Một trong những “điểm nhấn” và cũng là định hướng đổi mới hoạt động khuyến công năm 2014 là xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới. Đã có 8 mô hình trình diễn sản phẩm mới được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền là 1,89 tỷ đồng, trong đó có 7 mô hình được hỗ trợ mức cao nhất 250 triệu đồng, 1 mô hình được hỗ trợ mức 140 triệu đồng.
Sản xuất cửa nhựa lõi thép uPVC tại Cty TNHH Xây dựng Việt Cường, CCN Hải Phương (Hải Hậu). |
Để đạt hiệu quả thực chất, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp với Phòng Công thương các huyện, Thành phố Nam Định rà soát, thẩm định các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới của các đơn vị đăng ký ngay từ đầu năm; không giới hạn đối tượng xem xét đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ mà chú trọng tính khả thi, tiềm năng phát triển của sản phẩm. Trong tháng 5-2014, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới cho 4 doanh nghiệp và 1 cơ sở sản xuất với tổng kinh phí 1,14 tỷ đồng, với mức hỗ trợ cao nhất 250 triệu đồng/mô hình bao gồm: sản xuất khung, càng xe đạp điện, xe máy điện và lắp ráp hoàn chỉnh xe đạp điện, xe máy điện của Cty CP Việt Thái, KCN Hòa Xá (TP Nam Định); sản xuất thảm cao su công nghiệp và săm lốp cao su xe máy, máy nông nghiệp của Cty TNHH sản xuất thương mại Nam Anh, CCN An Xá (TP Nam Định); sản xuất ăng-ten Parabol và chảo thu, phát sóng truyền hình của Cty TNHH Linh Đông, CCN Đồng Côi (Nam Trực); sản xuất bột sun-phát kẽm dùng trong công nghiệp mạ điện và sản xuất thức ăn chăn nuôi của Cty CP Công nghiệp và Khoáng sản Nam Định, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). Riêng mô hình sản xuất than sinh học phục vụ các lò hơi công nghiệp trong ngành dệt may của anh Lê Trường An, xã Giao Long (Giao Thủy) được hỗ trợ kinh phí 140 triệu đồng. Tháng 12-2014, có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mức tối đa 250 triệu đồng/mô hình là các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất: thức ăn chăn nuôi từ nông sản của Cty TNHH Sản xuất Thương mại Đức Lương, xã Tam Thanh (Vụ Bản); cửa nhựa lõi thép uPVC của Cty TNHH Xây dựng Việt Cường, CCN Hải Phương (Hải Hậu); bột cá tươi (làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi) của Cty CP Thủy hải sản Biển Đông, xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Cty TNHH Xây dựng Việt Cường với ngành nghề chính là xây dựng các công trình dân dụng - công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng và gia công các sản phẩm cơ khí đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng tại CCN Hải Phương. Năm 2014, Cty đã đầu tư trên 5 tỷ đồng lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại và xây dựng 1 trạm biến áp công suất 250kVA để sản xuất cửa nhựa lõi thép với năng lực sản xuất mỗi năm gần 5.000m2 sản phẩm các loại. Cửa nhựa lõi thép của Cty với các ưu điểm như: độ bền cao, đa dạng mẫu mã, màu sắc; không bị tác động bởi thời tiết và thời gian sử dụng cao, giá hợp lý từ 700 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/m2 nên được người tiêu dùng ưa chuộng lựa chọn thay thế các loại cửa gỗ truyền thống. Dây chuyền sản xuất cửa nhựa lõi thép của Cty đã tạo thêm việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng, doanh thu từ sản xuất các sản phẩm cửa nhựa lõi thép uPVC của Cty năm 2014 ước đạt từ 6-7 tỷ đồng. Cuối năm 2013, Cty CP Thủy hải sản Biển Đông, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) đã đầu tư trên 5 tỷ đồng lắp đặt 2 dây chuyền chế biến bột cá tươi làm nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Để đảm bảo đạt công suất 3.000 tấn bột cá/năm, Cty đã đầu tư xây mới 1 trạm biến áp công suất 100kVA, hệ thống lò hơi công suất 3.000 tấn hơi/giờ; cải tạo hệ thống cầu cảng dài 20m (để các tàu thuyền tải trọng đến 20 tấn cập cảng); 1 cần cẩu công suất nâng 6 tấn. Với quy trình sản xuất khép kín, tự động từ khâu cấp nguyên liệu, sấy - nghiền (ở nhiệt độ từ 150-180 độ C), sàng (lọc các tạp chất như: sắt, đá, xương…), bột cá thành phẩm được làm nguội tự nhiên bằng hệ thống quạt hút hơi nóng rồi mới đóng bao thành phẩm. Trong quá trình sản xuất, toàn bộ hơi ẩm trong quá trình sấy - nghiền được xử lý bằng quạt hút ly tâm công suất cao, dồn vào hệ thống khử mùi để đốt cháy và dập nước trước khi thải ra môi trường qua ống khói cao 25m. Nhờ đầu tư đồng bộ, từ tháng 9-2014, dây chuyền sản xuất của Cty đã hoạt động ổn định, nguyên liệu sản xuất chính là các loại cá tạp, mỗi ca sản xuất (8 tiếng) có thể tiêu thụ được 20 tấn cá nguyên liệu để sản xuất được từ 5-5,5 tấn sản phẩm. Hiện tại, dây chuyền sản xuất bột cá của Cty tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2014, Cty TNHH Sản xuất thương mại Đức Lương đã đầu tư trên 5 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cho gia cầm, thủy cầm từ các sản phẩm nông nghiệp (ngô, thóc, cám, đỗ tương, lạc…) tại xã Tam Thanh (Vụ Bản) với công suất 1.500 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm của Cty có 2 loại là dạng bột và dạng viên. Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Cty Đức Lương không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân mà còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Các mô hình được hỗ trợ đều có thời gian hoàn vốn đầu tư ngắn (32-42 tháng) cho thấy việc đổi mới phương thức sử dụng nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh là hiệu quả, kịp thời, đã giúp các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất và tổ chức hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới đảm bảo các yếu tố: thiết thực, đảm bảo chất lượng, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Ngoài tác dụng kích cầu, động viên các doanh nghiệp, nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh còn là động lực thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo thêm việc làm mới và thu nhập cho nhiều lao động./.
Bài và ảnh: Thành Trung