Theo đánh giá của Sở Công thương, 9 tháng đầu năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 9,5% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định năm 1994) ước đạt trên 15,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013, đạt 75,3% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 338 triệu USD, đạt 91,2% kế hoạch và tăng 14,5% so với cùng kỳ; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt trên 17 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ… Để có được kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp tạo điều kiện của các ngành chức năng, các địa phương, còn có sự đóng góp to lớn của đội ngũ gần 5.000 doanh nhân trong toàn tỉnh đang ngày đêm nỗ lực nghiên cứu, hoạch định chiến lược chèo lái doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nếu chỉ nhìn vào mức thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng của 180 lao động đang làm việc và cơ ngơi doanh nghiệp hiện tại, ít ai nghĩ rằng chỉ mới thời điểm năm 2010, Cty CP Thành Vinh, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) phải đối mặt với vô vàn khó khăn, cận kề nguy cơ phá sản. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen, công suất 20 triệu viên/năm, Cty CP Thành Vinh được thành lập và chính thức sản xuất từ năm 2007. Sau khi đi vào hoạt động, do những hạn chế về quản lý, sản xuất của Cty bị đình trệ, dây chuyền hoạt động kém hiệu quả, sản phẩm tồn kho lớn, gần 100 lao động phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Trước thực trạng đó, với quyết tâm vì sự sống còn của nhà máy, vì đời sống của người lao động, tháng 7-2010 doanh nhân Nguyễn Văn Tuyên đã đầu tư mua lại vốn góp tiếp nhận nhà máy, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty CP Thành Vinh. Giám đốc Nguyễn Văn Tuyên đã tập trung nghiên cứu kỹ nguyên nhân thất bại của nhà máy để tìm biện pháp khắc phục. Ngoài các giải pháp đồng bộ tạo dựng nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, tổ chức bộ máy quản lý được củng cố nâng cao hiệu quả, các vị trí then chốt trong dây chuyền sản xuất đã được cơ cấu, cải tổ, tuyển chọn, sắp xếp lại, nhất là đội ngũ quản đốc; đồng thời tổ chức đào tạo lại lực lượng cán bộ quản lý, kỹ thuật, lao động có tay nghề. Cùng với giải pháp về nhân sự, Giám đốc Nguyễn Văn Tuyên mạnh dạn đầu tư các thiết bị điều khiển tự động, cải tạo lò hơi, buồng đốt than hoá khí, lắp đặt thêm 1 máy tra than tự động, 1 máy trộn than, quạt hút đầu lò… để tăng công suất của dây chuyền thêm 15%. Cơ cấu sản phẩm cũng được nghiên cứu, phát triển đa dạng từ gạch xây các kích thước (loại 2, 4, 6 lỗ và gạch chống nóng) đến các loại ngói lợp (ngói hài, ngói chiếu, ngói mũi) để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với kinh nghiệm nhiều năm trên thương trường, Giám đốc Nguyên Văn Tuyên đã thực hiện nhiều biện pháp kích cầu thị trường để tiêu thụ sản phẩm như phát triển thêm 3 đại lý phân phối sản phẩm tại các tỉnh Hà Nam, Thái Bình và Thành phố Nam Định; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tiếp thị của Cty năng động, trách nhiệm thường xuyên tìm kiếm và mở rộng về đơn đặt hàng ở các địa bàn mới. Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, tình hình sản xuất của Cty đã từng bước ổn định và phát triển theo đúng quỹ đạo, công suất thực tế đạt đến 30 triệu viên/năm, tỷ lệ sản phẩm loại A, B đạt trên 95%, hầu hết các công đoạn sản xuất nặng nhọc đều được cơ giới hóa, tự động hóa nên năng suất lao động cũng tăng thêm gần 20%.
Doanh nhân Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Cty TNHH May T&C, CCN Cổ Lễ (Trực Ninh) kiểm tra sản xuất. Ảnh: Thành Trung |
Sinh ra và lớn lên tại xã Phương Định (Trực Ninh), sau gần 15 năm bôn ba qua nhiều vị trí quản lý như: trưởng đại diện của tập đoàn may mặc hàng đầu của Hàn Quốc tại Hà Nội, Giám đốc điều hành các Cty may công nghiệp quy mô trên 1.000 lao động, doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm tại Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) và xã Hải Đường (Hải Hậu)… được sự tạo điều kiện về thủ tục, mặt bằng của huyện Trực Ninh, năm 2011, anh Nguyễn Văn Trung quyết định thành lập Cty TNHH May T&C và đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng nhà máy tại CCN Cổ Lễ. Cuối năm 2012, khi gần hoàn thiện việc xây dựng nhà xưởng Giám đốc Nguyễn Văn Trung phải chịu một cú “sốc” nặng nề: cơn bão số 8 (ngày 29-10) đã làm sập toàn bộ hệ thống nhà xưởng và làm hư hỏng nhiều máy móc, thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các dự định khai trương và kế hoạch sản xuất, các đơn hàng đã ký với đối tác… hoàn toàn bị chậm tiến độ gây hậu quả lớn thiệt hại hàng tỷ đồng. Bước khởi nghiệp trắc trở không làm Giám đốc Nguyễn Văn Trung nhụt chí, trong thời điểm khó khăn nhất, anh đã quyết đoán thực hiện nhiều biện pháp: khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai, dựng lại nhà xưởng, lắp đặt thiết bị sản xuất, đàm phán gia hạn thời điểm giao hàng với các đối tác. Đầu năm 2013 cả 5 chuyền may của Cty TNHH T&C đã chính thức bước vào sản xuất với năng lực sản xuất trên 80 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho trên 230 lao động. Trong quá trình sản xuất, bản thân anh Trung đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu và tổ chức liên tục các lớp đào tạo nâng cao tay nghề, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ khung và lao động trong Cty. Đồng thời, để tăng năng suất lao động, ngoài việc chấp hành đầy đủ các chế độ đối với người lao động theo luật, Cty còn thường xuyên có chế độ thưởng năng suất bằng hiện vật có giá trị (tủ lạnh), hỗ trợ tiền xăng xe, tiền thuê trọ… cho công nhân ở xa và ngoại tỉnh. Từ chỗ phải nhận gia công hợp đồng cho các doanh nghiệp lớn, đến nay, dưới sự điều hành của Giám đốc Nguyễn Văn Trung, Cty TNHH May T&C đã vượt qua khó khăn ban đầu và có bước phát triển vượt bậc, là đối tác trực tiếp của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như: MANGO, GAP, CK… Ngoài trụ sở chính tại CCN Cổ Lễ, trong các năm 2013 Cty đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng Nhà máy may công nghiệp tại xã Giao An (Giao Thủy), giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động; tháng 4-2014, tiếp tục hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy may công nghiệp tại xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) quy mô 4 chuyền may, tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng. Hiện tại, năng lực sản xuất của Cty đã được nâng lên từ 45-50 nghìn sản phẩm áo giắc-két, 65-70 nghìn sản phẩm quần ka-ki các loại/tháng. Xây dựng uy tín bằng chất lượng sản phẩm đảm bảo các yêu cầu ngặt nghèo của đối tác, Cty đã ký được nhiều hợp đồng lớn đảm bảo việc làm đến hết năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng cho tổng số 650 lao động. Năm 2014, Cty phấn đấu đạt doanh thu từ 22-25 tỷ đồng.
Ở tuổi 35, anh Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Thành Nam Nguyễn, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Tâm thi đỗ vào Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội. Tốt nghiệp, anh nhập ngũ rồi trở về địa phương phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác Đoàn nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn, anh Tâm lại phải “phiêu dạt” khắp trong Nam ngoài Bắc để lo miếng cơm manh áo. Vốn chịu khó lại “đa tài”, anh Tâm từng làm qua rất nhiều nghề để kiếm sống như: lái xe, thợ xây, kiểm lâm viên… Năm 2009, sau khoảng thời gian bôn ba, anh Tâm quyết định về quê lập nghiệp với ý nghĩ đơn giản: “không đâu bằng mảnh đất quê nhà”. Ban đầu, anh dồn hết vốn liếng, vay thêm của bố mẹ, anh em mở một quán cà phê in-tơ-nét, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật… Thời điểm những năm 2010, vốn có “máu” kinh doanh nên anh Tâm nhận thấy nhiều cơ hội làm kinh tế khi khắp các địa phương sôi động thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng NTM. Vì vậy, cuối năm 2011 anh quyết tâm “làm ăn lớn” mở Cty hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh đã mạnh dạn huy động mọi nguồn lực để mua 2 máy cày bừa tầm trung với giá 670 triệu đồng và 1 máy gặt liên hoàn. Mua máy đúng thời điểm nên anh Tâm ký ngay được hợp đồng nhận làm đất với HTXDVNN xã Nghĩa Lâm. Đồng thời, anh tổ chức đội thợ xây 32 người tham gia vào lĩnh vực xây dựng, chuyên nhận thầu xây cất các công trình cầu cống, nhà cửa, làm đường giao thông... Cty của anh còn hợp tác với một số Cty: TNHH Tiến Triển (Hải Hậu), CP Xây dựng Hải Hậu - Nam Định 7, TNHH Kiên Thành (Ninh Bình) nhận những gói thầu lớn giá trị nhiều tỷ đồng. Năm 2013, có thể coi là năm “thu hoạch” trong lĩnh vực xây dựng của anh Tâm. Cty nhận được các gói thầu lớn của xã Nghĩa Phong như xây cầu, làm đường, kè mương… giá trị hơn 4 tỷ đồng; công trình Trạm bơm Thành An. Năm 2013, sau khi trừ chi phí, Cty của anh Tâm thu về khoảng 600 triệu đồng. Có “đà” từ năm 2013, đầu năm 2014, anh Tâm đầu tư mở xưởng may công nghiệp với mong ước tạo thêm nhiều việc làm cho người dân tại quê hương để bà con có thể “ly nông bất ly hương”. Đầu năm 2014, anh khởi công xây dựng xưởng may diện tích 1.500m2, tạo việc làm cho 300-400 công nhân. Hiện, anh đã hoàn thành giai đoạn 1 với 600m2 nhà xưởng, tạo việc làm cho 170 lao động ở các xã Nghĩa Phong, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phú… với mức lương trung bình 3,5 triệu đồng/tháng. Xưởng của anh hiện nhận gia công các mặt hàng xuất khẩu như áo giắc-két, bông chần 2 lớp xuất sang thị trường Hàn Quốc… Anh Tâm ước tính năm 2014, sau khi hoàn thành các mục tiêu đề ra, Cty của anh sẽ có lãi tiền tỷ. Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, anh Tâm còn là gương thanh niên nhiệt huyết với các hoạt động đoàn thể, công tác từ thiện xã hội. Dịp Tết năm 2014, anh ủng hộ 37 suất quà, mỗi suất trị giá 150 nghìn đồng cho người nghèo trong xã đón Tết. Ngoài ra, anh còn ủng hộ Quỹ Khuyến học của xã 4 triệu đồng, ủng hộ quỹ Đoàn... Anh hiện là Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp trẻ xã Nghĩa Phong. Dù bận rộn điều hành kinh doanh anh luôn dành thời gian tham gia các diễn đàn thanh niên nông thôn khởi nghiệp, truyền đạt kinh nghiệm làm giàu của bản thân cho nhiều thanh niên khác.
Năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội để tạo sự phát triển bền vững, Giám đốc các doanh nghiệp kể trên thật sự là những doanh nhân tiêu biểu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Họ xứng đáng được xã hội tôn vinh./.
Hoa Xuân và Thành Trung