Cùng với các làng nghề, 20 CCN địa phương là “xương sống”, nòng cốt để thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn giai đoạn 2011-2015 theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25-7-2011 của Tỉnh ủy. Tổng số dự án đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh là 459 dự án với tổng vốn đăng ký là 2.975,5 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 2.706,7 tỷ đồng. Đã có 14 CCN được lấp đầy và cơ bản lấp đầy.
Sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng, mỹ nghệ tại Doanh nghiệp tư nhân Phú Khánh, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Để đạt hiệu quả cao trong công tác thu hút đầu tư vào các CCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh. Việc thực hiện các chương trình khuyến công, Đề án 1956 vừa góp phần đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến đầu tư; vừa tăng cường năng lực kỹ thuật, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp ở nông thôn. Bên cạnh đó, sự phát triển hệ thống giao thông huyết mạch và giao thông nông thôn đã cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải chuyên chở hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhờ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đã có sự cải thiện rõ rệt. Cùng với quyết tâm của tỉnh, các huyện, thành phố cũng tập trung chỉ đạo các phòng chức năng nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của huyện để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN. Đặc biệt các CCN được phát triển đúng thời điểm, đón đầu xu thế đầu tư về nông thôn để tận dụng các lợi thế về mặt bằng, lao động tại chỗ, giảm gánh nặng chi phí chỗ ở, sinh hoạt cho lao động tập trung... Do vậy các CCN đã nhanh chóng được lấp đầy. Tại huyện Ý Yên, 5 CCN tập trung ở Thị trấn Lâm và các xã Yên Xá, Yên Ninh đã cơ bản được lấp đầy 100% diện tích; thu hút được 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư dự án phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 395,6 tỷ đồng. Huyện Xuân Trường hiện có 4 CCN tập trung là: Xuân Tiến, Thị trấn Xuân Trường, đóng tàu Xuân Trường và Xuân Bắc; các CCN vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng số 53 dự án đầu tư, tạo việc làm và thu nhập ổn định với mức bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng cho trên 3.500 lao động thường xuyên… Không chỉ thu hút các dự án quy mô vừa mà nhiều CCN địa phương đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn (trong đó có cả những dự án đầu tư nước ngoài). Dự án đầu tư vào CCN Nam Hồng của Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan), sản xuất các sản phẩm từ da, với tổng mức đầu tư 25 triệu USD đã được nâng lên quy mô 4 xưởng sản xuất với tổng diện tích gần 24 nghìn m2, gồm 21 chuyền, tạo việc làm cho 2.700 lao động; năm 2014, Cty phấn đấu sản xuất được 2,6 triệu sản phẩm, tổng doanh thu khoảng 50 triệu USD, tạo thêm việc làm cho từ 300-1.000 lao động mới. Dự án đầu tư của Cty CP May Sông Hồng với tổng mức đầu tư trên 350 tỷ đồng vào CCN Hải Phương (Hải Hậu) với 4 xưởng may công nghiệp thu hút trên 2.200 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH Đầu tư và Thương mại An Lành đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bông gạc, găng tay y tế trên diện tích 1,2ha tại CCN An Xá (TP Nam Định) với tổng trị giá trên 5 triệu USD, tạo việc làm cho gần 300 lao động… Theo báo cáo của Sở Công thương, năm 2014, giá trị sản xuất CN-TTCN (theo giá cố định năm 1994) tại các CCN toàn tỉnh ước đạt 2.490 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013. Các CCN hoạt động ổn định, thu hút được nhiều dự án đầu tư mới trong thời gian qua đã góp phần tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho trên 18,4 nghìn lao động trực tiếp.
Tuy nhiên, công tác phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường trong các CCN, có nơi rất nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển sản xuất và đời sống dân sinh tại địa bàn. Mới có 3/20 CCN đang hoạt động là các CCN: Xuân Tiến (Xuân Trường), Tống Xá (Ý Yên) và An Xá (TP Nam Định) đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải công nghiệp. Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân, kết quả và tồn tại, hạn chế trong công tác thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011-2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn của Trung ương, của tỉnh (các Nghị định số 41, 45, 61 của Chính phủ và Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 7-5-2012 của UBND tỉnh). Các địa phương cần nỗ lực, chủ động xúc tiến kêu gọi đầu tư, chú trọng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo ra nhiều lợi thế ưu đãi cho doanh nghiệp. Đặc biệt nghiên cứu kỹ các tiềm năng sẵn có của địa phương và có định hướng ưu tiên tập trung phát triển rõ ràng để kêu gọi đầu tư. Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, thu hút đầu tư để các CCN còn trống sẽ thu hút được các dự án lớn vào đầu tư phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII./.
Bài và ảnh: Thành Trung