Mặc dù các ngành chức năng đã triển khai thực hiện các chương trình, biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ nội địa, song những năm qua, tình trạng lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng chạy tàu vẫn xảy ra trên các tuyến sông. Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của bão, lũ, lụt, thủy văn đã gây ra các điểm khan cạn, ảnh hưởng đến dòng chảy, luồng tuyến chạy tàu và hoạt động của phương tiện tham gia giao thông đường thủy. Thực hiện nhiệm vụ năm 2015, các ngành chức năng đã tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa bão, lũ, nhất là an toàn đối với phương tiện chở khách ngang sông, bến khách ngang sông.
Bến phà Sa Cao luôn thực hiện tốt các quy định bảo đảm ATGT đường thuỷ. |
Sở GTVT đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các đơn vị quản lý, yêu cầu tất cả các bến khách ngang sông phải chủ động bố trí hợp lý năng lực phương tiện vận tải để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu đi lại cho hành khách; đảm bảo và duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của tàu, phà, có phương án đảm bảo phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường, trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, cứu hỏa theo quy định. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở chức năng trên địa bàn tỉnh nâng cao công tác quản lý vận tải, đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, đăng ký, đăng kiểm tàu biển, phương tiện vận tải thủy nội địa. Nhờ đó, đến nay trong phục vụ vận tải hành khách, các bến phà thực hiện nghiêm túc tần suất chạy tàu đã được cơ quan quản lý tuyến phê duyệt. Trong quá trình hoạt động vận tải khách, lái tàu và nhân viên phục vụ trên tàu có thái độ lịch sự, văn minh, hướng dẫn hành khách lên, xuống tàu; làm chủ tốc độ trong mọi tình huống; không chở quá tải trọng cho phép... Đặc biệt, mọi lái tàu, phà vận tải hành khách đều nắm vững và nghiêm túc áp dụng quy định tăng cường cảnh giới khi điều khiển phương tiện trong điều kiện thời tiết xấu. Hiện nay 3 cơ sở trên địa bàn tỉnh được cấp phép đào tạo thuyền viên, máy trưởng phương tiện thủy nội địa đến hạng nhất, bao gồm: Trung tâm Dạy nghề HTX vận tải Trung Hải; Trường Trung cấp nghề Đại Lâm; Trường Cao đẳng nghề số 20 (Bộ Quốc phòng) đã chủ động tăng cường quản lý chất lượng đào tạo theo quy định hiện hành; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo, cơ bản đáp ứng theo quy định; củng cố, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ; xây dựng hoàn thiện chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy cơ bản... Thực hiện công tác sát hạch, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, đảm bảo học viên được cấp chứng chỉ có đầy đủ kỹ năng nghề và kiến thức pháp luật giao thông đường thủy nội địa.
Đối với Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh), mặc dù địa bàn rộng, lực lượng mỏng, đặc thù sông nước có những khó khăn, phức tạp song các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã bám sát nhiệm vụ, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo trật tự ATGT đường thủy. Phòng đã tích cực tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh phân công, phân cấp tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, chỉ đạo công an các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiên quyết đình chỉ các bến, các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chở quá số người quy định, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp... Để đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa bão sắp tới, Phòng Cảnh sát đường thủy đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, vận động nhân dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và tham gia tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong công tác tuần tra kiểm soát, đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công dự án cải tạo hành lang đường thuỷ số 3 từ cửa Mom Rô tiếp giáp sông Hồng đến cửa Lạch Giang thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hoạt động đường thủy. Đồng thời duy trì các tổ công tác thường xuyên phối hợp với Thanh tra giao thông (Sở GTVT) và lực lượng Biên phòng, huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, đẩy mạnh tuần tra lưu động, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là công tác quản lý điều hành hoạt động của bến khách ngang sông. Tập trung xử lý vi phạm liên quan đến phương tiện thủy nội địa có nguy cơ gây tai nạn cao như: chở quá tải, quá số người theo quy định, vi phạm quy định về trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa… Để siết chặt quản lý, giảm tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, lấn chiếm luồng tàu chạy, Phòng Cảnh sát đường thủy tập trung thực hiện chiến dịch kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ; riêng tuyến sông Đáy thuộc địa phận các huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy tỉnh Ninh Bình thực hiện. Thông qua tuần tra, kiểm soát, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phát hiện những khu vực bị khan cạn, những bất cập về hệ thống biển báo hiệu đường thủy để kiến nghị với các cơ quan chức năng phối hợp khắc phục, bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa.
Hiện tại, Ban ATGT tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình trong cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", bao gồm: "Làng chài tự quản", "Đoạn, tuyến sông văn hóa an toàn", "Bến phà văn hóa, an toàn", "Đoạn sông Đào Thành phố Nam Định an toàn", "Vì an toàn trẻ em trên sông nước". Ban ATGT tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến giáo dục về trật tự ATGT đường thủy nội địa, nhất là cảnh báo các nguy cơ tai nạn đối với phương tiện thủy gia dụng và đuối nước. Bên cạnh đó, UBND các huyện, xã, thị trấn cũng đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATGT đường thủy./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý