Những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

09:10, 08/10/2014

Trong số hơn 400 đại biểu dự hội nghị biểu dương các điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi tỉnh diễn ra trong tháng 10-2014, chúng tôi có dịp gặp gỡ những triệu phú “chân lấm, tay bùn”. Họ đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Đó là những “hạt nhân” thúc đẩy phong trào nông dân SXKD giỏi ở các địa phương.

Làm giàu từ nuôi gà
 
Trang trại chăn nuôi gà thịt của ông Trần Văn Tấn, hội viên nông dân thôn Triệu, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) là trang trại chăn nuôi gia cầm đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 20 nghìn con gà thịt, cung cấp cho thị trường 25 tấn gà sạch/năm, doanh thu mỗi năm 7-8 tỷ đồng. Năm 2009, qua HND xã tín chấp, ông Tấn được Ngân hàng CSXH cho vay 70 triệu đồng cộng với vốn tự có của gia đình, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại rộng hơn 1.000m2, chăn nuôi 8.000 con gà thịt theo mô hình công nghiệp. Lứa gà đầu thắng lợi, ông dành cả vốn, lãi và vay thêm anh em đầu tư mở rộng quy mô nuôi gà. Năm 2011, được sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT, HND tỉnh, trang trại của ông được hướng dẫn thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Tấn, chăn nuôi theo mô hình VietGAP là xu thế chung của hiện tại, mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng. Nguồn thực phẩm vừa bảo đảm sạch, an toàn, người chăn nuôi lại có thu nhập cao hơn so với sản xuất thông thường. Là một trong những người đi tiên phong ứng dụng trang trại VietGAP, ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu ghi chép, khử trùng đối với người và phương tiện ra vào, cách ly môi trường ở và chuồng trại. Chuồng trại chăn nuôi thông thường và VietGAP không hề có sự khác biệt, bất kể chuồng kín hay hở đều áp dụng được tiêu chuẩn này. Áp dụng VietGAP sẽ hạn chế được hầu hết các dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến gà như dịch cúm, tả, qua đó giữ năng suất ổn định cho đàn. Để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, ông xây dựng hàng rào bảo vệ, hệ thống khử trùng, vì thế tỷ lệ hao hụt đàn luôn ở mức thấp. Vì vậy, mô hình chăn nuôi của gia đình ông ngày càng phát triển đã mang lại hiệu quả cao với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình trang trại chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Trần Văn Tấn, thôn Triệu, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) cho thu nhập cao.
Mô hình trang trại chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Trần Văn Tấn, thôn Triệu, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) cho thu nhập cao.
“Ly nông bất ly hương”
 
Đến thăm Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Cầu của gia đình anh Nguyễn Đoàn Phó, hội viên nông dân Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) mới thấy được nỗ lực vượt lên khó khăn của anh. Anh Phó sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1991, được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là HND cho đi tham quan học tập các mô hình SXKD mới của các địa phương trong và ngoài tỉnh, anh đã tiếp cận và học hỏi được rất nhiều phương thức SXKD. Nhưng phải đến năm 1995, qua quá trình học nghề, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng, anh mới mạnh dạn đầu tư phát triển nghề mộc. Bước đầu khởi nghiệp anh gặp rất nhiều khó khăn, vốn ít, chỉ có hai vợ chồng cùng hai người thợ tập trung sản xuất: xẻ gỗ, sơ chế gỗ, làm những mặt hàng dân dụng đơn giản như giường, bàn ghế… Do mặt bằng sản xuất chật hẹp, máy móc ít nên năng suất lao động thấp. Thời gian đầu sản xuất nhiều khi không có lãi xong anh vẫn kiên trì, quyết tâm không lùi bước trước khó khăn. Ý chí và quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của anh đã được đền đáp, cơ sở SXKD đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh dần dần làm ăn có lãi và được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, trang bị thêm máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất. Anh đã đầu tư mua 2 máy xẻ gỗ CD hoạt động thường xuyên, tạo công việc và thu nhập cho nhiều lao động. Để tận dụng hết công suất, cơ sở của anh còn nhận hợp đồng xẻ, sơ chế gỗ cho các cơ sở khác và đóng nội thất cho nhiều khách hàng trong xã và một số địa phương lân cận… Năm 2004, gia đình anh tiếp tục đầu tư vốn, nâng cấp nhà xưởng. Anh đã thuê đất tại KCN Thị trấn Cổ Lễ với mặt bằng rộng 8.270m2 để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời thành lập Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Cầu. Anh đã đầu tư trên 4 tỷ đồng lắp đặt các thiết bị máy móc mới phục vụ sản xuất. Với việc đầu tư chiều sâu, doanh nghiệp của anh tuyển thêm thợ có tay nghề cao, sử dụng máy thành thạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật vận hành tự chế tạo, thay thế linh kiện, phụ tùng máy, tiết kiệm nhiên liệu... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường. Với việc mở rộng quy mô sản suất, từ năm 2007, anh nhận được nhiều hợp đồng sản xuất các loại sản phẩm đồ gỗ dân dụng như bàn ghế, giường tủ và đi sâu vào phục chế nhà cổ phục vụ các tổ chức và cá nhân. Không chỉ giải quyết được việc làm cho người lao động, anh còn tham gia đào tạo nghề cho nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Đến nay, doanh nghiệp của gia đình anh đã và đang tạo việc làm cho 30-35 lao động chính và hàng chục lao động phụ, mức lương bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Công việc SXKD có hiệu quả, anh có điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Thông qua tổ chức HND thị trấn, hằng năm, anh đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân, cá thể kinh doanh vay vốn không lấy lãi để mua gỗ phục vụ kịp thời cho sản xuất đồ mộc, đồ nội thất, góp phần phát triển nghề mộc của địa phương. Ngoài ra, anh tham gia quyên góp các quỹ khuyến học của thị trấn; tổ chức tặng quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó vươn lên học giỏi; đóng góp ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương.
 
Cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, đó là những phẩm chất đáng quý của những tấm gương điển hình nông dân SXKD giỏi. Họ đã và đang góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn./.
 
Bài và ảnh: Thanh Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com