Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

07:09, 11/09/2014

Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững” là một trong những phong trào thi đua lớn được Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả. Phong trào đã tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó, giảm nghèo và vươn lên làm giàu trong hội viên, nông dân ở từng địa phương.

HND xã Giao Tiến (Giao Thủy) hiện có 4.089 hội viên, bằng 90% so với hộ nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, HND xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương. HND xã đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, củng cố tổ chức Hội, hướng hoạt động về cơ sở và đạt được những hiệu quả thiết thực. Đến nay, HND xã có 2.587 hộ gia đình nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; 439 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Điển hình như gia đình anh Vũ Văn Tới, hội viên chi hội 3 Quyết Thắng, xã Giao Tiến. Lập gia đình từ năm 2000, trước hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Tới bàn với vợ xin đi lao động xuất khẩu, vừa là cơ hội tìm kiếm việc làm, vừa tích lũy vốn. Sau khi hết hạn lao động, năm 2007, anh trở về tìm hướng phát triển kinh tế. Với kinh nghiệm nhiều năm lao động ở nước ngoài và nguồn vốn tích luỹ được, anh quyết định mở xưởng may, nhận gia công các sản phẩm từ các Cty may lớn trên địa bàn tỉnh. Năm 2008, với số vốn ban đầu, anh bắt tay vào xây dựng nhà xưởng quy mô 100m2 với 15 máy khâu. Anh phối hợp với Cty may đối tác để dạy nghề cho 15 lao động nữ ở địa phương, mức lương của người lao động đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, được sự giúp đỡ của HND xã tạo điều kiện tín chấp với Ngân hàng CSXH cho vay nguồn vốn 120 (vốn giải quyết việc làm) được 90 triệu đồng cộng với vốn tích lũy của gia đình, anh đầu tư thêm 25 đầu máy khâu. Hiện, xưởng may của gia đình anh đã có 40 máy, tạo việc làm cho 50 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, mỗi năm xưởng may của gia đình anh đã có thu nhập 150-200 triệu đồng.

Cơ sở may của anh Vũ Văn Tới, hội viên nông dân, chi hội 3 Quyết Thắng, xã Giao Tiến (Giao Thủy) tạo việc làm cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở may của anh Vũ Văn Tới, hội viên nông dân, chi hội 3 Quyết Thắng, xã Giao Tiến (Giao Thủy) tạo việc làm cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.

Đến tham quan mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh Trịnh Bá Hùng, xóm Tây, xã Xuân Tân (Xuân Trường) mới thấy được sự năng động, dám nghĩ, dám làm và phát huy được tiềm năng thế mạnh của đồng đất quê hương. Với sự hỗ trợ của HND xã và Ban Nông nghiệp xã, năm 2002, anh nhận đấu thầu 6ha vùng đất bãi bồi ven sông Hồng để xây dựng trang trại vừa nuôi cá truyền thống, chăn nuôi lợn kết hợp với trồng cây lâu năm. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, anh quy hoạch trang trại thành 3 ao nuôi cá truyền thống với diện tích 2ha mặt nước; 2ha còn lại anh đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn hướng nạc với tổng đàn 40 con lợn nái và 200 lợn thịt. Diện tích còn lại anh trồng cây cảnh và hơn 300 gốc hoa hòe. Với hướng đầu tư hiệu quả, mỗi năm 3 ao cá đã cho thu hoạch 25-30 tấn cá truyền thống các loại, 70-80 tấn lợn thịt và trên 200 con lợn giống. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập 200-250 triệu đồng.

Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững”, các hộ nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với việc triển khai thực hiện sâu rộng, phong trào đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân có nhiều cơ hội, điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hằng năm, có hàng nghìn lượt hội viên, nông dân được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hàng nghìn lượt người được tham gia các buổi tham quan, hội thảo đầu bờ… do HND và các ngành tổ chức. Đồng thời, thông qua các chương trình tập huấn, hội thảo, hội viên nông dân còn có cơ hội, điều kiện để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất... Nhờ đó, trình độ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất của hội viên, nông dân ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khuyến khích các chủ trang trại phát triển sản xuất ổn định, nâng cao giá trị trên 1ha canh tác đạt 95 triệu đồng trở lên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cánh đồng cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm, 5 trang trại cho thu nhập 250 triệu đồng/năm; đến nay đã có 10/10 huyện, thành Hội chỉ đạo cơ sở xây dựng các mô hình trang trại; 75% số cơ sở Hội tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn… Từ những mô hình cánh đồng 90-100 triệu đồng/ha với cơ cấu 2 vụ lúa, 1 vụ màu, 1 vụ đông không chỉ khẳng định về giá trị thu nhập mà còn đảm bảo sự phát triển lâu dài, tạo được việc làm ổn định cho hội viên nông dân. Điển hình như các mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương như Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Dương (Ý Yên); Xuân Phong, Xuân Kiên, Xuân Ninh, Thọ Nghiệp (Xuân Trường). Các mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu ở xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng), Hải Chính, Hải Triều, Hải Phương (Hải Hậu)…

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã mang lại hiệu quả thiết thực, khai thác được tiềm năng đất đai, lao động và nguồn vốn của hội viên nông dân. Phong trào còn góp phần khơi dậy mối đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Theo đó, HND các cấp trong tỉnh đã phát động mỗi hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tự nguyện giúp đỡ 1-2 hộ khó khăn để giúp họ vươn lên thoát nghèo. Với sự giúp đỡ cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất, công lao động..., nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ, mở ra cơ hội phấn đấu vượt khó vươn lên. Từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu trở thành những gương sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 160 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, bằng 39,9% so với hộ nông dân; tăng trên 20 nghìn hộ so với năm 2009. Trong đó hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương có 2.009 hộ; cấp tỉnh 8.034 hộ, cấp huyện 48.205 hộ, cấp cơ sở 102.436 hộ. Phong trào đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hóa, tạo động lực xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com