3 đã tổ chức hội nghị triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Hội đồng GPMB… Theo báo cáo của Sở GTVT về tiến độ GPMB dự án cầu Đống Cao, ngày 25-3, UBND huyện Ý Yên đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; UBND các xã bị ảnh hưởng đã thông báo chủ trương GPMB và hoàn tất kiểm đếm sơ bộ. Huyện Nghĩa Hưng đã có văn bản gửi Sở TN và MT hồ sơ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất vào ngày 18-3; thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB vào ngày 24-3. Dự án KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào quy hoạch phát triển các KCN của cả nước tại Văn bản số 2343 ngày 24-11-2014. Dự kiến đến tháng 6-2015, KCN này sẽ đón nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên. Cty CP Đầu tư Vinatex - đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư đã đề nghị với tỉnh và huyện Nghĩa Hưng sớm hoàn thành công tác GPMB, giao 400ha đất giai đoạn I vào tháng 4-2015 để tiến hành xây dựng hạ tầng với tổng mức đầu tư khoảng 150 triệu USD. Để đẩy nhanh tiến độ, các sở, ngành và đơn vị liên quan đã nỗ lực triển khai thực hiện GPMB dự án. UBND tỉnh đã có Thông báo số 23/TB-UBND cho phép UBND huyện Nghĩa Hưng được thực hiện trước kế hoạch sử dụng đất năm 2015 và chủ trương thu hồi đất GPMB thực hiện dự án KCN Dệt may Rạng Đông. Ngày 15-2, UBND huyện Nghĩa Hưng đã có thông báo về việc thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, thuê đất nuôi trồng thủy sản vùng Đông Nam Điền dừng đầu tư và nuôi thả mới thủy hải sản; đồng thời đã khẩn trương hoàn thiện việc đo đạc và hoàn thiện hồ sơ toàn bộ diện tích đất. Ngày 6-3, đơn vị tư vấn đã bàn giao hồ sơ giai đoạn I, phục vụ công tác kiểm đếm GPMB (khoảng trên 315,8ha) cho huyện Nghĩa Hưng; phần còn lại bàn giao hồ sơ vào cuối tháng 3-2015. Đối với việc xây dựng phương án đơn giá bồi thường, hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất cho các tổ chức, cá nhân đang thuê đất để sản xuất, kinh doanh, Sở TN và MT đã họp với UBND huyện Nghĩa Hưng, Sở Tài chính và Ban quản lý các KCN tỉnh về việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện GPMB trước thời hạn khoán thầu. Đồng thời, UBND huyện Nghĩa Hưng đã có văn bản đề nghị được hỗ trợ đất công như đối với đất công ích trước khi Nhà nước thu hồi đất gửi UBND tỉnh, để xin ý kiến Bộ TN và MT. Các sở, ngành liên quan cũng đã đi khảo sát và điều tra thực tế, tổ chức lấy ý kiến xây dựng dự thảo trước khi trình UBND tỉnh quyết định giá bồi thường, hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc, cây trồng vật nuôi trên đất bị thu hồi. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư tính toán xây dựng khung giá, bộ đơn giá đền bù, GPMB trình UBND tỉnh vào ngày 13-3; chốt thẩm định trước ngày 18-3 và thực hiện công khai cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn biết. Hiện tại, huyện Nghĩa Hưng đang khẩn trương xây dựng xong phương án hỗ trợ, đền bù GPMB và công khai phương án đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân được biết đến hết ngày 15-4. Dự kiến, đến ngày 20-4 triển khai phương án kiểm đếm.
Với quyết tâm của các ngành, các địa phương, chắc chắn tỉnh ta sẽ đạt kết quả cao trong công tác GPMB, tạo động lực cho các nhà đầu tư, đơn vị thi công triển khai xây dựng, sớm hoàn thành, đưa các dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2015 vào sử dụng./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy