"Học để làm cho mình và cộng đồng hạnh phúc"

07:10, 04/10/2014

Từ ngày 29-9 đến ngày 5-10, Bộ GD và ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức tuần lễ học tập suốt đời năm 2014 với chủ đề: “Học để làm cho mình và cộng đồng hạnh phúc”. Đây là hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người về ý nghĩa của việc học tập suốt đời, qua đó góp phần xây dựng một xã hội học tập và tạo cơ hội cho mọi người dân, mọi lứa tuổi cùng tham gia học tập.

Số liệu điều tra về nguồn nhân lực trong điều tra dân số gần đây của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, trình độ học vấn của nhân dân trong tỉnh là khá cao. Số người dân có trình độ THCS trở lên đạt 59,58% so với tổng số dân từ 6 tuổi trở lên (cao hơn 15,08% so với toàn quốc). Những người có trình độ học vấn THPT trở lên ở thành phố là 36,74%, ở các huyện là 23,25%. Tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật thì ở nông thôn có tới 91,14% dân số không có chuyên môn kỹ thuật, trình độ sơ cấp đạt 2,1%, trung cấp đạt 3,73%, cao đẳng đạt 1,72%, đại học đạt 1,31%. Ở thành phố, tỷ lệ người dân không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 74,31%, sơ cấp đạt 5,2%, trung cấp đạt 8,97%, cao đẳng đạt 3,87% và đại học đạt 7,63%. Tuy trình độ học vấn so với toàn quốc là khá cao nhưng tỷ trọng lao động đã qua đào tạo ở tỉnh ta lại rất thấp, chỉ chiếm 12,15% tổng lực lượng lao động, thấp hơn so với toàn quốc 2,75% và thấp hơn vùng đồng bằng sông Hồng là 9,05%. Cả tỉnh còn 87,85% lực lượng lao động chưa được đào tạo. Để giúp người lao động có kiến thức áp dụng vào sản xuất, kinh doanh nhằm thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tỉnh đã có nhiều chính sách giúp mọi người dân đều có cơ hội học tập, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, hỗ trợ vốn… thông qua các Trung tâm GDTX, Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ).

Học sinh Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định trong giờ thực hành môn Điện - điện tử.
Học sinh Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định trong giờ thực hành
môn Điện - điện tử.

Để tạo điền kiện cho người lao động có cơ hội được học văn hóa và đào tạo nghề, tỉnh quan tâm phát triển hệ thống GDTX. Đến nay, hệ thống các Trung tâm GDTX, các cơ sở thực hiện chương trình GDTX cấp THPT trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong triển khai thực hiện việc dạy học văn hoá kết hợp với dạy nghề cho học sinh THPT, từng bước gắn việc đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các ngành kinh tế và thị trường lao động. Ngành GD và ĐT đã duy trì, củng cố mạng lưới các cơ sở GDTX với 16 Trung tâm GDTX (14 trung tâm cấp huyện, 2 trung tâm cấp tỉnh). Ngoài ra có 1 cơ sở thực hiện chương trình GDTX cấp THPT; 229 trung tâm HTCĐ; 4 trung tâm ngoại ngữ, tin học thuộc Sở KH và CN và các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng việc chú trọng xây dựng và tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho phát triển GDTX, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được bổ sung, nâng cao chất lượng đạt chuẩn và trên chuẩn. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có tổng số 3.763 học viên cấp THPT, 450 học viên cấp THCS theo học ở các trung tâm GDTX. Bên cạnh học văn hóa, các trường chuyên nghiệp và một số trung tâm dạy nghề cấp huyện đã kết hợp với các trung tâm GDTX tổ chức dạy nghề cho học sinh. Với mô hình liên kết dạy văn hóa với đào tạo nghề, lượng học sinh học văn hóa - nghề ở các trung tâm GDTX trong 3 năm học gần đây năm sau tăng hơn năm trước. Từ năm học 2011-2012 đến năm học 2013-2014, toàn tỉnh đã có 7.646 học viên học văn hóa - nghề ở các trung tâm GDTX. Các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề cũng đã đào tạo nghề cho học viên ở các trung tâm GDTX là 1.864 học viên. Các trung tâm GDTX dạy văn hóa cho 4.682 học viên ở các trường cao đẳng và trung cấp. Số lượng học viên học văn hóa ở các trường trung cấp chuyên nghiệp là 1.947 người. Các trung tâm GDTX cũng thực hiện tốt công tác xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, góp phần củng cố vững chắc, nâng cao chất lượng phổ cập và nâng cao dân trí cho những người trong độ tuổi lao động. Đến nay, cả 229 xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn xóa mù chữ - phổ cập tiểu học. Bên cạnh đó, công tác đào tạo từ xa, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Năm học 2013-2014, Trung tâm GDTX Trần Phú đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng trình độ đại học, cao đẳng theo phương thức vừa học vừa làm, đào tạo từ xa cho 463 học viên nhằm nâng cao trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cho cán bộ, giáo viên các ngành học giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. Trung tâm GDTX tỉnh liên kết với các trường và Viện Đại học Mở tổ chức đào tạo 31 lớp cử nhân, kỹ sư ở các lĩnh vực nông nghiệp, luật, kinh tế, kỹ thuật, sư phạm với số lượng 2.466 học viên. Ở các trung tâm, việc học ngoại ngữ và tin học được khuyến khích trên cơ sở nhu cầu của học viên. Một số trung tâm GDTX đã thực hiện chương trình giảng dạy và tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh, Tin học, trong đó có 1.607 học viên học, đăng ký dự thi và được cấp chứng chỉ chương trình A tiếng Anh, 1.631 học viên học và đăng ký dự thi và được cấp chứng chỉ chương trình A Tin học.

Cùng với việc củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học tại các trung tâm GDTX, Sở GD và ĐT đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 tỉnh Nam Định” và triển khai việc nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm HTCĐ ở các xã, phường, thị trấn nhằm thúc đẩy hoạt động và đảm bảo các điều kiện để các trung tâm HTCĐ hoạt động hiệu quả. Đến nay, quy mô các loại hình học tập tại các trung tâm HTCĐ tương đối ổn định. Trong năm học vừa qua, toàn tỉnh có hơn 1,5 triệu lượt người tham gia học tập ở 5.897 lớp học tập chuyên đề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, pháp luật, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, thực hiện ATGT, phòng, chống tệ nạn xã hội… Các lớp chuyên đề đã góp phần duy trì kết quả xóa mù chữ, giúp nông dân biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chấp hành pháp luật, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống tệ nạn xã hội… Nhờ đó đã nâng cao nhận thức về đời sống xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, chất lượng cuộc sống được nâng lên, an ninh trật tự ở địa phương được giữ vững, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Năm 2014, với chủ đề “Học để làm cho mình và cộng đồng hạnh phúc” nhằm giúp các cấp lãnh đạo, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập đồng thời tăng cường cơ hội học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân, tạo cơ hội cho người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học tập, đặc biệt là những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn giúp cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ hiểu biết về các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng sống và làm việc cho nhân dân trong tỉnh. Trong Tuần lễ “Hưởng ứng học tập suốt đời” các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, các trung tâm GDTX, trung tâm HTCĐ, các trung tâm dạy nghề, các trường trung cấp, cao đẳng kỹ thuật, nghiệp vụ trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai nhiều nội dung hoạt động như: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, phân phát tài liệu, tờ rơi với nội dung về các hoạt động giáo dục, học tập diễn ra trong suốt tuần lễ. Tuyên truyền thông qua hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa - thể thao ở địa phương bằng các hình thức: hội thảo, tọa đàm, tham quan, hội diễn văn nghệ, các hoạt động TDTT. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động; bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học; các lớp học nghề cho lao động nông thôn; các lớp giáo dục kỹ năng sống; các lớp học theo chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao công nghệ, xóa mù chữ…, đồng thời triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Học tập suốt đời” trong gia đình, dòng họ, cộng đồng… Để hoạt động của “Tuần lễ học tập suốt đời” năm 2014 thực sự có ý nghĩa, đạt được hiệu quả thiết thực, bên cạnh các hoạt động bề nổi cần có sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, với những phương pháp tổ chức, triển khai phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng trong xã hội để tự bản thân mỗi người không ngừng học tập, không chỉ ở nhà trường mà còn ở mọi nơi, mọi thời điểm nhằm nâng cao chất lượng và tay nghề của người lao động, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com