Tình trạng thiếu kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh là một nguyên nhân khiến công tác phòng, chống dịch bệnh, BVMT gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ngăn ngừa dịch bệnh lây lan sang người do ô nhiễm môi trường và vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho người tiêu dùng.
Giết mổ gia súc tại Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định. |
Điểm giết mổ tự phát khu vực cổng chợ Diên Hồng giáp đường Nguyễn Du (TP Nam Định) đã tồn tại từ nhiều năm, rất mất vệ sinh, gây hôi thối và ô nhiễm môi trường trầm trọng. Phế phẩm gia cầm được người giết mổ để bừa bãi tràn lan trên nền đất, ruồi bu bám, gây mất vệ sinh cả khu dân cư. Chị Trần Thúy Hạnh, thường xuyên mua hàng tại chợ cho biết: Mỗi khi đi chợ qua khu vực này rất khó chịu bởi mùi tanh hôi lưu cữu bốc lên. Cảnh tượng ở khu buôn bán, giết mổ gia cầm tập trung chợ Hoàng Ngân (TP Nam Định) và các chợ dân sinh khác trên địa bàn cũng không khá hơn. Trong khi các chợ này đều sát liền khu dân cư, tình trạng mất vệ sinh từ hoạt động giết mổ gia cầm tại chợ gây mất vệ sinh môi trường đang hằng ngày, hằng giờ đe dọa chất lượng sống của người dân. Kết quả kiểm tra, đánh giá tình hình giết mổ GSGC của ngành NN và PTNT cho thấy, hoạt động này phần lớn vẫn được thực hiện ngay tại hộ gia đình với phương pháp hết sức thủ công. Toàn tỉnh mới có 2 cơ sở giết mổ tập trung là Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định và Cty TNHH Công Danh, còn lại tới 1.703 cơ sở giết mổ lợn, 300 điểm giết mổ gia cầm và 57 điểm giết mổ trâu, bò nhỏ lẻ, hình thành tự phát, giết mổ thủ công, không đạt yêu cầu vệ sinh thú y, không đảm bảo điều kiện ATVSTP, không quan tâm đến nguồn gốc của GSGC, không có hệ thống thu gom và xử lý chất thải của quá trình giết mổ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Các chất thải được xả thẳng xuống cống thoát nước, sông ngòi liền kề. Việc giết mổ thực hiện ngay ở nền nhà, nền sân, thậm chí còn sử dụng ngay nước sông để rửa thịt, xả trực tiếp chất thải đó xuống sông gây ô nhiễm môi trường nước và nguy cơ phát tán dịch bệnh từ GSGC. Các chất thải rắn như lông, ruột, phân cũng chưa được xử lý tốt. Đặc biệt, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà nghiêm trọng hơn là việc sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ thô sơ gây ô nhiễm nghiêm trọng các sản phẩm thịt, nội tạng GSGC, gián tiếp gây hại cho người sử dụng. Nguyên nhân chủ yếu tồn tại tình trạng trên là do công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT chưa được triển khai sâu rộng. Các cơ sở giết mổ GSGC chưa nhận thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong công tác BVMT trong khi công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này còn lỏng lẻo, thiếu kiên quyết nên không đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng yêu cầu kỹ thuật. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra xử lý vi phạm cũng có khó khăn do lực lượng không đủ nên không giữ được tang vật để xử lý do các lò mổ thường hoạt động rất sớm, từ 3-4 giờ sáng. Thậm chí đoàn kiểm tra còn gặp phải sự chống đối của các chủ cơ sở vi phạm. Đặc biệt, chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm chỉ vài triệu đồng, không đủ sức răn đe.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động giết mổ GSGC, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cho cộng đồng và trực tiếp là các hộ tham gia hoạt động giết mổ, từ đó nghiêm túc chấp hành quy định. Khuyến khích, vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ phải chủ động áp dụng biện pháp từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường. Các cơ sở, điểm giết mổ phải cam kết tự xử lý môi trường đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường theo quy định; xây dựng mô hình xử lý chất thải đạt chuẩn như: xử lý toàn bộ chất thải bằng phương pháp bi-ô-ga hoặc bằng công nghệ sinh học theo hệ thống dẫn khí ấm lực chìm dưới đất chuyển về giếng thu chất thải để sản xuất phân hữu cơ; chất thải lỏng được chuyển vào hệ thống yếm khí. Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ GSGC vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, nhất là các cơ sở đã bị nhắc nhở nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh. Tập trung các biện pháp thực hiện quy hoạch các cơ sở giết mổ GSGC tập trung của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch, giai đoạn 2014-2020, xây dựng 2 cơ sở giết mổ công nghiệp loại I, 15 cơ sở bán công loại II và 11 cơ sở thủ công tập trung loại III gắn kết hợp lý với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh với tổng công suất giết mổ khoảng 335 tấn/ngày, bảo đảm sản lượng thịt hơi, không kể lợn sữa, được giết mổ tập trung chiếm khoảng 65% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh và khoảng 50% sản lượng tiêu thụ ngoại tỉnh, từng bước kiểm soát ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Duy trì 2 cơ sở giết mổ lợn sữa tại Thành phố Nam Định với công suất 5.000 con/ngày. Phấn đấu đến năm 2020 hình thành chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn, thịt gà an toàn. Đến năm 2030, 100% các sản phẩm thịt GSGC trên địa bàn tỉnh qua các cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm ATVSTP và bền vững về môi trường./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý