Ngành sản xuất chế biến gỗ tập trung phát triển thị trường nội địa

09:09, 19/09/2014

Theo số liệu của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có gần 150 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở sản xuất, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh trong ngành chế biến gỗ. Để ứng phó với những khó khăn do lạm phát, suy thoái kinh tế, ngoài việc nỗ lực giữ vững và từng bước mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, ngành chế biến gỗ đã tập trung quan tâm phát triển thị trường nội địa.

Là doanh nghiệp có nhiều năm hoạt động trong ngành chế biến gỗ, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Cty TNHH Đoàn Kết (KCN Hòa Xá) đã đầu tư gần 20 tỷ đồng trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu như hệ thống máy làm cửa đa năng, máy CNC 3D… Riêng hệ thống máy làm cửa đa năng trị giá trên 3 tỷ đồng, được Cty nhập nguyên chiếc từ I-ta-li-a có công suất tối đa 20m2 trong một ca làm việc với các loại mẫu mã, kích thước theo yêu cầu đặt hàng, bằng công suất lao động của 20 thợ lành nghề. Ngoài ra, để tăng độ bền, chống mối mọt, hạn chế các đặc tính co ngót, cong vênh của các sản phẩm gỗ, Cty đã đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng lò hấp sấy công suất tối đa 90m3 gỗ/mẻ. Nhờ đó, các sản phẩm gỗ gia dụng (bàn, ghế, giường, tủ) của Cty đã được khách hàng tín nhiệm, tiêu thụ tốt ở thị trường trong tỉnh. Mỗi tháng, Cty tiêu thụ trên 300m3 gỗ nguyên liệu (được nhập khẩu từ các nước Lào, In-đô-nê-xi-a), doanh thu hằng năm đạt từ 120-130 tỷ đồng. Nhờ đầu tư các loại máy móc chuyên dụng hiện đại, Cty đã đáp ứng được yêu cầu và nhận được nhiều hợp đồng cung ứng toàn bộ phần gỗ cho các công trình xây dựng lớn như: hợp đồng trị giá 5 tỷ đồng tại công trình Tòa giám mục Bùi Chu (Xuân Trường); các công trình cải tạo nhà thờ Khoái Đồng, nhà thờ Lớn (TP Nam Định) và các công trình ngoài tỉnh như: trụ sở làm việc Sở Tài chính Thành phố Hải Phòng (2,1 tỷ đồng); hợp đồng cung ứng các sản phẩm gỗ cho Công an tỉnh Hà Nam (4 tỷ đồng)… Hiện tại, Cty đã ký được nhiều hợp đồng đảm bảo việc làm ổn định cho 60 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng đến hết năm 2015. Sau gần 10 năm đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng gỗ thủ công mỹ nghệ cao cấp, dân dụng và xây dựng tại CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Doanh nghiệp tư nhân Phú Khánh đã vươn lên trở thành một doanh nghiệp mạnh trong ngành chế biến gỗ với hệ thống nhà xưởng gần 1.000m2 được trang bị trên 10 loại máy móc chuyên dụng, hiện đại, doanh thu đạt từ 13-15 tỷ đồng/năm. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp tiêu thụ từ 80-100m3 gỗ nguyên liệu, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất các sản phẩm gỗ tại Cty TNHH Đoàn Kết (KCN Hòa Xá, TP Nam Định).
Sản xuất các sản phẩm gỗ tại Cty TNHH Đoàn Kết (KCN Hòa Xá, TP Nam Định).

Với phương châm cạnh tranh là không ngừng nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm và lấy số lượng bù doanh thu, các sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ được tín nhiệm tại thị trường trong huyện, trong tỉnh, mà còn khoảng 55% số lượng được xuất đi thị trường lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Trong năm 2014, ngoài các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, dân dụng phục vụ nhu cầu từ bình dân đến cao cấp của thị trường, doanh nghiệp đã nhận được 7 hợp đồng cung ứng toàn bộ phần gỗ cho các công trình xây dựng từ cốp-pha, hệ thống cửa, ván sàn, cầu thang, trần, nội thất… với trị giá từ 400-700 triệu đồng/công trình. Trong đó có hợp đồng làm hệ thống cửa, nội thất, cầu thang của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Nghĩa Hưng (đang thi công) và 14 công trình thi công phần gỗ (hệ thống cửa, cầu thang, nội thất, bàn ghế học sinh) cho các trường tiểu học, THCS trong toàn huyện. Bằng nhiều biện pháp như: đổi mới công nghệ, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp - cơ sở sản xuất để phát huy tối đa ưu thế dây chuyền sản xuất hiện đại (của doanh nghiệp) và kinh nghiệm, tinh hoa nghề truyền thống lâu năm (của đội ngũ lao động trong làng nghề)… nhiều doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong các làng nghề truyền thống ở các huyện: Ý Yên, Trực Ninh, Hải Hậu, Nghĩa Hưng… đã phát triển nhiều dòng sản phẩm, đáp ứng nhiều nhóm đối tượng khách hàng từ bình dân đến cao cấp của thị trường nội địa. Là doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm gỗ với kim ngạch đạt 25 triệu USD năm, Cty CP Lâm sản Nam Định còn đầu tư phát triển các loại sản phẩm mới như: gỗ ghép thanh, các sản phẩm nội thất để phục vụ thị trường nội địa. Để đứng vững trong thị trường cạnh tranh gay gắt, Cty TNHH Minh Tăng (Trực Ninh) đã quyết liệt đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại như 4 máy CNC-3D với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng, hàng chục máy móc chuyên dụng để sản xuất các loại sản phẩm gỗ như: tràng kỷ, sập gụ, tủ chè, các loại đồ thờ… Nhờ được lập trình, điều khiển bằng máy tính nên các công đoạn chạm khắc thủ công, đường nét hoa văn tinh xảo hay các cấu trúc 3 chiều phức tạp đã được thực hiện với độ chính xác tuyệt đối bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và thẩm mỹ, mẫu mã sản phẩm đa dạng, được thị trường tín nhiệm. Tại huyện Hải Hậu, nhiều doanh nghiệp ở các CCN tập trung Hải Minh, Hải Phương và hàng trăm cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn đã sản xuất được nhiều loại sản phẩm gỗ, không chỉ đáp ứng nhu cầu dân dụng, cao cấp mà còn chiếm lĩnh được thị trường nhiều tỉnh phía Bắc. Cty CP Gỗ mỹ nghệ Hợp Long (CCN Hải Phương) nhiều năm qua có thị trường ổn định tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Các sản phẩm mộc mỹ nghệ cao cấp khảm trai, giả cổ của các doanh nghiệp trong CCN tập trung và các cơ sở sản xuất ở làng nghề Bình Minh của xã Hải Minh đã khẳng định được vị thế thương hiệu trên thị trường nội địa. Tại huyện Ý Yên, ngành công nghiệp chế biến gỗ đã phát triển theo hướng chuyên biệt hóa các công đoạn sản xuất. Trong CCN La Xuyên, gần 40 doanh nghiệp có tiềm lực đã đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị chuyên trưng bày, giao dịch các sản phẩm gỗ mỹ nghệ; các công đoạn sản xuất từ gia công, hoàn thiện đã có sự dịch chuyển sang các xã lân cận như: Yên Hồng, Yên Dương, Yên Tiến…  

Cùng với dệt may, cơ khí, chế biến gỗ là một trong 3 ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp giá trị sản xuất lớn nhất cho ngành công nghiệp toàn tỉnh. Nỗ lực thực hiện các biện pháp kích cầu thị trường nội địa của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành chế biến gỗ đã góp phần giúp ngành sản xuất trụ vững trong bối cảnh khó khăn của thị trường xuất khẩu do tác động của suy thoái kinh tế; khẳng định hướng đi đúng khi quan tâm đến thị trường nội địa với sức mua không nhỏ. Nhờ đó, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất toàn ngành đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 30 nghìn lao động, chiếm khoảng 20% tổng số lao động tham gia sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com