Hải Hậu phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến gỗ

09:01, 05/01/2015

Năm 2014, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Hải Hậu ước đạt gần 1.385,4 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp chế biến gỗ.

3 trong tổng số 19 sản phẩm CN-TTCN chủ yếu của huyện là: gỗ xẻ, giường đôi và bàn ghế các loại đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, sản phẩm gỗ xẻ các loại đạt 7,59 triệu m3 (kế hoạch là 6 triệu m3), các sản phẩm giường, bàn ghế lần lượt là 9,43 và 1,8 triệu sản phẩm (kế hoạch là 6,5 triệu sản phẩm giường và 1,2 triệu sản phẩm bàn ghế). Trong đề án “Xây dựng, phát triển các làng nghề” của huyện đã định hướng rõ mục tiêu xây dựng, phát triển các làng nghề mới tập trung vào những nghề có thế mạnh của các địa phương như: dệt chiếu, chế biến lương thực - thực phẩm, dệt lưới cước và kéo sợi PE, sinh vật cảnh và chế biến gỗ. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tập trung đầu tư mở rộng sản xuất tại các CCN tập trung và các xã, thị trấn, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, các làng nghề mộc truyền thống nổi tiếng, có lịch sử hình thành và phát triển ổn định từ vài chục đến hàng trăm năm như: Phạm Rỵ (Hải Trung), Bình Minh (Hải Minh) đã có nhiều bước tiến mới. Hằng năm, các hộ sản xuất trong làng nghề mộc mỹ nghệ khảm trai Bình Minh, xã Hải Minh thường đạt thu nhập bình quân từ 200-500 triệu đồng, riêng 8 hộ sản xuất lớn có thu nhập từ 750 triệu đến 1 tỷ đồng.

Sản xuất các sản phẩm mộc tại cơ sở Hùng Dũng, xã Hải Vân.
Sản xuất các sản phẩm mộc tại cơ sở Hùng Dũng, xã Hải Vân.

Làng nghề mộc Phạm Rỵ (xã Hải Trung) gồm 2 xóm 8 và 9 thu hút trên 200 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ. Tổng doanh thu những năm gần đây của làng nghề đã đạt trên 35 tỷ đồng mỗi năm. Trong giai đoạn 2011-2014, huyện Hải Hậu đã hình thành và phát triển thêm được 2 làng nghề mộc mỹ nghệ mới là Kim Thành (xã Hải Vân) và Tam Tùng Đông (xã Hải Đường) đạt các tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống của Bộ NN và PTNT. Hiện các làng nghề mộc Tam Tùng Đông và Kim Thành cũng đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương. Ngoài 4 làng nghề mộc đã được UBND tỉnh công nhận, đến nay, trên địa bàn huyện đã thu hút và phát triển được gần 20 doanh nghiệp, hàng trăm cơ sở sản xuất… đang hoạt động ổn định trong các CCN tập trung Hải Phương, Hải Minh và tại các xã, thị trấn: Yên Định, Hải Vân, Hải Phương, Hải Hưng... CCN Hải Phương có 2 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến gỗ. Là doanh nghiệp đầu tư sớm vào CCN Hải Phương, Cty CP Thương mại Hợp Long chuyên sản xuất các loại sản phẩm gỗ nội thất (bàn, ghế, giường, tủ, cửa, cầu thang, sàn, trần) phục vụ các công trình khách sạn, nhà hàng, biệt thự… Năm 2014, Cty đã đầu tư thêm 10 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng nhà xưởng trên tổng diện tích 7.000m2. Hằng tháng Cty tiêu thụ trên 100m3 gỗ nguyên liệu, thu hút trên 130 lao động thường xuyên với bình quân thu nhập từ 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2014, CCN Hải Phương còn thu hút được dự án đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm từ gỗ công nghiệp theo các tiêu chuẩn ISO: 9001:2008 và 14.001:2004 của Cty TNHH Thương mại Hoàng Tùng Linh với 4 xưởng sản xuất. Cty đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp, đang lắp đặt máy móc thiết bị để chính thức hoạt động trong tháng 3-2015; dự kiến khi đi vào hoạt động Cty sẽ tạo thêm việc làm cho 30 lao động mới. Tại CCN Hải Minh đã thu hút được dự án đầu tư trên 25 tỷ đồng của Cty CP Mỹ nghệ Hải Minh. Tuy mới hình thành và phát triển mạnh trong thời gian gần đây nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ huyện Hải Hậu đã có sự phân công chuyên môn hóa như: gỗ xẻ tập trung ở xã Hải Vân; sản phẩm mộc mỹ nghệ khảm trai, ốc, sơn son thếp vàng, bạc theo lối cổ ở các xã Hải Minh, Hải Trung; sản phẩm mộc gia dụng ở các xã: Hải Vân, Hải Đường, Hải Hưng… Xã Hải Hưng hiện có 12 cơ sở sản xuất các sản phẩm mộc gia dụng thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Với kinh nghiệm trên 20 năm sản xuất sản phẩm mộc gia dụng, đến nay cơ sở sản xuất của ông Lương Thanh Tâm trang bị đầy đủ máy xẻ gỗ đường kính tối đa 1m, máy vanh, cắt mộng và 6 loại máy cầm tay… tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Ngoài làng nghề mộc Kim Thành, xã Hải Vân đã thu hút được trên 30 doanh nghiệp, cơ sở chế biến - kinh doanh gỗ và sản xuất các loại sản phẩm mộc mỹ nghệ, gia dụng, phục dựng nhà cổ…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, yếu tố hạn chế nhất đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ của huyện là nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bố rải rác, công nghệ sản xuất còn hạn chế nên sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Để ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển thành ngành mũi nhọn, bền vững, thời gian tới huyện Hải Hậu tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục, tăng cường thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào các CCN tập trung để có điều kiện mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thu hút lao động./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com