Tỉnh ta hiện có trên 1.000 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức hằng năm. Trong đó có 2 lễ hội có quy mô cấp quốc gia, 78 lễ hội cấp vùng và trên 300 lễ hội cấp tỉnh, còn lại là lễ hội làng, xã. Nhiều lễ hội có thời gian tổ chức kéo dài trong năm như lễ hội Đền Trần, Phủ Dầy..., thu hút đông đảo du khách trong cả nước tham dự. Để gìn giữ nét đẹp tâm linh và không gian văn hóa của các lễ hội, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, các ngành chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh kịp thời các hành vi lợi dụng lễ hội để kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng và các hành vi tiêu cực trong việc tổ chức các dịch vụ, lôi kéo tranh giành khách gây mất an ninh trật tự.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại khu vực Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). |
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc tăng cường quản lý lễ hội, các ngành chức năng như Sở VH, TT và DL, Công an, Quản lý thị trường cùng chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội đã tập trung hướng dẫn các hộ kinh doanh tổ chức sắp xếp hàng quán, dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện hợp lý; không cho phép bán hàng hóa, dịch vụ trong khu vực nội tự của di tích; hạn chế kinh doanh mặt hàng vàng mã, thực phẩm tươi sống; trò chơi có biểu hiện biến tướng sang cờ bạc. Đồng thời tập trung xử lý dứt điểm dịch vụ đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ trong các lễ hội. Yêu cầu các hộ kinh doanh đăng ký loại hình dịch vụ, nhóm sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách và ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật về các điều kiện kinh doanh như: đảm bảo VSATTP, phòng chống cháy nổ; không tiếp tay lưu hành hàng giả, hàng nhái, hàng cấm và giữ thái độ văn minh lịch sự với khách hàng tham quan mua sắm trong các lễ hội. Đặc biệt trong thời điểm diễn ra chính hội, lực lượng chức năng tăng cường lực lượng, tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật của tư thương trong các lễ hội. Chủ động xác định những loại hình dịch vụ có nguy cơ cao dễ phát sinh vi phạm pháp luật như các dịch vụ văn hóa, trông giữ tài sản, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống… để tập trung kiểm tra, kiểm soát; đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực như cúng thuê, bói toán, cờ bạc trá hình; lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá dịch vụ, ép khách, chèo kéo khách và thương mại hóa hoạt động lễ hội. Thời gian cao điểm kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi vi phạm trong hoạt động tổ chức dịch vụ lễ hội tập trung từ tháng 2 đến hết tháng 4-2015. Ngay trong những tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng tập trung kiểm soát tại các đền, phủ thuộc lễ hội Trần (TP Nam Định, Mỹ Lộc), khu di tích Phủ Dầy, lễ hội chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Trực). Qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã chỉ ra những lỗi vi phạm pháp luật trong quá trình kinh doanh như: Thiếu giấy phép kinh doanh; chưa công khai về hàng hóa dịch vụ, không niêm yết giá các loại hình dịch vụ cũng như sản phẩm hàng hóa; trà trộn các loại hàng hóa kém chất lượng cung ứng cho khách hàng; không ban hành nội quy, quy chế tại các cơ sở dịch vụ lưu trú và còn nhiều vi phạm trong việc đảm bảo VSATTP... gây nên những lộn xộn không đáng có giữa chủ hàng và khách tham quan du lịch. Đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh khắc phục ngay để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và an toàn trong suốt mùa lễ hội. Đối với những hành vi vi phạm pháp luật như kinh doanh, lưu hành hàng giả, hàng nhái, hàng cấm và các loại văn hóa phẩm độc hại, lực lượng chức năng kiên quyết thu giữ, xử phạt và tiêu hủy hàng hóa theo quy định của pháp luật. Tại huyện Nam Trực và Vụ Bản, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều dụng cụ phục vụ hoạt động cờ bạc trá hình, hơn 500 ấn phẩm ngoài luồng, đồ chơi kích động bạo lực và một số ấn Đền Trần đúc bằng gang nhái theo phiên bản ấn tích của các Vua Trần; gần 1.000 ấn phẩm không được phép lưu hành và sách không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiền polyme âm phủ các loại; đồ chơi kích động bạo lực có nguồn gốc từ Trung Quốc và nhiều ấn phẩm đĩa CD có nội dung không lành mạnh và chưa được phép phát hành… Đồng thời chấn chỉnh việc thu phí quá cao so với quy định của nghị quyết của HĐND tỉnh quyết định về việc thu phí, lệ phí trông giữ phương tiện và "nhập nhằng" phát vé có mức phí cao cho các phương tiện có trọng tải nhỏ hơn quy định của một số tổ coi xe tại khu vực Đền Bảo Lộc (Mỹ Lộc); Phủ Dầy. Đặc biệt nghiêm túc yêu cầu các cơ sở kinh doanh chấm dứt tổ chức dịch vụ đổi tiền lẻ với mức chênh lệch cao trong khuôn viên khu vực thờ tự tại hầu hết các đền phủ miếu mạo đã được chấn chỉnh, dẹp bỏ kịp thời… Do đó hoạt động lễ hội đã dần đi vào nền nếp, hiện tượng mê tín dị đoan như đốt đồ mã, rút thẻ, bói toán, rải tiền nơi thờ tự, chèo kéo khách, ăn xin dọc đường đã hạn chế. Hàng quán, điểm trông giữ phương tiện được bố trí hợp lý đúng quy định. Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, ATVSTP được đảm bảo; các tai, tệ nạn xã hội đã hạn chế nhiều so với trước đây… đảm bảo được sự tôn nghiêm nơi thờ tự, đồng thời phát huy được giá trị văn hóa lịch sử đối với lớp con cháu bản địa và du khách thập phương khi tham gia lễ hội.
Mặc dù hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các lễ hội đã được chấn chỉnh theo hướng văn minh hiện đại, tuy nhiên nguy cơ tái diễn tình trạng vi phạm pháp luật gây mất an ninh trật tự trở lại luôn tiềm ẩn, nhất là khi các ngành chức năng buông lỏng quản lý. Do đó để giúp các hộ kinh doanh tại các lễ hội nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng quy định của pháp luật, các ngành chức năng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, xét xử công minh các hành vi vi phạm. Đồng thời gắn việc thanh tra, kiểm tra với tuyên truyền, giáo dục pháp luật góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, từng bước nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh trong các lễ hội văn hóa, du lịch. Đảm bảo cho du khách du xuân lành mạnh, an toàn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương