Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật

08:09, 26/09/2014

Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) là bước đi chiến lược nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trên mọi lĩnh vực; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản lý tài nguyên thiên nhiên… phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Để đạt hiệu quả cao nhất trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao KHKT, tỉnh ta đã đặt ra mục tiêu: Nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ các thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến, sáng tạo công nghệ mới, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với giá trị gia tăng cao; tăng nhanh số lượng các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phát triển các sản phẩm chủ lực tại địa phương. Trong đó tập trung ưu tiên các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu theo các định hướng: Khai thác các sáng chế, kinh nghiệm để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tranh thủ chương trình đào tạo của đối tác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN ở các lĩnh vực quản lý khoa học và quản trị công nghệ đạt trình độ cao, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu… Thời gian qua, các ngành chức năng KH và CN, TN và MT, NN và PTNT, Công thương… đã hợp tác với các cơ quan khoa học chuyên ngành và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ mới trong các lĩnh vực giáo dục, NN và PTNT, quản lý tài nguyên, môi trường… Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai nghiên cứu 64 đề tài, dự án KHCN; vận động được 63 chương trình, dự án viện trợ từ 46 tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước. Tiếp nhận được 13 chương trình, dự án phi Chính phủ nước ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, phát triển nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ môi trường; dạy nghề tạo việc làm... Nhiều chương trình hợp tác đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tạo bước đột phá trong các lĩnh vực: nhân cấy giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia; quản lý tài nguyên nước; chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… Trong đó, Dự án hợp tác xây dựng Trung tâm Dữ liệu tỉnh Nam Định (Data center) theo tiêu chuẩn Quốc tế TIA-942 tại Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN tỉnh Nam Định thành một bộ phận trong chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung theo chương trình hợp tác phát triển công nghệ thông tin (CNTT) giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh ta sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT của tỉnh.

Đoàn cán bộ khoa học của Nhật Bản khảo sát mô hình sản xuất lúa lai của Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Đoàn cán bộ khoa học của Nhật Bản khảo sát mô hình sản xuất lúa lai của Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Theo chương trình hợp tác đã ký kết, mục tiêu phát triển CNTT nhằm xây dựng chính quyền điện tử ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã với môi trường làm việc "điện tử hóa" hoàn toàn, bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả, nhanh chóng. Phát triển CNTT thành một ngành kinh tế chủ lực làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy quá trình CNH-HĐH của hai địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của hai địa phương và góp phần thực hiện các mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông. Trong lĩnh vực NN và PTNT, sự kiện hợp tác đưa Trung tâm Nghiên cứu lúa lai do Tập đoàn Syngenta làm chủ đầu tư đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh và khu vực với khả năng chủ động về giống lúa. Với chức năng nghiên cứu, lai tạo và khảo nghiệm sản xuất, Trung tâm được xây dựng trên diện tích 4ha với tổng kinh phí giai đoạn 1 ước trên 30 tỷ đồng và được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế với những công nghệ mới nhất phục vụ nghiên cứu khoa học từ hệ thống máy móc, thiết bị đến điều kiện thí nghiệm và tiêu chuẩn an toàn lao động… Đồng thời có thể kết nối với các cơ sở nghiên cứu của Syngenta trên toàn cầu để chia sẻ số liệu và thông tin khoa học. Trong giai đoạn đầu, Trung tâm nhập khẩu nguồn gen lúa từ các trung tâm của Tập đoàn trên toàn cầu để lai tạo bằng phương pháp truyền thống. Ngoài ra, Trung tâm còn đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng xay xát. Tiếp đó, Trung tâm Nghiên cứu lúa lai sẽ mở rộng thêm diện tích với những phòng thí nghiệm hiện đại để ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo như: Nuôi cấy bao phấn, đánh giá tính kháng sâu bệnh nhân tạo, đánh giá chất lượng sinh hóa của hạt gạo. Trong lĩnh vực TN và MT, dự án "Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại Nam Định" do các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất (Đức) phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ TN và MT) thực hiện nhằm dự báo, quy hoạch và quản lý nguồn nước, từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp để quản lý hiệu quả nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự án đã giúp tỉnh xây dựng mạng quan trắc nước ngầm hiện đại với hệ thống thiết bị đồng bộ; tiến hành khảo sát, thống kê cụ thể nhu cầu sử dụng nước của người dân với số liệu chính xác làm tiêu chuẩn để dự báo; xây dựng mô hình 3D về cấu trúc địa chất thủy văn khu vực Nam Định. Với mô hình 3D có thể dự báo dài hạn mực nước ngầm theo nhiều kịch bản khác nhau, giúp ngành chức năng cảnh báo sớm những vùng đang có nguy cơ cạn kiệt để kịp thời đề ra các biện pháp quy hoạch và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh ta phát huy, tiếp tục nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước; tăng cường quản lý có hiệu quả tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh… Những kết quả trên đã khẳng định hiệu quả thực tiễn của hoạt động hợp tác nghiên cứu chuyển giao KHKT trong từng lĩnh vực trọng điểm. Trong những tháng cuối năm 2014, các ngành chức năng của tỉnh đang nỗ lực xúc tiến chương trình hợp tác với Nhật Bản nghiên cứu chuyển giao KHKT trong lai tạo cây, con giống mới; triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm chủ lực của tỉnh; cơ khí nông nghiệp và đào tạo nhân lực chất lượng cao…

Để tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao KHKT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chủ động mời gọi, tạo điều kiện cho các tổ chức nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình áp dụng thử nghiệm kết quả nghiên cứu khoa học trước khi nhân ra diện rộng, thời gian tới, các ngành chức năng cần đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhận chuyển giao KHKT. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành, các đơn vị tham gia các hoạt động trao đổi KHKT. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, tuyển chọn đối với các tổ chức nước ngoài trong nghiên cứu, hợp tác thực hiện các nhiệm vụ KHCN cho phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng. Tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ các hoạt động hợp tác nghiên cứu; quảng bá, giới thiệu các chương trình, dự án lớn về KHCN mà các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế đang thực hiện tại địa phương để thu hút đầu tư chuyển giao công nghệ. Đồng thời hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu khai thác hiệu quả các nguồn lực từ các đối tác quốc tế thông qua hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và đào tạo nhân lực KHCN, quản lý hoạt động KHCN, quản trị công nghệ, khai thác sáng chế và chuyển giao công nghệ./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com