Khắc phục bất cập trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

06:12, 20/12/2014

Theo quy hoạch CCN giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh xây dựng 31 CCN, đến nay đã có 20 CCN đi vào hoạt động, phát huy vai trò thúc đẩy sản xuất CN-TTCN ở các huyện, thành phố; 11 CCN còn lại được phân kỳ đầu tư xây dựng trong thời gian tới. 20 CCN tại các địa phương đã thu hút gần 500 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo ra khối lượng hàng hóa giá trị hàng nghìn tỷ đồng, thu hút và giải quyết việc làm cho trên 1,8 vạn lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Một số CCN lớn như La Xuyên, Tống Xá, Thị trấn Lâm (Ý Yên); Xuân Tiến (Xuân Trường), An Xá (TP Nam Định), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Hải Phương (Hải Hậu) đều đạt giá trị sản xuất cao, trên 100 tỷ đồng/năm. Tại CCN An Xá (TP Nam Định), đồng chí Nguyễn Đông Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN thành phố cho biết: “Thời gian qua, CCN An Xá đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, đồng thời tiến hành mở rộng kết hợp nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của CCN để thu hút đầu tư. Hiện tại, CCN An Xá đã đầu tư 113 tỷ 317 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng”. Qua 2 giai đoạn đầu tư, CCN đã cơ bản hoàn thiện hệ thống giao thông, xử lý nước thải và hạ tầng kỹ thuật ngầm khác phục vụ các nhà đầu tư triển khai dự án.

Bên cạnh các kết quả đạt được, hiện trạng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các CCN còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện nay, 20 CCN trên địa bàn tỉnh đều do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Do ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các CCN manh mún và thiếu đồng bộ, chủ yếu tập trung về mặt bằng, hạ tầng giao thông, điện, viễn thông,… chưa hoàn chỉnh theo yêu cầu phát triển hoặc quy hoạch được phê duyệt. Phần lớn các CCN, kể cả những CCN ở gần khu dân cư vẫn chưa có hệ thống công trình xử lý chất thải (nước thải và chất thải rắn) tập trung; mới chỉ có 3 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải chung là các CCN La Xuyên, Xuân Tiến, An Xá. Do quản lý lỏng lẻo từ chính quyền địa phương, ở một số CCN, nhà đầu tư còn tự ý xây dựng nhà ở kiên cố hoặc các công trình khác ngoài diện tích nhà xưởng phục vụ sản xuất trong CCN không theo đúng quy hoạch như Cty TNHH Việt Cường tại CCN Hải Phương (Hải Hậu). CCN Xuân Bắc (Xuân Trường) được quy hoạch 7,6ha, giai đoạn 1 thực hiện thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng 2,87ha với ngành nghề chủ yếu là chế biến lâm sản. Tuy nhiên, do CCN nằm sát khu dân cư ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường nên UBND xã Xuân Bắc đã có văn bản đề nghị không tiếp tục thực hiện phần diện tích còn lại của CCN đã quy hoạch. Các CCN: Xuân Bắc, Cơ khí đóng tàu Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) không có quy hoạch chi tiết gây khó khăn cho công tác quản lý.

Hoàn thiện các chi tiết sản phẩm thiết bị trường học tại Cty TNHH Thuận Thành ở CCN An Xá (TP Nam Định).
Hoàn thiện các chi tiết sản phẩm thiết bị trường học tại Cty TNHH Thuận Thành ở CCN An Xá (TP Nam Định).

Để quản lý CCN và các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư của doanh nghiệp vào CCN đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập các Trung tâm phát triển CCN. Đến nay, đã thành lập được 7 Trung tâm phát triển CCN tại các huyện Ý Yên, Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Vụ Bản, Nam Trực; hỗ trợ đắc lực cho UBND các huyện, thành phố quản lý tốt các dự án đầu tư về hạ tầng cũng như sản xuất, kinh doanh tại các CCN, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư về địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm phát triển CCN trong việc chủ động xúc tiến kêu gọi, tìm kiếm nhà đầu tư hạ tầng CCN còn gặp nhiều khó khăn do quy định về quyền hạn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, do thiếu hướng dẫn cụ thể về thủ tục hưởng ưu đãi dẫn đến phát sinh một số bất cập về cơ chế phối hợp, quản lý trong hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN. Cụ thể, đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN, việc triển khai thủ tục đầu tư, quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao và cho thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào CCN chưa rõ ràng nên khó thu hút được doanh nghiệp tham gia cùng địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Các doanh nghiệp muốn đầu tư hạ tầng CCN chưa tiếp cận được các gói ưu đãi về vay vốn tín dụng, chế độ ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất do chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể.

Để các CCN phát huy hiệu quả tích cực đối với kinh tế - xã hội địa phương, nhất là hạn chế các tác động tiêu cực về môi trường cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và CCN, việc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho CCN theo đúng quy hoạch, thiết kế là hết sức quan trọng. Muốn vậy, cần phát huy phương thức xã hội hóa, huy động các nhà đầu tư tham gia cùng UBND các địa phương để khắc phục hạn chế về ngân sách, đủ nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ trước khi kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất trong CCN. Các địa phương đang tổng hợp các ý kiến, kiến nghị với Bộ Công thương về những bất cập, phát sinh trong quá trình thực hiện công tác quản lý, khai thác hạ tầng kỹ thuật CCN, công tác quản lý đầu tư của doanh nghiệp vào CCN, các dịch vụ bảo đảm về an toàn vệ sinh môi trường để điều chỉnh, hoàn thiện quy định, đưa công tác phát triển CCN đồng bộ hơn vì sự phát triển công nghiệp nông thôn bền vững./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com