Từng bước thực hiện hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật

08:09, 23/09/2014

Một trong các quy chuẩn của đô thị hiện đại là phải xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (cống, hào kỹ thuật, tuy nen kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ngầm hóa các loại đường dây như điện, cáp điện thoại…) hiện đại, đồng bộ và hoàn chỉnh. Hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật là giải pháp thiết thực nhất để giải quyết tình trạng “đào lên, lấp xuống” lòng đường, vỉa hè mỗi khi cần lắp đặt, thay các hệ thống đường dây… tồn tại từ nhiều năm qua, vừa gây lãng phí tiền của xã hội vừa ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đồng thời khắc phục “rác trời” trên đường phố. Tại Thành phố Nam Định hiện nay, trên các tuyến phố chính như đường Điện Biên, đường Trường Chinh, đường Lê Hồng Phong... các loại đường dây viễn thông chăng mắc tự do, thiếu quản lý từ các cấp khiến cho nhiều bó cáp có đến hàng trăm sợi dây bị hỏng, không được sử dụng, nhưng không được gỡ xuống, ảnh hưởng đến mỹ quan không gian đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, cháy nổ, nhất là trong mùa mưa bão. Nhiều đường dây vắt lên các cột đèn chiếu sáng - loại cột được thiết kế không thể chịu tải của các đường dây khác, khiến cho các cột đèn có nguy cơ bị xô nghiêng. Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn có tới 70-80% dây cáp thừa, cũ hỏng treo bám trên cột và cần được cắt bỏ. Mặc dù các cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành gỡ bỏ thường xuyên nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng dịch vụ cáp viễn thông, truyền hình của người dân tăng cao khiến khó giải quyết dứt điểm thực trạng trên khi chưa tiến hành hạ ngầm.

Lắp đặt hạ tầng kỹ thuật ngầm ở tuyến đường 52m tại Thành phố Nam Định.
Lắp đặt hạ tầng kỹ thuật ngầm ở tuyến đường 52m tại Thành phố Nam Định.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là tình trạng xây dựng riêng lẻ các công trình hạ tầng kỹ thuật (bao gồm các công trình cấp nước, thoát nước; đường dây cáp điện; cáp viễn thông) của các cơ quan, đơn vị, thường áp dụng theo hướng đặt dưới hè phố hoặc lòng đường do thi công đơn giản, chi phí thấp và thường được sử dụng khi số lượng đường dây, đường ống không nhiều. Hầu hết các tuyến phố tại Thành phố Nam Định và các thị trấn trong tỉnh đều áp dụng loại công trình ngầm này. Tuy nhiên, do nhiều đơn vị đầu tư lắp đặt nên khó đảm bảo đồng bộ, không quản lý được tất cả không gian ngầm dễ tạo “rác” trong lòng đất; công trình lòng đường, hè phố thường bị đào lên, lấp xuống để sửa chữa, cải tạo; độ bền của công trình không cao; thậm chí gây khó khăn cho việc xác định chính xác vị trí công trình ngầm khi chuẩn bị xây dựng các công trình mới. Ngoài ra, ở một số tuyến phố sử dụng bể cáp kỹ thuật dưới hè phố hoặc dải phân cách, có kích thước nhỏ chủ yếu các đường ống chứa các loại cáp truyền hình điện lực... Dạng công trình ngầm này có ưu điểm chi phí ban đầu thấp, thi công nhanh, phù hợp với các khu vực chưa phát triển, khi số lượng đường dây còn ít chủ yếu được xây dựng các khu tái định cư như Bãi Viên, Đông Đông Mạc, Dầu khí. Trong xây dựng đô thị hiện tại, các hào kỹ thuật là giải pháp tiên tiến được áp dụng phổ biến tại các thành phố lớn do nhiều ưu điểm vượt trội trong lắp đặt và sử dụng. Hào có thể được xây dựng trước hoặc xây dựng đồng thời với đường phố; có thể được xây dựng ở dưới lòng đường, hè phố hoặc dải phân cách… Theo cơ quan chuyên môn, lắp đặt các hệ thống hào kỹ thuật sẽ giúp các cơ quan quản lý dễ dàng vận hành, sửa chữa công trình ngầm; thuận lợi cho công tác quản lý, phát triển, thay đổi do tập trung tất cả các công trình ngầm trong một vị trí, thuận lợi khi lắp đặt, sửa chữa (không phải đào bới đường lắp đặt lại); diện tích chiếm đất ít; tránh được các hiện tượng xâm thực; đảm bảo an toàn cho công trình khi có thiên tai; giảm đáng kể chi phí về quản lý và bảo trì công trình. Tuy nhiên, mức đầu tư ban đầu khá cao (thường gấp 3-4 lần so với công trình bố trí riêng rẽ); yêu cầu sử dụng công nghệ cao trong thi công cũng như thiết kế cùng với công tác khai thác, vận hành, quản lý hạ tầng ngầm đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ ngay từ đầu. Hiện tại, tỉnh ta vẫn chưa thể quy hoạch các công trình hạ tầng ngầm do khó khăn về nguồn vốn, đồng thời hồ sơ, tư liệu về không gian ngầm tại đô thị không có. Đến nay, trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ có 3 khu đô thị là Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung và tuyến đường 52m được quy hoạch xây dựng hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tại khu đô thị Hòa Vượng đã hoàn thành hạ ngầm toàn bộ đường dây cáp, thông tin viễn thông, truyền hình, các đường ống cấp, thoát nước… bằng hào kỹ thuật. Tại mỗi vị trí hố ga có thang xuống được bố trí khoảng cách từ 25-40m/ga. Các hào kỹ thuật được xây lắp với 5 rãnh chờ phục vụ thoát nước ngầm, cấp nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng với chiều cao 1,8m và rộng 1,8m. Cty cũng phối hợp với Cty Điện lực Nam Định, Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định, Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định xây dựng quy trình phối hợp trong lắp đặt và sửa chữa, bảo trì các hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu đô thị Hòa Vượng. Khu đô thị Thống Nhất đã triển khai lắp đặt được 85% hệ thống hào kỹ thuật tại các tuyến đường giao cắt với tổng chiều dài gần 1.200m. Tại tuyến đường 52m, các hệ thống hào kỹ thuật gồm 2 loại kích cỡ là 1,8x2m và 1,25x1,4m, đấu nối trực tiếp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh.

Nhằm đưa hệ thống hào kỹ thuật vào sử dụng phổ biến hơn trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần phối hợp sớm hoàn chỉnh, thống nhất hồ sơ, tư liệu về không gian ngầm của các đô thị trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với các chủ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, đáp ứng yêu cầu lắp đặt các công trình đường dây, đường ống và hạ ngầm các công trình hiện đang còn đi nổi bảo đảm mỹ quan đô thị, phát triển hài hòa giữa không gian mặt đất với không gian ngầm, tăng cường an toàn trong khai thác sử dụng, hạn chế việc liên tục đào, lấp đường phố ở đô thị; tăng hiệu quả trong đầu tư, góp phần phát triển đô thị bền vững./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com