Đẩy mạnh thu hút đầu tư về địa bàn nông thôn

08:10, 02/10/2014

Ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước và trong tỉnh triển khai các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn như: giao mặt bằng và cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, viễn thông) hoàn thiện; hỗ trợ 70% tiền thuê đất trong 5 năm; hỗ trợ 50% lãi suất cho vay của ngân hàng và các cơ chế ưu đãi về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực (từ 1-3 triệu đồng/lao động); hỗ trợ 100% chi phí quảng cáo trong thời gian 30 tháng (không quá 50 lần) và hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường (tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án). Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn.

Nhờ đó công tác thu hút đầu tư về địa bàn nông thôn của tỉnh đã có những tín hiệu khả quan. Theo số liệu của Sở KH và ĐT, trong năm 2013 và các tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 4 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) gồm: Cty TNHH Geu-Lim (Hàn Quốc) đầu tư 7 triệu USD phát triển công nghiệp dệt may và phụ trợ tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản) tạo việc làm cho trên 300 lao động; Cty TNHH Kỹ thuật Điện tử MLS Việt Nam (nhà đầu tư Bru-nây) đầu tư 8 triệu USD về xã Hải Thanh (Hải Hậu), thuộc ngành công nghiệp chế tạo với công suất 28,8 triệu sản phẩm linh kiện, thiết bị điện tử; Cty TNHH T.B.O Vina (Hàn Quốc) đầu tư 5 triệu USD phát triển công nghiệp may và phụ trợ tại xã Minh Tân (Vụ Bản); Cty TNHH Shin Myung First Vina (Hàn Quốc) đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xóm 6, xã Trung Đông (Trực Ninh). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 53 dự án FDI thuộc 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã lựa chọn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn ở 5 lĩnh vực chính là: công nghiệp dệt may và phụ trợ, công nghiệp chế tạo, nông - thủy sản, thương mại - dịch vụ, bất động sản. Tổng vốn đầu tư đăng ký trên 423,2 triệu USD, trong đó, có 38 dự án đã hoạt động với tổng số vốn thực hiện trên 367 triệu USD. Các quốc gia có số dự án đầu tư vào địa bàn nông thôn tỉnh ta nhiều nhất là: Hàn Quốc 15 dự án, Trung Quốc 11 dự án và Nhật Bản 4 dự án. Tháng 4-2014, Cty TNHH Shin Myung First Vina (Hàn Quốc) đã đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xóm 6, xã Trung Đông (Trực Ninh). Dự án có tổng diện tích gần 1ha, quy mô 8 chuyền may, chuyên gia công các loại trang phục xuất khẩu theo hợp đồng của phía Hàn Quốc. Tháng 8-2014, Cty đã hoàn thành công tác xây dựng và chính thức hoạt động với 4/8 chuyền may, đảm bảo việc làm cho trên 300 lao động của xã Trung Đông với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Với quy mô công suất 2 triệu sản phẩm may mặc xuất khẩu/năm, dự án của Cty TNHH T.B.O Vina đã chính thức hoạt động và tạo việc làm cho trên 800 lao động của xã Minh Tân và các xã lân cận của các huyện Vụ Bản, Ý Yên. Năm 2014, dự án đầu tư vào CCN Nam Hồng (Nam Trực) của Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) đã được nâng lên quy mô 4 xưởng sản xuất với tổng diện tích gần 24 nghìn m2, gồm 21 chuyền, tạo việc làm cho 2.700 lao động. Năm 2013, Cty đã sản xuất được trên 1,3 triệu sản phẩm từ da nhân tạo xuất khẩu, năm 2014 Cty phấn đấu sản xuất được 2,6 triệu sản phẩm.

Sản xuất các sản phẩm may xuất khẩu tại Cty TNHH Shin Myung First Vina, xã Trung Đông (Trực Ninh).
Sản xuất các sản phẩm may xuất khẩu tại Cty TNHH Shin Myung First Vina, xã Trung Đông (Trực Ninh).

Cty TNHH LongYu Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy may quần áo thể thao xuất khẩu tại xã Tân Thịnh (Nam Trực) với tổng kinh phí 75 tỷ đồng. Bên cạnh các dự án FDI, nhiều doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh đã tranh thủ cơ hội lựa chọn đầu tư vào các CCN tập trung của các huyện và các xã ở các lĩnh vực như: dệt may, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, da giầy, cơ khí, nhựa… Trong đó, hiệu quả nhất là các dự án đầu tư về nông thôn của các doanh nghiệp ngành dệt may. Tiêu biểu như 10 dự án đầu tư về địa bàn nông thôn các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên của Tổng Cty CP dệt may Nam Định; các dự án của Cty CP May Sông Hồng tại các huyện Xuân Trường, Hải Hậu; Cty CP May Nam Hải đầu tư phân xưởng 2 tại xã Nam Hồng (Nam Trực) với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, diện tích trên 400m2 nhà xưởng gồm 2 chuyền may, mỗi tháng sản xuất trên 6.000 sản phẩm quần âu, quần bò xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Ca-na-đa; Cty CP Nam Âu đầu tư gần 60 tỷ đồng về xã Hiển Khánh (Vụ Bản). Cty CP Lâm sản Nam Định (KCN Hòa Xá) đầu tư hơn 300 tỷ đồng nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản) công suất 15 nghìn m3/năm, thu hút trên 600 lao động địa phương; Cty CP Thương mại Phú Thái (CCN An Xá, TP Nam Định) đã đầu tư trên 12 tỷ đồng xây dựng một trạm chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại xã Xuân Hồng (Xuân Trường)… Trong năm 2014 đã có 2 dự án đầu tư mới vào CCN Cổ Lễ là Cty TNHH Phan Chánh đầu tư 1,2 tỷ đồng mở rộng dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng không nung; cơ sở Xuân Chánh đầu tư 4,3 tỷ đồng xây dựng xưởng chế biến gỗ. Tính đến tháng 6-2014, 19 CCN tập trung trên địa bàn 9 huyện đã thu hút được 459 dự án, tổng vốn đầu tư được duyệt là 2.975,5 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 2.706,7 tỷ đồng. Theo số liệu của Sở Công thương, đến nay đã có thêm 4 CCN tập trung gồm: Hải Phương, Hải Minh (Hải Hậu); Xuân Tiến (Xuân Trường) và Cát Thành (Trực Ninh) được phủ kín, nâng tổng số các CCN được lấp đầy và cơ bản lấp đầy lên 14/19. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tại các CCN 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 2.360 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013, thu hút 18.400 lao động thường xuyên. Tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề khu vực nông thôn ước đạt gần 53% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và nước ngoài ở địa bàn nông thôn đã khẳng định vai trò hạt nhân trong việc tổ chức sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng xây dựng NTM. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, thực hiện chương trình phát triển sản xuất CN-TTCN đến năm 2020, cùng với việc thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Sở KH và ĐT), trong cuộc họp về công tác xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, góp phần hình thành môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. UBND tỉnh giao Sở KH và ĐT phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư tập trung vào một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là: công nghiệp dệt may, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu…

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com