Năm 2013, tỉnh ta đã thu hút được 13 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 336,7 tỷ đồng và trên 13,3 triệu USD; xuất khẩu hàng hóa đạt trên 413,8 triệu USD. GDP bình quân tăng trưởng 12%/năm... Theo kết quả cuộc điều tra khảo sát do Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Ốt-xtrây-li-a và Bộ Phát triển quốc tế Anh tiến hành năm 2013 với 8 chỉ số thành phần, tỉnh ta đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Đến tháng 6-2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn toàn tỉnh có 45 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký khoảng 400 triệu USD, thu hút hơn 22 nghìn lao động với thu nhập tương đối ổn định, bình quân 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Tháng 7-2014, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Sở KH và ĐT) để tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực; làm đầu mối hướng dẫn các dịch vụ có liên quan đến đầu tư, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở KH và ĐT cũng chủ động rà soát, cải tiến bộ thủ tục, quy trình đầu tư và thu hút đầu tư theo hướng tập trung ưu tiên công nghiệp dệt may, công nghiệp phụ trợ; công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin; GD và ĐT; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kết nối các nhà phân phối và thị trường nước ngoài bằng 3 thứ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật. Chủ động tiếp xúc với các Đại sứ quán, lãnh sự quán nước ngoài để giới thiệu tiềm năng, đề xuất tham gia thực hiện, hợp tác các chương trình, dự án mang yếu tố nước ngoài và tăng cường trao đổi giao thương. Tổ chức các cuộc hội thảo, hợp tác giao thương và đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp trong việc thực hiện đầu tư nhằm lắng nghe, ghi nhận phản hồi từ phía các nhà đầu tư để tiếp tục cải tiến, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế như: Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xuất - nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài chưa xứng với tiềm năng và năng lực địa phương. Kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư còn hạn hẹp, do vậy việc hỗ trợ và tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại, khảo sát thị trường nước ngoài, xúc tiến đầu tư ngoài nước còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế về hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế, chưa thấy rõ tính cấp bách và tác động hội nhập kinh tế quốc tế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; chưa tận dụng triệt để những cơ hội, ưu đãi của các đối tác trong các cộng đồng quốc tế, khu vực mà nước ta là thành viên (ASEAN, WTO, APEC, ASEM); thông tin thị trường, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin còn yếu... Những hạn chế này nếu không sớm khắc phục sẽ gặp phải nhiều bất lợi, thua thiệt và bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế như: phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn, gay gắt hơn, vấn đề việc làm và nguy cơ thất nghiệp cũng phức tạp hơn...
Sản xuất linh kiện điện tử tại Cty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi (KCN Bảo Minh). |
Để tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, UBND tỉnh đã xác định lộ trình nhằm cụ thể hóa nội dung, định hướng phù hợp với điều kiện, khả năng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại giai đoạn 2014-2020 bằng nhiều hình thức, nhiều kênh khác nhau để đưa thông tin, hình ảnh về tiềm năng thế mạnh của địa phương đến với cộng đồng quốc tế. Thực hiện tốt những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, mở rộng thị trường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Thực hiện công khai minh bạch các chính sách, cơ chế quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn. Mở rộng quan hệ đối ngoại, chú trọng các mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, thân thiện và nâng tầm quan hệ hợp tác với các đối tác đến từ Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực ASEAN. Chú trọng công tác đối ngoại nhân dân với các nước lớn, các đối tác quan trọng để tranh thủ nguồn lực quốc tế góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bảo đảm an ninh trật tự tạo môi trường xã hội lành mạnh, thân thiện cho phát triển kinh tế... Trên cơ sở mục tiêu và lộ trình chung, Sở KH và ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước có tác động đến tỉnh. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) giai đoạn 2014-2015. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là thu hút FDI, vận động vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ. Phối hợp với Sở Tài chính bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách Nhà nước hằng năm cho các đơn vị để thực hiện các chương trình, dự án ODA đã cam kết với nhà tài trợ theo đúng quy định của pháp luật. Sở Công thương chủ động các biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phát triển CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2011-2015. Phối hợp với các cơ quan cấp bộ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác hiệu quả các thị trường được ưu đãi thuế quan cũng như lộ trình cắt giảm thuế quan để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Thực hiện có hiệu quả chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa tỉnh Nam Định thời kỳ 2012-2020, định hướng đến năm 2030. Sở NN và PTNT nỗ lực thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chương trình, dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ. Nâng cao năng lực sản xuất và chế biến nông sản hàng hóa. Sở KH và CN hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới thiết bị công nghệ; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm; xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, chú trọng áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế. Đề xuất các chương trình, dự án KHCN phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Sở Nội vụ xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập quốc tế và đối ngoại cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của tỉnh. Hoàn thiện nguồn nhân lực của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Sở Tư pháp rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đã ban hành để điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp, đảm bảo tính minh bạch phù hợp với thông lệ quốc tế và các hiệp ước mà Việt Nam đã tham gia, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý giúp các doanh nghiệp trong các hoạt động giao thương quốc tế./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương