Nâng cao hiệu quả công tác kiểm định chất lượng nước sinh hoạt

07:09, 10/09/2014

Theo số liệu của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN và PTNT), đến hết tháng 8-2014, toàn tỉnh có 56 công trình cấp nước sinh hoạt. Tỷ lệ dân số nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92,64%, trong đó 66,08% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, các mô hình tổ chức quản lý chất lượng nước cơ bản đáp ứng được yêu cầu, chất lượng nước ngày càng được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng và điều kiện sống của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, ở một số địa phương, công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước tập trung vẫn chưa được coi trọng, có những công trình cấp nước không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ dẫn đến nhanh bị hư hỏng, xuống cấp; không bảo đảm yêu cầu cấp nước sạch bền vững cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn. Đặc biệt, công tác kiểm định chất lượng nước sinh hoạt vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.

Xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Trung tuần tháng 6-2014, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về ATVSTP đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương triển khai công tác kiểm định chất lượng nước sinh hoạt để đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm hằng ngày của người dân. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch tự tiến hành công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước thường xuyên theo đúng quy định. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và để nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống và sinh hoạt. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng tháng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định bao gồm nhà máy nước tại Thành phố Nam Định và nhà máy nước tại các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Trực Ninh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong năm 2013, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành kiểm tra nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung của Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định có công suất từ 1.000m3/24h với tổng số 151 mẫu nước làm xét nghiệm, trong đó 101 mẫu đạt tiêu chuẩn vệ sinh (TCVS), tỷ lệ mẫu đạt TCVS chiếm 66,89%, có 50 mẫu nước không đạt TCVS do không đạt về các chỉ tiêu hóa lý. Trong 8 tháng đầu năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành kiểm tra vệ sinh chung của nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung có công suất từ 1.000m3/24h với tổng số 73 mẫu nước làm xét nghiệm, trong đó có 53 mẫu đạt TCVS, đạt tỷ lệ 72%, có 20 mẫu nước không đạt, chủ yếu không đạt ở các chỉ tiêu hóa lý. Thực hiện kiểm định chất lượng nước sinh hoạt, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm định các mẫu nước của 52 nhà máy nước thuộc các huyện: Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Thành phố Nam Định, Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Hải Hậu định kỳ hằng tháng ở các chỉ tiêu lý và 4 lần/năm ở các chỉ tiêu hóa, vi sinh. Trong năm 2013, Trung tâm đã làm xét nghiệm tổng số 624 mẫu nước của 52 công trình cấp nước, có 559 mẫu đạt, chiếm 89,5%. Trong 8 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã kiểm định được 408 mẫu, trong đó 376 mẫu đạt, chiếm 92,1%.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt là trong hơn 3 năm gần đây không có kinh phí chi cho hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt. Nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống là do ký kết hợp đồng giữa Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh với các nhà máy cung cấp nước. Các nhà máy cấp nước trả chi phí xét nghiệm mẫu nước theo Thông tư quy định của Bộ Tài chính (Thông tư số 232/2009/TT-BTC; Thông tư 08/2014/TT-BTC) về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí y tế dự phòng, kiểm dịch y tế, hằng tháng cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với cán bộ của các nhà máy nước tiến hành lấy mẫu nước xét nghiệm đảm bảo tính khách quan, chính xác. Do vậy hằng năm không có kinh phí chi cho hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt. Hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống còn phụ thuộc vào kinh phí của các cơ sở cung cấp nước. Tại tuyến huyện, hầu hết các Trung tâm y tế tuyến huyện chưa đủ năng lực để thực hiện công tác giám sát chất lượng nguồn nước trên địa bàn.

Để công tác kiểm định chất lượng nước thực sự hiệu quả, hằng năm các ngành chức năng cần mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt cho tuyến tỉnh, huyện; có kinh phí chi cho hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng nước. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo quy định của Bộ Y tế. Đối với những công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động cần chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và quản lý khai thác vận hành công trình sau đầu tư. Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch, để người dân có ý thức quản lý, bảo vệ công trình cấp nước tập trung, bảo vệ nguồn nước./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com