Sau dồn điền, đổi thửa, Thị trấn Quỹ Nhất đã hình thành các vùng sản xuất tập trung: vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng sản xuất cây vụ đông, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vùng trang trại tổng hợp... theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Cùng với việc dồn điền, đổi thửa, thị trấn kết hợp củng cố hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng với chỉnh trang đồng ruộng phục vụ sản xuất.
Nhằm tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân, từ năm 2012 đến nay, Đảng ủy, UBND Thị trấn Quỹ Nhất đã giao cho HTXNN Quỹ Nhất tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ sản xuất, phát triển nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) 3 vụ/năm, mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa. HTXNN Quỹ Nhất đã hướng dẫn, vận động các hộ nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày và đẩy sớm lịch thời vụ gieo cấy. Đây là tiền đề để các hộ nông dân tạo quỹ đất phát triển, mở rộng sản xuất cây vụ đông, đảm bảo gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất. Để sản xuất vụ đông thắng lợi, ngay trước khi thu hoạch vụ lúa mùa, HTX tổ chức triển khai kế hoạch cụ thể để từng hộ dân đăng ký sản xuất cây vụ đông và trực tiếp cung ứng các loại giống, phân bón, thuốc BVTV. Đồng thời, HTX xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất từng loại cây: cà chua, bí xanh, rau màu, ngô; tổ chức chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các hộ nông dân trồng vụ đông. Đến nay, thị trấn đã mở rộng được 84,1ha trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa ở cả 9 đội sản xuất, trong đó tập trung vào các loại cây dễ trồng, có thị trường tiêu thụ ổn định và có hiệu quả kinh tế cao như: cà chua 40,2ha, bí xanh 21,4ha, rau màu các loại 22,5ha. Thu nhập từ cây vụ đông của thị trấn bình quân đạt từ 7-9 triệu đồng/sào. Bình quân các hộ thu nhập từ 20-25 triệu đồng/vụ đông; nhiều hộ thu nhập 90-100 triệu đồng/vụ như hộ các ông: Phạm Văn Phong, Trần Thế Phiệt, Nguyễn Văn Hợi, Phạm Văn Hải, Nguyễn Văn Hoành… ở các đội sản xuất số 3, 4, 5, 8. Không chỉ ở Thị trấn Quỹ Nhất, hiện nay, sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa đang được coi là vụ thu nhập chính của nông dân nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng. Tùy điều kiện đất đai, tập quán canh tác, các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Phong, Nghĩa Thái đã lựa chọn trồng bí xanh làm cây chủ lực; các xã, thị trấn Nghĩa Thành, Rạng Đông, Nam Điền chú trọng vào trồng cà chua; xã Nghĩa Lâm lựa chọn phát triển cây bí đỏ… Qua mỗi năm, diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa ở Nghĩa Hưng không ngừng được mở rộng.
Nông dân xã Nghĩa Hồng chăm sóc cây bí xanh vụ đông. |
Để khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tháng 9-2012, UBND huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng Đề án “Chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng giai đoạn 2012-2015”. Căn cứ vào Đề án của UBND huyện, các xã, thị trấn trong huyện đều xây dựng Đề án phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để đảm bảo tính khả thi cao. Ngay từ đầu năm 2014, huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ theo mô hình CĐML với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT huyện cùng Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng đẩy nhanh thời vụ gieo cấy lúa để thu hoạch sớm hơn từ 7-8 ngày ở cả 2 vụ sản xuất. Từ đó tạo điều kiện về quỹ thời gian để mở rộng diện tích các cây vụ đông trồng trên đất 2 lúa theo đúng kế hoạch và đảm bảo thời vụ gieo trồng. Căn cứ vào điều kiện cụ thể về đất đai, tập quán canh tác của từng đơn vị trong huyện, UBND huyện Nghĩa Hưng đã giao chỉ tiêu kế hoạch sớm cho các đơn vị về diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa, cụ thể từng loại cây trồng để các địa phương chủ động triển khai. Huyện phân công trực tiếp các đồng chí lãnh đạo phụ trách chỉ đạo sản xuất mô hình CĐML gắn với sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa ở cơ sở, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo các nội dung cụ thể từ quy vùng sản xuất cây vụ đông, bố trí trà lúa mùa sớm, cơ cấu cây trồng vụ đông trên cơ sở kế hoạch sản xuất vụ đông được UBND huyện giao, đến chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho sản xuất vụ đông như: giống, vật tư phân bón các loại… Tất cả cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của các cơ quan: Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV, HND huyện được phân công trực tiếp phụ trách 22 xã, thị trấn sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa; trong đó giao cho 10 cán bộ trực tiếp xây dựng và chỉ đạo mô hình điểm sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa ở 10 xã, thị trấn trong huyện. Các cán bộ kỹ thuật thường xuyên giao ban, tổng hợp tình hình và kịp thời đề xuất các nội dung, giải pháp giúp huyện nâng cao hiệu quả chỉ đạo sản xuất vụ đông. Trước khi bước vào sản xuất vụ đông, Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV, HND huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh các cây vụ đông cho các hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất. Ngoài các cơ chế khuyến khích của UBND tỉnh, huyện đã tạo điều kiện cho các đơn vị ký kết hợp đồng mua giống và tiêu thụ sản phẩm các cây vụ đông, ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí sản xuất CĐML gắn với sản xuất vụ đông cho các xã, thị trấn với định mức 100 nghìn đồng/ha gieo sạ hàng; tổng mức hỗ trợ trên 200 triệu đồng tiền mua công cụ sạ hàng. Hỗ trợ kinh phí cho 10 mô hình sản xuất vụ đông ở 10 đơn vị, mỗi mô hình 10 triệu đồng. UBND huyện đã trích kinh phí, ứng trước gần 3 tỷ đồng giúp cho các địa phương có kế hoạch sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, chuẩn bị đủ lượng giống cây vụ đông là bí xanh, bí đỏ, đậu tương. Các địa phương đã chủ động nâng cấp bờ vùng, bờ thửa, khoanh vùng chống úng, chủ động sửa chữa, mua sắm thêm máy bơm nước các loại phục vụ cho công tác tưới, tiêu. Do chủ động sử dụng các giống lúa ngắn ngày: RVT, Nam Định 5, TBR45, TH3-3, đẩy sớm thời vụ gieo cấy, nhiều địa phương đã gặt lúa mùa sớm xong cơ bản trước ngày 30-9 nên đã giải phóng đất sớm, bắt đầu đưa bí xanh, bí đỏ, cà chua và rau màu các loại ra ruộng trồng. Hiện các hộ nông dân trong huyện đang đẩy nhanh tiến độ gặt lúa mùa đi đôi với gieo trồng các cây vụ đông trong thời vụ và tập trung chăm sóc diện tích mới trồng, phấn đấu giành vụ đông thắng lợi./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh