Qua công tác giám sát việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội

08:12, 15/12/2014

Thực hiện Chương trình hoạt động năm 2014, thời gian qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề: “Thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn tỉnh Nam Định 3 năm 2011-2013” tại một số địa phương, đơn vị. Qua công tác giám sát cho thấy, công tác BTXH đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo; các ngành chức năng, các đoàn thể triển khai thực hiện tốt các chính sách BTXH và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội tại xã Nam Cường (Nam Trực). Ảnh: Văn Trọng
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội tại xã Nam Cường (Nam Trực). Ảnh: Văn Trọng

Thời điểm đầu năm 2011, toàn tỉnh có 43.777 đối tượng BTXH. Trên cơ sở Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, trong 3 năm (2011-2013), UBND tỉnh đã ban hành 8 quyết định, Sở LĐ-TB và XH đã ban hành 7 văn bản hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách trợ giúp các đối tượng BTXH. Sở LĐ-TB và XH chủ động phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách BTXH đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng quy trình, đối tượng, đảm bảo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội, chủ động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng BTXH. Thực hiện chính sách BTXH theo Nghị định 13/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội; Nghị định 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, trong 3 năm (2011-2013), toàn tỉnh đã xét duyệt hưởng trợ cấp xã hội cho trên 28 nghìn đối tượng BTXH (chủ yếu trong diện người khuyết tật, người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu). Việc xét duyệt trợ cấp xã hội được thực hiện đảm bảo theo quy trình, quy định của Nhà nước từ khâu hướng dẫn đối tượng thiết lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp xã hội đảm bảo tính khách quan, công bằng, đúng đối tượng. Song song với việc xét duyệt trợ cấp xã hội, việc điều chỉnh mức trợ cấp xã hội của từng diện đối tượng do có sự thay đổi về mức chuẩn trợ cấp, độ tuổi, điều kiện hưởng được Sở LĐ-TB và XH tham mưu với UBND tỉnh, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định. Công tác quản lý các đối tượng BTXH được thực hiện chặt chẽ bằng phần mềm quản lý; hồ sơ các đối tượng được lưu trữ theo quy định. Một số xã trong tỉnh đã in sổ cấp phát chế độ cho đối tượng BTXH giúp người dân yên tâm với quyền lợi được hưởng và giúp cho công tác quản lý đối tượng được chặt chẽ hơn. Các chế độ chính sách trợ giúp xã hội được các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định. Việc chi trả được thực hiện trực tiếp thông qua cán bộ LĐ-TB và XH đến tận tay đối tượng hoặc người thân đối tượng. Từ năm 2011 đến năm 2013, toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng với tổng số tiền trên 511 tỷ đồng. Đến hết ngày 30-12-2013, toàn tỉnh có 73.042 người được hưởng trợ cấp BTXH thường xuyên, trong đó, đối tượng được trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng là 72.569 người và 220 đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH. Ngoài ra, có 253 hộ có người chết, mất tích, người bị thương nặng, nhà bị đổ sập… được trợ cấp đột xuất với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng, góp phần giúp các gia đình giảm bớt khó khăn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BTXH vẫn còn những tồn tại như: Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BTXH ban hành chậm; một số chính sách thiếu thống nhất, khó khăn trong tổ chức thực hiện tại địa phương. Kinh phí chi cho các hoạt động thực hiện chính sách BTXH ở cấp xã đa số không được đảm bảo. Một số địa phương chưa thực hiện chi trợ cấp xã hội định kỳ hằng tháng; quy trình xét duyệt hồ sơ chưa được thực hiện đúng quy định về thời gian; việc cập nhật thông tin đối tượng chưa kịp thời; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách tại cộng đồng còn chưa được quan tâm. Đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội chủ yếu là người già yếu, cô đơn, người khuyết tật… mất sức lao động, đời sống khó khăn, mức trợ cấp cho đối tượng này còn thấp, chưa đảm bảo mức sống trung bình tại nơi cư trú. Cơ sở vật chất của các cơ sở BTXH xuống cấp, chưa đảm bảo yêu cầu quy định… Để nâng cao chất lượng công tác BTXH, Sở LĐ-TB và XH đề nghị với Trung ương cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách mới để địa phương triển khai thực hiện kịp thời. Nghiên cứu quy định hoặc hướng dẫn bổ sung chính sách BTXH đối với người khuyết tật. Quy định một chức danh công chức LĐ-TB và XH cấp xã, không kiêm nhiệm chức danh khác để giảm tải nhiệm vụ cho cán bộ LĐ-TB và XH. Đề nghị tỉnh xem xét, bổ sung nguồn nhân lực đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ công tác BTXH. Sở LĐ-TB và XH chủ động phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương trong việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với đối tượng BTXH, nhất là các chính sách mới; phát huy dân chủ công khai ở cơ sở để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BTXH. Các huyện, thành phố cần tăng cường công tác chỉ đạo, tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, thời gian xét duyệt, công khai việc thiết lập, lưu trữ hồ sơ, thực hiện quy định về chi trả trợ cấp xã hội để công tác trợ giúp xã hội được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đúng thời gian, đầy đủ, chính xác về số liệu đối với cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BTXH. Có biện pháp trợ giúp những đối tượng gặp khó khăn về hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, tạo thuận lợi cho các đối tượng BTXH được nhận đầy đủ chế độ theo quy định. Thường xuyên rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để hưởng BTXH. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các đoàn thể tham gia công tác BTXH, vận động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm kịp thời giúp đỡ, động viên về vật chất và tinh thần cho đối tượng BTXH, giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống./.

Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com