Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

07:09, 25/09/2014

Với mục tiêu phát triển toàn diện ngành nông nghiệp địa phương theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, tỉnh ta có kế hoạch dành hơn 1.300ha xây dựng 14 khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2020. Trong đó 1 khu nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô quốc gia được xây dựng tại xã Yên Dương (Ý Yên), quy mô 200ha có nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng thị trường trong và ngoài tỉnh như các loại rau sạch, hoa cao cấp; chăn nuôi công nghiệp, sản xuất thịt, trứng, sữa sạch, an toàn. Ngoài ra còn 13 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC để sản xuất giống và nuôi các loại thủy, hải sản như ngao, cua biển, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá bống tượng, cá lăng chấm... tại các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy với tổng diện tích 445ha; 4 vùng ứng dụng CNC trong sản xuất giống lợn, chăn nuôi công nghiệp và chế biến thịt lợn tại các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng; 2 vùng ứng dụng CNC sản xuất giống lúa chất lượng cao, quy mô 350ha tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh và xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường và 5 vùng sản xuất hoa cao cấp và rau an toàn VietGap quy mô 255ha tại các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Giao Thuỷ, Ý Yên và Thành phố Nam Định. Để thực hiện thành công kế hoạch này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 5 “nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà tư vấn và nhà nông. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của phát triển nông nghiệp CNC bởi ngoài tiềm lực kinh tế, sự năng động, sáng tạo giúp họ làm tốt khâu quản lý, phân phối, tiếp thị và nâng cao giá trị nông sản.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thức ăn vi sinh tại Cty CP Vina-HTC.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thức ăn vi sinh tại Cty CP Vina-HTC.

Thực hiện ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh ta tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ: chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; sản xuất các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và phát triển dịch vụ CNC phục vụ nông nghiệp. Từ năm 2008, Sở KH và CN đã chủ trì thực hiện 10 đề tài, dự án ứng dụng CNC vào các lĩnh vực như chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, con nuôi thủy, hải sản; sản xuất chế phẩm sinh học, phân vi sinh, thức ăn chăn nuôi ứng dụng công nghệ vi sinh… Cả 10 dự án đều thành công với những sản phẩm mang hàm lượng khoa học CNC như: Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống nấm ăn và nấm dược liệu; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ khí canh trong sản xuất giống khoai tây sạch bệnh; ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học dạng bón gốc và chế phẩm nấm có ích phun qua lá nhằm phòng trừ sâu hại phần rễ và lá của các loại hoa màu và làm chủ công nghệ sinh sản nhân tạo thành công các giống ngao, tôm chân trắng, hàu, cá bống bớp, cá song chấm nâu, cá vược, cá chình, tu hài, cá lăng chấm, cá rô phi… Những dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế và tạo ra sản phẩm mang tính đột phá cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đóng góp vào sự thành công của các dự án ứng dụng CNC đó ngoài sự nỗ lực quản lý, điều phối của cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò tích cực của các doanh nghiệp như: Cty TNHH Cửu Dung, Cty TNHH Nuôi trồng thủy hải sản Liên Phong; Cty TNHH Cường Tân; Cty CP Vina - HTC... Là đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn đầu tiên của tỉnh, Cty CP Vina - HTC (TP Nam Định) đi vào hoạt động năm 2012 với cơ sở vật chất gồm một khu nhà xưởng với đủ các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao... và hai dây chuyền liên hoàn nghiền, trộn, ép viên thức ăn chăn nuôi hiện đại có công suất trên 15 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng. Cùng với cơ sở vật chất, Cty có đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm trong việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, Cty đã đầu tư kinh phí và thời gian gần một năm để sản xuất và cung ứng sản phẩm thử nghiệm cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn, có nhiều kinh nghiệm trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thử nghiệm, Cty tiếp thu các ý kiến đánh giá của các hộ chăn nuôi, từng bước điều chỉnh để đưa ra thông số kỹ thuật tương thích cho sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Do đó ngay sau khi đi vào sản xuất, Cty CP Vina - HTC đưa ra thị trường 32 sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp gồm thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc cho lợn và các loại gia súc, gia cầm với tổng sản lượng 10 nghìn tấn/năm. Sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Cty đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn. Với nền tảng tiềm lực đó, năm 2013, Cty đã được các ngành chức năng lựa chọn làm đơn vị thực hiện ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi để góp phần tạo ra dòng sản phẩm sạch trong chuỗi liên kết sản xuất. Theo đó, trên cơ sở công trình nghiên cứu, chuyển giao của Viện Vi sinh vật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Cty sẽ làm chủ công nghệ sản xuất chế phẩm men vi sinh Probiotic và bổ sung men vi sinh Probiotic vào thức ăn chăn nuôi nhằm kích thích tiêu hoá và hấp thụ thức ăn của vật nuôi. Bên cạnh đó, Cty còn xây dựng công thức chuẩn về hàm lượng thức ăn vi sinh cho các đối tượng nuôi để đạt được hiệu quả cao. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng mô hình ứng dụng cho các hộ dân tham khảo, ứng dụng vào sản xuất. Đến thời điểm này, Cty đã hoàn thiện quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi vi sinh cho các đối tượng nuôi khác nhau. Kết quả sử dụng sản phẩm vào thực tế tại các trang trại lớn trong tỉnh đã khẳng định đàn vật nuôi đều đạt chất lượng thịt cao, trọng lượng con nuôi đạt mức tăng từ 4-5%; tỷ lệ tiêu tốn thức ăn cho một con nuôi giảm từ 10-14% so với sử dụng các loại thức ăn có chất kích thích tăng trọng phổ biến trên thị trường, giúp người chăn nuôi giảm chi phí sản xuất và nâng cao doanh thu. Nhờ chất lượng sản phẩm, cộng với chính sách hỗ trợ, ổn định giá sản phẩm ở mức thấp hơn từ 10-15% so với các dòng sản phẩm tương đồng trên thị trường, thành công trong việc ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tạo ra sản phẩm CNC, giúp người chăn nuôi giảm chi phí sản xuất, bảo đảm an toàn môi trường, dịch bệnh trong quá trình sản xuất và cho sản phẩm đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó còn thúc đẩy tiêu thụ được một lượng lớn nông sản như ngô, đậu tương, bột cá... làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, Cty đang tiếp tục công đoạn sản xuất chế phẩm Probiotic, hoàn thiện công thức dinh dưỡng cho các đối tượng vật nuôi để khai thác hiệu quả chế phẩm và xây dựng các mô hình hỗ trợ nhân dân đưa thức ăn vi sinh vào sản xuất. Cty TNHH Thái Việt (Giao Thủy) thực hiện ứng dụng công nghệ nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp, phát triển đàn giống lợn bố mẹ chất lượng cao vào trang trại quy mô 15ha đặt tại xã Giao Thịnh. Trên cơ sở công nghệ chăn nuôi công nghiệp khép kín của Thái Lan do Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội chuyển giao, Cty đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng theo bốn yếu tố cần thiết cho phát triển chăn nuôi lợn gồm: con giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh. Đồng thời tuyển chọn nguồn giống để tạo đàn lợn bố mẹ từ những giống có năng suất, chất lượng cao, có tính di truyền tốt và khả năng thích nghi cao như Yorkshire, Landrace, Duroc. Các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, lai tạo, phối giống, chế độ ăn uống và đảm bảo an toàn dịch bệnh được thực hiện theo công nghệ khép kín từ khâu chăm sóc, lấy tinh, phối giống và cai sữa cho đàn lợn giống… Sau khi ứng dụng quy trình công nghệ mới, đàn lợn giống sau lai tạo phát triển tốt với tốc độ tăng trọng trong giai đoạn nuôi thịt từ 20-90kg đạt từ 600-700 gam/ngày, tỷ lệ thịt nạc của lợn xuất chuồng đạt từ 57 đến 63%. Hiện tại, 900 con lợn nái sinh sản và 35 con lợn đực giống thế hệ ông bà, bố mẹ đã sinh sản trung bình hàng nghìn con lợn sữa mỗi tháng. Bên cạnh việc đầu tư chọn lọc giống bố mẹ, tạo ra đàn giống lai chất lượng cao, Cty còn chú trọng hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nuôi mới, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện chăn nuôi của nông dân trong tỉnh, đồng thời trực tiếp chuyển giao công nghệ chăn nuôi công nghiệp và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, thức ăn và thuốc thú y… cho các hộ dân, khắc phục tư duy tự cấp, tự túc, không chú trọng yếu tố dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh trong phương thức chăn nuôi truyền thống. Đây là những điều kiện cơ bản để tỉnh ta thực hiện cải tạo nguồn giống lợn cung ứng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, cải thiện chất lượng thịt, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Doanh nghiệp phát huy vai trò trong thúc đẩy quá trình đưa CNC vào sản xuất còn được đánh dấu bằng việc mới đây UBND tỉnh vừa quyết định cho Cty TNHH Cường Tân thực hiện Đề án Nâng cao năng lực nghiên cứu sản xuất và ứng dụng CNC trong sản xuất giống lúa với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng nhằm tuyển chọn được 2-3 giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác và mang thương hiệu của tỉnh; bước đầu hình thành vùng sản xuất lúa giống ứng dụng CNC và ứng dụng CNC một cách đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, tưới tiêu, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch cho 100ha sản xuất lúa giống chất lượng cao.

Phát huy vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta, bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Để tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu ứng dụng CNC vào sản xuất, các ngành chức năng cần đơn giản hóa thủ tục đầu tư, có các chính sách ưu đãi, đặc biệt về chính sách hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn nhân lực... để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để có thể cập nhật, tiếp cận với những công nghệ mới nhất./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



xe nâng điện chính hãng Hangcha White Screen Tư vấn mua Máy quét 3D cao cấp iPhone 16 pro cũ lắp wifi viettel giá cả hợp lý

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com