Theo báo cáo của Sở Công thương, các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm (LTTP) và đồ uống năm 2014 của tỉnh đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó có một số sản phẩm như: thịt lợn đông lạnh đạt 2.616 tấn, tăng 10,2%; bánh, kẹo các loại đạt 11.143 tấn, tăng 12,6%; nước mắm đạt 8 triệu 128 nghìn lít, tăng 11,5%; gạo xay xát đạt 967 nghìn tấn, tăng 4,7%... so với cùng kỳ năm trước.
Công nghiệp chế biến LTTP và đồ uống là 1 trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Trong giai đoạn 2011-2015, ngành công nghiệp này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,3%/năm, cao hơn chỉ tiêu đặt ra trong quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2020 1,3%. Ngành chế biến LTTP và đồ uống hiện chiếm tỷ trọng trên 6% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, thu hút trên 13,2 nghìn lao động trực tiếp (chiếm 8,1% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp). Về tỷ trọng trong toàn ngành công nghiệp, tuy giai đoạn 2011-2015 ngành có giảm 0,7% so với giai đoạn trước nhưng giá trị sản xuất công nghiệp lại có mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 2014, giá trị sản xuất ngành chế biến LTTP và đồ uống ước đạt trên 1.245 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2013, góp phần quan trọng trong giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh năm 2014 đạt 22.242 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và vượt 6,7% kế hoạch. Các sản phẩm của ngành ngày càng đa dạng gồm: bia, rượu, thịt, tôm đông lạnh, bánh kẹo, nước mắm,… từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần tiêu thụ các loại nông sản hàng hoá cho nông dân trong tỉnh, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nhiều địa phương. Tại Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu Nam Định trong năm 2014, ngoài các sản phẩm truyền thống như chế biến thịt lợn sữa, thịt lợn mảnh đông lạnh xuất khẩu, Cty đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng phân xưởng chế biến thực phẩm chín với các sản phẩm chủ yếu là các loại xúc xích (tiệt trùng và thanh trùng), thịt lợn hong khói, giò lụa, chân giò hong khói…
Sản phẩm nước uống tinh khiết Thiên Trường của Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định. |
Ở khối doanh nghiệp sản xuất đồ uống, các sản phẩm bia hơi, bia đóng chai, nước uống tinh khiết của các doanh nghiệp: Cty CP Bia NaDa, Cty CP Bia Hà Nội - Nam Định, Cty CP Bia ong Xuân Thuỷ, Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định, Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Thanh (KCN Hòa Xá)… đã nỗ lực đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, không ngừng nâng cao năng lực quản lý để phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Là doanh nghiệp hàng đầu trong khối doanh nghiệp sản xuất đồ uống, Cty CP Bia NaDa luôn giữ được thị trường tiêu thụ ổn định nhờ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Với khoảng 600 đại lý cấp 1, sản phẩm của Cty đã được tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh và các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ… Năm 2014, Cty sản xuất được gần 23 triệu lít bia, tăng gần 2 triệu lít; tổng doanh thu ước đạt trên 211 tỷ đồng, tăng gần 11 tỷ đồng so với năm 2013. Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định đã đầu tư dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết theo công nghệ của Mỹ, công suất 1.000 lít/giờ. Sản phẩm nước uống tinh khiết Thiên Trường của Cty được kiểm soát bởi hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 với 3 loại sản phẩm chính: bình dung tích 20 lít, các loại chai dung tích 300, 500ml, đã được Sở Y tế chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 6-1:2010/BYT) và được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vinh danh là một trong 100 thương hiệu đồ uống được ưa chuộng nhất Việt Nam năm 2013. Năm 2014, Cty phấn đấu sản xuất 70 nghìn bình và 7.000 thùng nước tinh khiết, doanh thu đạt từ 1,25 tỷ đồng trở lên. Tại huyện Hải Hậu, chế biến thực phẩm từ các nguồn nguyên liệu: thủy hải sản, muối… là thế mạnh của nhiều địa phương như: Hải Hòa, Hải Chính, Thị trấn Thịnh Long. Trên địa bàn huyện đã phát triển được 10 dây chuyền sản xuất muối sạch, muối i-ốt với tổng sản lượng từ 35-40 nghìn tấn/năm. Thị trấn Thịnh Long hiện có 3 doanh nghiệp, 6 cơ sở chế biến thủy sản theo phương pháp cổ truyền với các sản phẩm chính là: nước mắm, mắm tôm, sứa... Cty TNHH Thịnh Long đầu tư dây chuyền hấp sấy liên hoàn, mỗi năm tiêu thụ từ 250-300 nghìn tấn cá nguyên liệu sản xuất bột cá dùng trong chế biến thức ăn chăn nuôi phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Với dây chuyền sản xuất đồng bộ, mỗi tháng Cty TNHH Vạn Hoa sản xuất trên 20 nghìn lít nước mắm, 3-4 tấn mắm tôm, chế biến 4-5 tấn sứa đủ tiêu chuẩn VSATTP để được bày bán tại hệ thống Siêu thị Metro ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long… Ở huyện Giao Thủy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm tại các xã Bạch Long, Giao Hải… đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, xã Bạch Long đã phát triển được 8 doanh nghiệp, hàng chục cơ sở chế biến thực phẩm; trong đó có 3 Cty chế biến thủy hải sản, 5 Cty chế biến muối với các sản phẩm chính là muối sạch, bột canh i-ốt, muối công nghiệp… Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm đã đầu tư trên 15 tỷ đồng xây dựng một xưởng chế biến muối rộng trên 1.000m2 gồm 2 dây chuyền sản xuất muối tinh công suất 22 nghìn tấn/năm (4 tấn/giờ) và chế biến muối tinh sấy công suất 10 nghìn tấn/năm (3 tấn/giờ) cung ứng cho các thị trường: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương... Cty TNHH một thành viên Hùng Vương đã đầu tư trên 2 tỷ đồng lắp đặt trạm biến áp công suất 250kVA, 3 lò sấy điện công suất 1 tạ cá/mẻ, 1 kho lạnh công suất 100 tấn nguyên liệu tại xã Giao Hải để sản xuất các sản phẩm từ sứa, cá mai… cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hằng năm, Cty sản xuất từ 20-22 tấn cá mai khô, chế biến khoảng 1.000 tấn sứa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 lao động địa phương. Tại huyện Nghĩa Hưng nghề chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh ở các xã ven biển, như: Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Nghĩa Bình, Thị trấn Rạng Đông… Làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải có 10 cơ sở sản xuất các sản phẩm nước mắm, mắm tôm được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản (Sở NN và PTNT) cấp giấy chứng nhận sản phẩm bảo đảm ATVSTP. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã tiêu thụ khoảng 2.000 tấn nguyên liệu, sản xuất hàng trăm tấn mắm tôm, gần 1.000 lít nước mắm. Với gần 130 phương tiện tàu thuyền, công suất máy từ 15-320CV thường xuyên bám biển khai thác, mỗi năm, sản lượng thủy, hải sản khai thác tự nhiên của xã Nghĩa Thắng thường đạt khoảng 2.500 tấn. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định nên xã đã phát triển được 10 cơ sở chuyên sản xuất các loại nước mắm, mắm tôm, chế biến cá khô và sản xuất bột cá nhạt (để sản xuất thức ăn chăn nuôi). Tại huyện Vụ Bản, Cty TNHH Đức Lương, xã Tam Thanh đã đầu tư trên 5 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi (từ các loại nông sản, phế phẩm thủy, hải sản) với công suất trên 1.500 tấn/năm.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2015, ngành công nghiệp chế biến LTTP và đồ uống phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên 1.457 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2014. Để hoàn thành mục tiêu đó, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và các ngành chức năng, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quản lý, đổi mới công nghệ thiết bị để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, chú trọng chế biến các sản phẩm xuất khẩu. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài để mở rộng thị trường. Chú trọng đảm bảo ATVSTP trong sản xuất và tiêu thụ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững./.
Bài và ảnh: Thành Trung