Quá trình thi công các công trình hạ tầng giao thông kéo theo những tác động lớn đến môi trường do các yếu tố khói, bụi, tiếng ồn… trong thời gian dài. Do vậy việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của các dự án xây dựng giao thông là bắt buộc và các đơn vị thi công phải bảo đảm thực hiện nghiêm các yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình thi công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số dự án giao thông trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ một số tồn tại: chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp BVMT theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; công tác quan trắc, giám sát môi trường còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; chưa bảo đảm vệ sinh môi trường tại các công trường, bến, bãi; vật liệu xây dựng và chất thải chưa được thu gom, xử lý… ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, cộng đồng trong khu vực thực hiện dự án.
Thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường 488C. |
Để nâng cao hiệu quả BVMT trong quá trình thực hiện các dự án phát triển hạ tầng GTVT trên địa bàn tỉnh, thời gian gần đây, công tác quản lý, BVMT trong thi công được Sở GTVT đặc biệt tăng cường. Trong quá trình lập dự án đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh, các Ban quản lý dự án giao thông của Sở GTVT đã thực hiện nghiêm túc việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá các nguồn phát sinh chất thải trong quá trình thi công. Nhờ đó, tại tất cả các dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường giao thông huyết mạch thực hiện trong những năm gần đây như: tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý; Quốc lộ 21 đoạn Nam Định - Thịnh Long; tỉnh lộ 490C đoạn Thành phố Nam Định - Đông Bình; Quốc lộ 37B; tỉnh lộ 485, 488C, 489; tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa phận huyện Ý Yên… Ngoài ra, tại những dự án mới hoàn tất trong năm nay như: tỉnh lộ 488C đoạn Hải Hà, Hải Đông mới hoàn tất, tỉnh lộ 486B đoạn nút giao với tỉnh lộ 489B - Thị trấn Ngô Đồng; dự án đường Hải Xuân cũng thường xuyên được kiểm tra, đôn đốc, giám sát chất lượng công trình và công tác BVMT khi thi công công trình, được áp dụng tối đa các biện pháp giảm thiểu các nguồn phát sinh chất thải như: bụi, khí thải, nước thải, chất thải rắn, tiếng ồn, an toàn cháy, nổ và TNGT; vấn đề tràn và rò rỉ hoá chất dầu máy… tình trạng xói mòn và lắng đọng do các dòng nước thoát. Các nhà thầu đã thường xuyên phun nước trên những tuyến đường trong khi thi công để hạn chế bụi với lượng nước phù hợp để tránh tạo dòng bùn trôi; trang bị cho công nhân các trang thiết bị lao động như khẩu trang, găng tay để đảm bảo sức khoẻ lao động; tắt các thiết bị máy móc khi không thi công; kiểm tra, điều chỉnh và sửa chữa cần thiết các máy móc thiết bị để tuân theo các yêu cầu đảm bảo môi trường và yêu cầu an toàn khi thi công; đảm bảo các xe chuyên chở vật liệu lưu thông trên đường phải được che chắn phủ kín để tránh phát tán bụi. Có biện pháp đảm bảo không để nước thải do làm vệ sinh máy móc, thiết bị chảy vào các nguồn nước; sử dụng hệ thống bể lắng hoặc chắn bùn đảm bảo các dòng chảy do nước mưa không chảy trực tiếp vào các nguồn nước mặt; thu gom và xử lý tất cả các nước thải sinh hoạt tại công trường; không đổ chất thải rắn vào nguồn nước. Nhà thầu không đổ đất đá, mảnh vụn phát sinh trong hoạt động thi công, kể cả các chất thải phát sinh do vận chuyển máy móc, ra các khu vực đất công cộng hoặc của cá nhân mà chưa được sự chấp thuận của chủ sở hữu; hằng ngày thu gom rác thải sinh hoạt và xây dựng đổ đúng nơi đã được sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Sử dụng các loại máy móc giảm tiếng ồn có hiệu quả nhất và trang bị thiết bị giảm thanh hợp lý để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn. Trong trường hợp phải thi công ban đêm thì chỉ tiến hành các loại công việc ít gây ồn và có thông báo trước cho người dân địa phương biết. Đối với các sự cố môi trường như tràn đổ vật liệu, hoá chất cũng đều được nhà thầu nghiên cứu kỹ lưỡng và bố trí cho các nhân viên đã được đào tạo chuyên môn. Bên cạnh đó, nhà thầu còn chủ động áp dụng một số biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tích cực như: Tái sinh khu vực thi công tại các khu vực đào đất lớn và khu vực đã cày xới bằng cách trồng cây tái sinh; xử lý vật liệu đất ngoài khu vực thi công ở các vị trí đã được cho phép. Khi hoàn thành thi công thu dọn vật liệu phế thải chuyển khỏi công trình, tất cả các dầu thải được thu gom và thải bỏ theo đúng quy trình tiêu chuẩn công nghiệp dầu mỏ. Nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp BVMT nên trong nhiều năm gần đây, trong quá trình thi công các công trình GTVT, trên địa bàn tỉnh ta không có các kiến nghị, khiếu kiện bức xúc về ô nhiễm môi trường do thi công gây ra.
Hiện nay, để nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong thi công các công trình GTVT, đặc biệt các công trình trọng điểm như: tỉnh lộ 488C; Quốc lộ 38B; dự án đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A; tỉnh lộ 488 đoạn từ đường 488C đến Thị trấn Thịnh Long; tỉnh lộ 490C đoạn từ km51 đến km55; dự án WB6; dự án cầu vượt đường sắt Ninh Bình… Sở GTVT tiếp tục chủ động thực hiện và giám sát thực hiện đầy đủ các quy định về BVMT theo luật định và theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT. Theo đó, tại tất cả các công trình xây dựng hạ tầng GTVT, chủ dự án (Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Sở GTVT, Nhà đầu tư) phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch về nguồn nhân lực, kinh phí, thời gian để thực hiện công tác BVMT ngay từ bước lập dự án; hoàn thiện việc lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi dự án được phê duyệt, triển khai đầy đủ các nội dung về BVMT trong các giai đoạn tiếp theo của dự án. Bảo đảm chất lượng lựa chọn tư vấn môi trường theo các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18-4-2011 và Nghị định số 27/2013/NĐ-CP ngày 29-3-2013 của Chính phủ. Sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được phê duyệt yêu cầu chủ dự án lập, phê duyệt, niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường để triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát; bố trí cán bộ có đủ năng lực triển khai công tác BVMT tại các gói thầu; xây dựng các biện pháp thi công, tổ chức thi công tối ưu; thực thi các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm phù hợp; giảm tối đa mức độ ô nhiễm môi trường…; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp BVMT đối với từng gói thầu… Chủ dự án rà soát, lập hồ sơ lưu trữ về công tác BVMT của dự án phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu. Báo cáo định kỳ (6 tháng một lần) kết quả quan trắc, giám sát môi trường dự án về Bộ GTVT để theo dõi, tổng hợp và có hướng dẫn kịp thời; trường hợp để xảy ra ô nhiễm, ùn tắc, tai nạn giao thông phải kịp thời khắc phục ngay hậu quả theo quy định của pháp luật. Đối với tư vấn môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ dự án về các thông tin, số liệu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết BVMT và báo cáo quan trắc, giám sát môi trường đã được phê duyệt. Xác định rõ phạm vi, quy mô của dự án để thực hiện đánh giá tác động môi trường; đề xuất kinh phí thực hiện biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường phù hợp, không gây lãng phí. Đồng thời, phải có giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp khi thực hiện các gói thầu về quan trắc môi trường./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy