Kết quả bước đầu xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Xuân Trường

08:09, 09/09/2014

Nhằm thực hiện định hướng đổi mới trong sản xuất nông nghiệp với khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân, sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), huyện Xuân Trường chỉ đạo các địa phương tăng cường tổ chức sản xuất lúa theo quy mô cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Hiện các CĐML được nông dân ở Xuân Trường hưởng ứng mạnh mẽ và đang được nhân rộng qua từng vụ trên địa bàn huyện.

Kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa trên cánh đồng mẫu lớn xã Xuân Ninh (Xuân Trường).
Kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa trên cánh đồng mẫu lớn xã Xuân Ninh (Xuân Trường).

Trong vụ mùa 2012, huyện Xuân Trường đã triển khai xây dựng thí điểm 1 mô hình CĐML “3 cùng” (cùng giống, cùng trà, cùng phương thức canh tác) trên diện tích rộng hơn 60ha của 3 xóm 10a, 14, 16 xã Xuân Kiên. Mô hình sử dụng phương thức gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp thay cho gieo mạ, cấy lúa với cùng một giống NĐ5 do Cty CP Giống cây trồng tỉnh cung cấp. Khi thu hoạch, Cty CP Giống cây trồng tỉnh thu mua lúa ngay tại đầu bờ (thóc chưa qua phơi, sấy) với giá 6.800 đồng/kg, tương đương với giá thóc BT7 đã phơi khô, rê sạch. Kết quả năng suất bình quân của mô hình đạt trên 2 tạ/sào (56 tạ/ha), gấp trên 1,5 lần so với gieo cấy giống lúa BT7 tại cùng cánh đồng. Tổng kết vụ sản xuất ở CĐML đó cho thấy giúp nông dân giảm được công lao động, giảm lượng thóc giống và giảm số lần phun thuốc BVTV so với phương thức cấy lúa truyền thống. Ngoài ra, do thực hiện theo phương thức “3 cùng” nên lúa chín tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu thu hoạch với việc sử dụng máy gặt đập liên hoàn thay cho gặt thủ công. So với gặt thủ công, gặt bằng máy chi phí thấp hơn và giảm hao hụt. Từ hiệu quả của mô hình CĐML ở xã Xuân Kiên, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT phối hợp với các phòng chức năng xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng CĐML trên địa bàn huyện. Thuận lợi trong việc triển khai nhân rộng CĐML của Xuân Trường là triển khai đồng thời với Chương trình xây dựng NTM, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, cụ thể công tác DĐĐT gắn với quy hoạch xây dựng NTM. Đến hết năm 2013, đã có 17/20 xã, thị trấn hoàn thành giao đất thực địa; bình quân ở các xã hoàn thành DĐĐT đã huy động nhân dân đóng góp xây dựng NTM 24m2/sào, số thửa còn 1,93 thửa (trước DĐĐT là 3,46 thửa/hộ), diện tích bình quân đạt 661m2/thửa, đất công ích được dồn chuyển gọn vùng giảm 40% số thửa so với trước khi DĐĐT. Công tác DĐĐT đã tạo điều kiện cho các địa phương trên địa bàn huyện quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, chuyên canh, củng cố hệ thống kênh mương, xây dựng đường giao thông nội đồng giúp cho việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng CĐML. Sau DĐĐT, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực xây dựng CĐML và khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thay đổi tập quán, thói quen canh tác cũ của bà con nông dân. Huyện khuyến khích dồn đổi, cho thuê, mượn ruộng để tập trung ruộng đất theo quy hoạch tạo ra các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn do các HTX, tổ hợp tác hoặc doanh nghiệp tổ chức sản xuất, góp phần làm thay đổi quan hệ sản xuất trong nông nghiệp theo hướng tích cực. Trong năm 2013, huyện Xuân Trường đã xây dựng được 43 CĐML với diện tích 1.750ha, tiêu biểu là mô hình CĐML của xã Xuân Kiên; Cty TNHH Cường Tân tại các xã Xuân Ninh, Xuân Thượng... Vụ mùa năm 2014, toàn huyện Xuân Trường gieo cấy 5.733ha lúa. Mặc dù triển khai gieo cấy trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do vụ xuân thu hoạch muộn, thời điểm gieo cấy trà lúa mùa trung sớm mưa lớn làm ngập một số diện tích lúa mới cấy… Tuy nhiên, đã có 16/20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai xây dựng 25 mô hình CĐML với tổng diện tích 1.009ha, tập trung vào các giống: BC15, RVT, BT7 kháng bạc lá. Xã Xuân Vinh xây dựng 3 CĐML; các xã Xuân Phương, Xuân Thượng, Xuân Ninh… xây dựng 2 CĐML. Đồng chí Phạm Mạnh Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Ninh cho biết: Xã Xuân Ninh có 528ha đất cấy lúa. Vụ mùa năm nay, xã xây dựng 2 CĐML gồm: 60ha tại cánh đồng Đồng Trung và 35ha tại cánh đồng xóm 8, thôn Nghĩa Xá. Việc tổ chức sản xuất CĐML không những giảm chi phí, công lao động cho nông dân mà còn tạo thuận lợi cho việc tổ chức tưới, tiêu nước, bảo vệ lúa do đã được quy hoạch theo vùng. Đợt mưa vừa qua mặc dù lượng mưa lớn nhưng toàn bộ diện tích thực hiện CĐML của xã luôn được chủ động khơi thông dòng chảy, điều tiết nước phòng chống úng, ngập hiệu quả, nên giàn lúa được đảm bảo an toàn. Hiện nay, 95ha lúa mùa tại CĐML của xã đều sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao hơn so với sản xuất đại trà, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Đặc biệt, việc xây dựng CĐML tại xóm 8, thôn Nghĩa Xá trong vụ mùa này còn tạo quỹ đất để nông dân mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa với các cây: đậu tương, bí xanh, bí đỏ, rau các loại…

Tại các xã, thị trấn triển khai xây dựng CĐML của huyện cho thấy, chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền và bà con nông dân. Bà Phạm Thị Lan, xóm 22, xã Thọ Nghiệp cho biết: “Khi tham gia sản xuất theo CĐML, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật từ xuống giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đồng loạt theo đúng kỹ thuật nên năng suất và hiệu quả cao hơn hẳn so với trước đây”. Bên cạnh đó, thông qua xây dựng CĐML, các HTXNN cũng đổi mới nâng cao khả năng điều hành chỉ đạo sản xuất ở quy mô lớn tập trung qua việc chỉ đạo thực hiện mô hình sản xuất một loại sản phẩm với nhiều hộ nông dân tham gia trên diện tích lớn. Vai trò chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của chính quyền cấp xã được nâng cao, các HTXNN phát huy được vai trò chức năng tổ chức kinh doanh dịch vụ trong sản xuất; trình độ thâm canh của nông dân được nâng lên. Việc xây dựng CĐML ngoài việc tạo điều kiện mở rộng cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch nhằm từng bước cơ giới hoá nông nghiệp và giảm thất thoát sau thu hoạch, còn xây dựng củng cố mối quan hệ sản xuất mới tiến bộ giữa nông dân, chính quyền, HTX và các doanh nghiệp, tạo ra chuỗi hợp tác khép kín trong tổ chức chỉ đạo, thực hiện theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung. Tuy nhiên, việc nhân rộng CĐML của huyện Xuân Trường nói riêng, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nói chung còn gặp nhiều khó khăn, bởi trên thực tế quy mô sản xuất nông nghiệp ở các địa phương vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; trình độ nông dân còn hạn chế, sự liên kết giữa “4 nhà” còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là vai trò nhà doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm. Để phát huy hiệu quả và tiếp tục nhân rộng CĐML cũng như đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, huyện Xuân Trường đang tiến hành rà soát, bổ sung các quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung cho phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến lợi ích của việc xây dựng CĐML và vận động nông dân tham gia; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tự nguyện tham gia sản xuất. Tích cực khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hỗ trợ các HTXNN, bà con nông dân trong việc liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo CĐML./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com