Từng bước khắc phục bất cập hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị

08:09, 15/09/2014

Trong xây dựng hạ tầng đô thị, vấn đề đảm bảo thoát nước kịp thời là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với các đô thị tốc độ phát triển “nóng”, bởi lẽ việc khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết về hệ thống thoát nước sẽ rất khó khăn, tốn kém, ảnh hưởng đến quy hoạch, thiết kế kiến trúc đô thị. Do vậy, những năm gần đây, trong quá trình đầu tư phát triển đô thị, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật thoát nước.

Với đặc trưng là đô thị cổ, hệ thống thoát nước trước đây của Thành phố Nam Định chủ yếu kế thừa hạ tầng cơ sở từ thời Pháp thuộc, cùng với tốc độ đô thị hóa xây dựng nhanh, buông lỏng quản lý hoạt động xây dựng khu dân cư trong thời gian khá dài khiến cho hệ thống thoát nước cũ đã không thể đáp ứng tốt nhu cầu của đô thị hiện đại. Hàng loạt tuyến phố nhanh chóng bị ngập úng dài ngày chỉ với lượng mưa trung bình như đường Hàng Thao, Máy Tơ, Hàn Thuyên, Trần Tế Xương… Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, UBND tỉnh, đặc biệt là dự án “Nâng cấp đô thị” do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, hệ thống thoát nước của Thành phố Nam Định được nâng cấp hoàn thiện, đồng bộ, khắc phục được tình trạng ngập úng mỗi khi trời mưa, cải thiện đáng kể điều kiện sống đô thị. Hơn 11km hệ thống kênh mương hở đã được kiên cố, trong đó mương Kênh Gia dài 6,4km, mương Đinh Bộ Lĩnh 0,42km, mương T3-11 dài 4km, còn lại 0,66km mương đất đang được thành phố xây dựng kế hoạch kiên cố hóa trong thời gian tới. Ngoài ra, thành phố đã tiến hành kiên cố 13 cửa xả với tổng diện tích 624m2 tại các điểm như Liên Hà, Bãi Ban, Phù Nghĩa; tuyến cống hộp nổi dài 5,17km, hệ thống cống ngầm với tổng chiều dài 51,84km và 2.175 ga thu nước trên các tuyến giao thông chính. Hệ thống ao, hồ điều hòa có tổng diện tích 41,77ha như hồ Truyền Thống, hồ Vỵ Xuyên, đầm Bét, đầm Đọ, hồ An Trạch, hồ Năng Tĩnh đã được thành phố kè bờ và lát đường dạo xung quanh hồ, tạo cảnh quan không gian phục vụ sinh hoạt cộng đồng của người dân xung quanh đây.

Cải tạo kênh mương tiêu thoát nước tại Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Cải tạo kênh mương tiêu thoát nước tại Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).

Toàn bộ nước thải và nước mưa được đấu nối vào 2 trạm bơm Quán Chuột và Kênh Gia. Trạm bơm Quán Chuột được trang bị 13 tổ máy công suất lớn, mỗi máy có khả năng tiêu 1,2m3 nước/giây phục vụ tiêu thoát nước khu vực đông bắc thành phố. Đối với khu vực tây nam thành phố, trạm bơm Kênh Gia đã được đầu tư nâng cấp lên 10 tổ máy với công suất 43 nghìn m3/h. Năm 2013, thành phố đã cải tạo nâng cấp cống thoát nước xóm Vân Trung (xã Nam Vân); cống thoát nước tổ 5, 6, 12 (phường Trường Thi), cống thoát nước 85, 107 đường Trần Đăng Ninh (phường Năng Tĩnh). Năm 2014, thành phố tiếp tục triển khai thi công cải tạo 5 công trình cống thoát nước tại các tuyến đường, tổ dân phố với tổng mức đầu tư 9,7 tỷ đồng. Thành phố Nam Định được Hiệp hội Đô thị Việt Nam đánh giá cao về hạ tầng cấp, thoát nước. Đối với các thị trấn ở các huyện do đặc thù đô thị mới ở vùng nông thôn nên vấn đề thoát nước nội đô không bức xúc. Tuy nhiên, nước thải và nước mưa đều chủ yếu thoát theo hệ thống cống chung ra các kênh mương và sông ngòi xung quanh, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt có chứa nhiều yếu tố độc hại như hoá chất tẩy rửa… Hiện tại, mới có Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã được quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước thải và nước mưa riêng. Trong đó, hệ thống thoát nước thải sau khi được xử lý sơ bộ tự hoại tại từng công trình sẽ được thu gom vào các tuyến cống thoát vào trạm xử lý nước thải được đặt tại vị trí phía bắc của sông 1-5 với tổng công suất đến năm 2020 là 6.000 m3/ngày đêm. Đối với các khu vực dân cư hiện trạng, tiến hành cải tạo, vệ sinh đường ống thoát nước, bố trí giếng tách nước mưa trước khi nước chảy vào hệ thống thoát nước thải đường phố. Ngoài Thị trấn Thịnh Long, các thị trấn còn lại đều tranh thủ các dự án mở rộng đường giao thông tỉnh lộ, quốc lộ để thi công xây dựng đồng bộ hệ thống cống thoát nước mặt dọc 2 bên đường, đồng thời kè bờ kiên cố hóa các hệ thống kênh mương quan trọng. Về cơ bản, tiêu thoát nước mưa và nước thải ở các thị trấn mới đảm bảo không gây úng ngập.

Theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28-5-2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và KCN yêu cầu đối với các KCN, đô thị mới hình thành phải quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng. Đối với các đô thị đã có hệ thống thoát nước, khi phát triển các khu đô thị (KĐT) mới thì tuỳ điều kiện cụ thể của từng đô thị để nghiên cứu tổ chức quy hoạch hệ thống thoát nước chung, riêng hoặc nửa riêng. Hiện tại, mới chỉ có các KĐT mới trên địa bàn Thành phố Nam Định như Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung và KCN Hòa Xá đã thực hiện được theo quy định trên, riêng KCN Hòa Xá đã xây dựng được trạm xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. KCN Bảo Minh hiện đã đưa vào sử dụng trạm xử lý nước thải giai đoạn 1 với công suất 10 nghìn m3/ngày đêm. Hệ thống thoát nước chung của thành phố và các thị trấn trong tỉnh chưa tách được hai hệ thống thoát nước riêng như quy định. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên do kinh phí xây dựng và sửa chữa tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải cực kỳ lớn. Các địa phương còn chủ quan trong công tác xử lý nước thải đảm bảo môi trường. Việc phát triển nhanh các cụm, điểm, KCN, khu dân cư đô thị không đi đôi với quy hoạch chung về xây dựng và môi trường cũng đang khiến hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải ở các đô thị bị quá tải trầm trọng. Hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung cộng thêm chưa có nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị nên thành phố và các thị trấn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Theo người dân sống xung quanh 2 trạm bơm chính Quán Chuột và Kênh Gia của Thành phố Nam Định, nước xả thải tại 2 trạm bơm nhiều lúc đen kèm bọt trắng xóa và bốc mùi vô cùng khó chịu cho môi trường xung quanh. Theo khảo sát báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo nghiên cứu khả thi khi xây dựng trạm bơm, lưu lượng nước thải ra sông đã được pha loãng với nước sông nên nồng độ ô nhiễm vẫn nằm ở trong giới hạn cho phép. Hiện tại, kinh phí theo dự toán ban đầu xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại 2 trạm bơm Quán Chuột và Kênh Gia nhằm xử lý triệt để nước trước khi xả thải ra môi trường là hơn 1.500 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn so với nguồn ngân sách hạn hẹp của tỉnh.

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố chủ động cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát nước hiện có, đồng thời tập trung “cống hộp hóa” các kênh mương hở tại các phường, xã, vừa tạo thành đường giao thông cho người dân đi lại, vừa khắc phục ô nhiễm môi trường do mương hở. Hiện tại, một số tuyến kênh hở là kênh thoát nước thải chung của Thành phố Nam Định vào mùa khô như tuyến mương Đinh Bộ Lĩnh (phường Năng Tĩnh), tuyến mương Kênh Gia 2 từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến trạm bơm Kênh Gia đang được tỉnh xúc tiến đầu tư xây dựng cống hộp. Đến nay, tuyến đường giao thông kết hợp hệ thống thoát nước từ đường Trần Quang Khải đến hồ Năng Tĩnh có chiều dài 160m, tổng mức đầu tư 4 tỷ đồng đã được thảm bê tông nhựa thành đường giao thông thuận tiện với chiều rộng 5m, vỉa hè hai bên từ 0,5-3m. Dự kiến đến tháng 10-2014, thành phố sẽ tiếp tục triển khai “cống hộp hóa” tuyến mương Kênh Gia 2 có chiều dài 190m và tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống cống hộp Phúc Trọng dài hơn 1km từ đường Giải Phóng đến đầu mương Kênh Gia đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 4-2013 góp phần đáng kể phục vụ tiêu thoát nước khu vực dân cư các phường Văn Miếu, Trường Thi, đồng thời cải thiện bộ mặt khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com