Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ sai phạm trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm không đảm bảo trong các bếp ăn trường học được người dân và báo chí phát hiện, đưa ra ánh sáng. Ngày 4-2-2015, Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an phối hợp với lực lượng quản lý thị trường quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh bắt quả tang cơ sở kinh doanh trái phép thực phẩm quá hạn với số lượng lớn do bà Lê Thị Lệ Hằng (ngụ đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Bình, quận Thủ Đức) làm chủ. Điều đáng nói là cơ sở này là đầu mối cung cấp thực phẩm cho nhiều quán ăn, nhà hàng ở nhiều nơi, trong đó có cả các trường mầm non. Mới đây nhất là vụ việc chiếc xe tải của Cty Phú Nhật Hào (Thị xã Tân Uyên, Bình Dương) chở 300kg thực phẩm gồm 72kg cá điêu hồng và 12kg thịt đều bị ôi thối, rau củ quả dập nát vào Trường Tiểu học Long Bình (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) bị phụ huynh phát hiện. Qua quan sát bằng mắt thường cho thấy, số cá diêu hồng bị cắt đầu, trong đó có nhiều con thối rữa, bốc mùi. Riêng 12kg thịt da và mỡ động vật đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi thối. Toàn bộ số thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm này đã bị tiêu hủy. Sau vụ việc, thay vì để con ăn cơm tại trường như trước đây, hàng trăm phụ huynh phải đón con về nhà ăn cơm hoặc mua cơm hộp mang đến tận trường. Sự việc chưa lắng xuống thì ngày 9-4-2015, tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương lại xảy ra một vụ ngộ độc khiến 15 học sinh phải nhập viện cấp cứu. Điều đáng nói là đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường Tiểu học Võ Thị Sáu lại chính là Cty Phú Nhật Hào - đơn vị bị phụ huynh phát hiện vi phạm và đang chờ kết luận của cơ quan chức năng. Điều này làm dấy lên nỗi lo của hàng triệu các bậc phụ huynh có con em đang gửi ăn bán trú tại trường mà đa phần là các cháu đang ở độ tuổi mầm non, tiểu học, lứa tuổi rất dễ bị tổn thương.
Đã đến lúc các ngành chức năng cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ các bếp ăn bán trú tại các trường mầm non, tiểu học bởi hiện nay, hầu hết các trường học đều không có cán bộ đủ trình độ chuyên môn để có thể kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào của các bếp ăn, chủ yếu là mới kiểm tra bằng mắt thường nên không thể phát hiện được những thực phẩm bị nhiễm hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật, chưa kể đến việc nhiều nhân viên nhà bếp còn thông đồng với nhà cung cấp để chọn những thực phẩm rẻ tiền đưa vào bếp ăn trường học khiến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm càng tăng lên. Vì vậy Ban giám hiệu các nhà trường cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc cung ứng thực phẩm hằng ngày đối với bữa ăn của các cháu, không nên phó mặc cho bộ phận phục vụ nhà bếp và các đơn vị cung ứng thực phẩm, lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín, có ký hợp đồng trách nhiệm cụ thể. Bên cạnh sự kiểm soát của nhà trường rất cần có sự hỗ trợ, vào cuộc của các ngành chức năng như ngành Y tế trong việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các bếp ăn trường học chưa đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, nên có các cuộc kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện các sai phạm thay vì kiểm tra định kỳ 1 năm 1, 2 lần vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm như vẫn làm hiện nay./.
Phương Mai