Trong những năm qua, quy mô mạng lưới trường, lớp của ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục được mở rộng. Bám sát kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2015, từ cơ quan quản lý đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ với nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp thực tiễn giáo dục của địa phương, phát huy tối đa nội lực của ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp GD và ĐT.
Với tổng số 264 trường mầm non, trong đó có 2 trường tư thục, các nhà trường đã huy động trẻ ra nhà trẻ đạt 45,3%, trẻ ra lớp mẫu giáo đạt 97,8%, trong đó có 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Ở bậc tiểu học có 292 trường, trong đó có 1 trường dạy trẻ khuyết tật phân bổ trên địa bàn 229 xã, phường, thị trấn với tổng số trên 137 nghìn học sinh.
Bậc THCS có 246 trường công lập rải đều ở các xã, phường, thị trấn với trên 103 nghìn học sinh. Bậc THPT có 56 trường, trong đó có 12 trường ngoài công lập với trên 58 nghìn học sinh; GDTX có 16 trung tâm và 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, được phân bố đồng đều ở các huyện, thành phố. Hằng năm các nhà trường, trung tâm GDTX đều tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng mới phòng học kiên cố và tập trung tu sửa hàng nghìn phòng học, làm cổng trường, sân trường, trồng thêm nhiều cây xanh, cây cảnh và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc học tập, vui chơi của học sinh theo hướng hiện đại, sạch đẹp, thân thiện với môi trường học đường. Đến nay, ở bậc học mầm non có 3.591 phòng học, đã có 85,1% phòng học kiên cố, 14,9% phòng học bán kiên cố; bậc tiểu học có tổng số 4.429 phòng học, trong đó có 4.079 phòng học kiên cố, 350 phòng học bán kiên cố, 2.757 phòng học chức năng. Các trường tiểu học tích cực xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn và đến nay đã có 123 trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, đạt 42,26%. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho học sinh lớp 1 được các phòng GD và ĐT huyện, thành phố ưu tiên đạt tỷ lệ phòng/lớp đạt 100%, với 959 lớp 1, phòng học kiên cố hiện tại đạt 97,08%. 897 phòng học đã đổi mới không gian lớp học. Ở bậc THCS có 2.977 phòng học, trong đó có 2.867 phòng học kiên cố, 100% trường có nguồn nước sạch hợp vệ sinh, toàn ngành có 862 phòng học bộ môn. Bậc THPT có tổng số 1.275 phòng học, trong đó có 1.233 phòng học kiên cố. Với 246 phòng học chức năng ở các nhà trường đã bảo đảm đủ cho công tác giảng dạy và học tập. Ở khối GDTX, 16 trung tâm đã và đang xây dựng các phòng học cao tầng. Tính đến đầu năm học 2014-2015, toàn tỉnh đã có 556 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó giáo dục mầm non có 132/264 trường đạt chuẩn mức độ I; giáo dục tiểu học có 283/291 trường đạt chuẩn mức độ I, trong đó có 90 trường đạt chuẩn mức độ II; giáo dục THCS có 124/246 trường; giáo dục THPT có 17/56 trường đạt chuẩn quốc gia.
Cô và trò Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Nam Định). |
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quy hoạch tổng thể hệ thống, mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, đối với bậc học mầm non, ngành GD và ĐT tỉnh phấn đấu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non công lập đóng trên địa bàn. Thành lập các trường mầm non công lập ở các khu chế xuất, KCN phát triển; khuyến khích thành lập các trường mầm non tư thục ở những nơi có điều kiện (đặc biệt ở Thành phố Nam Định); huy động trẻ đến trường mầm non tăng 0,5%/năm. Trong đó, năm học 2015-2016 phấn đấu có 265 trường mầm non và huy động 52% trẻ nhà trẻ, 98,1% trẻ mẫu giáo đến trường, trong đó có 100% trẻ 5 tuổi đến trường; đến năm 2020, có từ 268-270 trường mầm non, huy động 54% số trẻ vào nhà trẻ, 99% số trẻ mẫu giáo đến trường. Hằng năm huy động 100% trẻ 5 tuổi đến trường để chuẩn bị vào lớp 1, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; chú trọng cả 5 lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và thẩm mỹ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ khi ở trường, tăng tỷ lệ trẻ ăn bán trú, học 2 buổi/ngày. Hằng năm giảm từ 0,5-1% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân, hạn chế trẻ có cân nặng cao hơn lứa tuổi. Đến năm 2015, toàn ngành phấn đấu bảo đảm có đủ quỹ đất và tăng cường đầu tư xây dựng trường mầm non theo hướng đạt chuẩn, xóa phòng học tạm, học nhờ; xây dựng kiên cố hóa 70% phòng học cấp IV và phòng học còn thiếu, có 60% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2020, 100% phòng học của bậc học được xây dựng kiên cố, xây dựng đủ phòng học và các phòng chức năng và có 80% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đối với bậc tiểu học, thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp để 100% xã, phường, thị trấn có trường tiểu học. Chuyển đổi vị trí một số trường tiểu học không đủ diện tích để bảo đảm yêu cầu xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia và trường tiểu học chất lượng cao, đồng thời xây dựng các trường tiểu học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu học tập, giảng dạy của giáo viên, học sinh, tạo điều kiện để tiến tới chuẩn quốc gia và quốc tế. Đầu tư thiết bị cho các phòng chức năng như: phòng Tin học, ngoại ngữ chuyên dụng, thư viện, phòng đa năng, các thiết bị cho lớp học như máy chiếu, bảng tương tác, thư viện lớp… Phấn đấu đến năm 2015 có 35% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, mỗi huyện, xã có 1 trường chất lượng cao (riêng Thành phố Nam Định có 2 trường). Năm 2020 có 60%-70% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và 100% số trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đối với giáo dục trung học, ngành tiếp tục duy trì ổn định 246 trường THCS công lập, xây dựng 10 trường THCS chất lượng cao của 10 huyện, thành phố. Bậc THPT duy trì ổn định 56 trường THPT (trong đó có 44 trường công lập và 12 trường THPT ngoài công lập). Xây dựng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thành trường chuyên chất lượng cao, trọng điểm quốc gia; xây dựng 5 trường (Giao Thủy, A Hải Hậu, Tống Văn Trân, Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo) thành cơ sở giáo dục chất lượng cao, từng bước xây dựng các lớp chuyên trong trường THPT chất lượng cao. Tất cả các trường THPT đều bảo đảm đủ phòng học, bàn ghế theo quy định, đủ phòng học bộ môn, bảo đảm đến năm 2015 các trường xây dựng chất lượng cao đều có phòng thực hành tiếng Anh đủ tiêu chuẩn; 70% số trường THCS và 60% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2020 các trường đều đạt chuẩn quốc gia. Ở ngành học GDTX phấn đấu duy trì mỗi năm huy động 200 học viên xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Đồng thời tổ chức có hiệu quả chương trình bổ túc THCS nhằm góp phần nâng cao dân trí và củng cố vững chắc phổ cập THCS; duy trì số học viên hằng năm khoảng 200 người. Từ năm 2016-2020 duy trì 6% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học bổ túc THPT. Phát triển hình thức học chuyên đề cả về quy mô và nội dung học tập nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về KHKT cho nhân dân, góp phần tăng thu nhập cho người lao động và chống tái mù chữ. Từ năm học 2015-2016 huy động 250 nghìn lượt học viên/năm, từ năm 2015-2020 huy động 300 nghìn lượt học viên/năm. Phát triển các hình thức giáo dục từ xa, chương trình giáo dục nâng cao chất lượng cuộc sống, chương trình đáp ứng sở thích cá nhân và giáo dục định hướng tương lai vào những năm 2016-2020. Các trung tâm GDTX đều được xây dựng cao tầng, có đủ phòng học, bàn ghế theo quy định, phấn đấu có dần các phòng học bộ môn và có đủ phòng học bộ môn vào năm 2017; xây dựng 2 trung tâm GDTX trọng điểm cấp huyện và có từ 1-2 trung tâm đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đến năm 2015 có 50% trung tâm học tập công đồng có trụ sở riêng với các trang thiết bị, bàn ghế… để hoạt động hiệu quả; năm 2018 có 80% trung tâm học tập cộng đồng có trụ sở riêng.
Để thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành GD và ĐT quyết tâm đổi mới quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập và kiểm tra đánh giá các cơ sở giáo dục. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và tài chính cho giáo dục, mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực GD và ĐT, góp phần đưa GD và ĐT tỉnh ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Hồng Minh