Thời gian qua, huyện Ý Yên đã bước đầu khai thác phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Là vùng đất cổ, người dân cần cù, khéo léo, huyện Ý Yên được coi là “đất nghề” với đủ các nghề truyền thống phong phú: sơn mài, chạm khắc gỗ, đúc đồng, thêu ren, làm nón lá… Trong đó nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên và khảm trai Ninh Xá xã Yên Ninh; làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá… Với những chính sách ưu tiên phát triển CN-TTCN của huyện, nhiều làng nghề truyền thống sau nhiều năm trầm lắng, mai một đã được khôi phục và phát triển lại như: làng nghề mây tre đan ở xã Yên Lợi; chạm khắc gỗ thôn Đằng Động, xã Yên Hồng; chạm trổ, điêu khắc gỗ Tân Ninh của Thị trấn Lâm; nghề thêu ren truyền thống ở các thôn Nhuộng, Thông, Hoàng Giang, Tiêu Bảng, Văn Minh, Văn Mỹ và nghề làm nón lá của thôn Mạc Sơn, xã Yên Trung… Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của huyện được người tiêu dùng ưa chuộng về chất lượng kỹ, mỹ thuật. Hơn nữa, mỗi làng nghề đều có một sản phẩm riêng biệt, bí quyết riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng và tính hấp dẫn đối với khách du lịch. Du khách đến đây không chỉ được xem nét độc đáo của mỗi làng nghề mà còn gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân làng nghề như: Nghệ nhân đúc đồng Dương Bá Dũng, Vũ Duy Thuấn ở Thị trấn Lâm; nghệ nhân đồ gỗ Nguyễn Văn Đức, ở làng La Xuyên, xã Yên Ninh được Nhà nước vinh danh “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” là những “báu vật nhân văn sống” góp phần lưu giữ tinh hoa văn hoá làng nghề quê hương. Điểm thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề ở Ý Yên là các làng nghề truyền thống cách nhau không xa, trong đó một số làng nghề nổi tiếng nằm giáp khu vực trung tâm huyện, gần trục giao thông đường bộ và giáp với các điểm du lịch nổi tiếng như Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản), Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, rừng Cúc Phương của tỉnh Ninh Bình… Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các nhà làm du lịch xây dựng, thiết kế các tour du lịch hợp lý với thời gian ngắn mà hiệu quả cao.
Du khách chọn hàng lưu niệm tại một cơ sở sản xuất thuộc làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh. |
Nhằm phát huy những giá trị văn hóa, tinh hoa của các làng nghề truyền thống, từ năm 2005, huyện Ý Yên đã chủ trương phát triển mạnh du lịch làng nghề. Trong đó, các địa phương có làng nghề truyền thống đã huy động các nguồn lực cùng với sự đầu tư của Nhà nước xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng đường giao thông thuận tiện để đón các đoàn khách mua sắm và du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc hội thảo, hội nghị về du lịch làng nghề của tỉnh; phối hợp với cơ quan chức năng triển khai chương trình cải tạo vệ sinh môi trường của các làng nghề, đặc biệt là nguồn nước, bụi gắn với mục tiêu phát triển làng nghề bền vững. Ở 3 làng nghề lớn của huyện là sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá hiện có cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và phát triển du lịch. Tuyến đường Vạn Xuân thuộc Thị trấn Lâm dài khoảng 3km được đầu tư khang trang, rộng rãi và được mệnh danh là “phố Hàng Đồng" với hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm của khoảng 70 cơ sở sản xuất với các sản phẩm đúc bằng thép, gang, nhôm và đồng của làng nghề Tống Xá luôn tấp nập các đoàn khách tham quan, mua sắm. Tại làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, đường giao thông thuận tiện dẫn tới tận hàng chục cửa hàng giới thiệu sản phẩm có thể đón các đoàn khách đi ô tô 45-50 chỗ ngồi vào tham quan, mua sắm. Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các làng nghề cũng đã từng bước hướng tới việc đa dạng hoá các sản phẩm, trong đó chế tạo các loại quà lưu niệm. Theo một số chủ cửa hàng kinh doanh làng nghề đúc đồng Tống Xá, du khách trong và ngoài nước thường mua tượng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, các linh vật bằng đồng nhỏ hay đồng hồ kết hợp tranh bằng đồng… với giá trị mỗi sản phẩm dưới 2,5 triệu đồng. Đến với làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, du khách châu Âu thường lựa chọn mua các món đồ gỗ nhỏ làm kỷ niệm, còn khách Trung Quốc và trong nước chủ yếu thích chọn mua các sản phẩm tượng Phật Di lặc, bộ tượng Tam đa bằng gỗ nu, nghiến, hương; những bức tranh chạm trổ theo tích Văn Vương cầu hiền, Bát tiên quá hải... Mặc dù chưa đón số lượng khách đông như 2 làng nghề Tống Xá, La Xuyên nhưng các sản phẩm làng nghề sơn mài Cát Đằng như bình hoa, đĩa... cũng được nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài lựa chọn. Nhiều đoàn khách đến làng nghề chỉ xem sản phẩm nhưng cũng có đoàn khách yêu cầu được tìm hiểu các công đoạn sản xuất, chế tác sản phẩm, được trò chuyện với những người thợ chế tạo sản phẩm. Ngoài ra, nhiều khách du lịch còn ghé thăm, tìm hiểu các công trình lịch sử, văn hoá thờ ông tổ của các làng nghề như: Đình Thánh Tổ của làng Tống Xá; đình La Xuyên của làng La Xuyên; đình Cát Đằng, xã Yên Tiến…
Tuy nhiên, số lượng du khách đến đây còn ít so với tiềm năng; thời gian du khách lưu lại không lâu; hiệu quả thu được từ các dịch vụ phục vụ khách hoặc bán các sản phẩm làng nghề còn chưa cao. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch làng nghề của huyện còn chưa đầy đủ, sự phối hợp giữa làng nghề, các đơn vị kinh doanh du lịch chưa cao; chỉ một số làng nghề được đưa vào chương trình tour như một điểm dừng chân mà không phải là điểm đến. Chính quyền và người dân ở một số làng nghề vẫn chưa thực sự quan tâm đến phát triển du lịch; những điểm du lịch - làng nghề vẫn hoạt động mang tính tự phát. Vệ sinh môi trường nhiều làng nghề chưa được giải quyết triệt để khiến du khách, nhất là du khách nước ngoài ái ngại. Trong bối cảnh thị trường đầu ra cho sản phẩm làng nghề, ngành nghề truyền thống của huyện Ý Yên gặp khó khăn do biến động kinh tế, chính trị thế giới, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế… thì phát triển du lịch làng nghề cần được coi là hướng đi hiệu quả. Để đạt được điều đó, huyện Ý Yên cần tích cực triển khai chương trình quảng bá, tiếp thị sản phẩm cho du khách; tập trung xây dựng bản đồ du lịch làng nghề địa phương gắn với các điểm du lịch văn hoá, tâm linh nổi tiếng trên địa bàn… Bên cạnh đó, các làng nghề cũng cần liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng các tour du lịch, trở thành một điểm đến đối với khách du lịch; phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, cải tạo môi trường các làng nghề. Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để hình thành đội ngũ chuyên làm du lịch tại các làng nghề; khuyến khích những nghệ nhân làng nghề trực tiếp tham gia hướng dẫn khách du lịch thực hiện các công đoạn, khâu chế tác sản phẩm… để đưa du lịch làng nghề cùng với du lịch tâm linh, văn hoá, sinh thái ngày càng khởi sắc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc