Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

07:08, 11/08/2014

Sau 5 năm (2009-2014) thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, tại tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực trong việc khuyến khích người dân tin dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, góp phần thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Với vai trò nòng cốt trong việc triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên; UBND các huyện, thành phố thực hiện 4 giải pháp đồng bộ. Đó là tập trung tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân hưởng ứng CVĐ; tổ chức xúc tiến thương mại nội địa; tăng cường công tác đào tạo, khuyến công giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tăng cường công tác quản lý thị trường… Trong đó, giải pháp xúc tiến thương mại nội địa được đặc biệt quan tâm với hàng loạt các hoạt động như tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức liên kết, hợp tác tiêu thụ hàng Việt; đẩy mạnh hoạt động khuyến mại tiêu thụ hàng Việt nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Trong 5 năm qua, Sở Công thương đã phối hợp tổ chức 8 hội chợ, triển lãm khu vực, có quy mô gần 1.800 gian hàng với hơn 1.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút gần 700 nghìn lượt khách tham quan, tổng doanh thu đạt trên 178,3 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia như: Hội chợ Hanoi Expo hằng năm, Hội chợ triển lãm thương mại quốc tế Festival Huế, Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp VIIF, Hội chợ Công thương miền Trung - Tây Nguyên - Nhịp cầu xuyên Á - Quảng Trị, Hội chợ chuyên đề tại các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh… với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp trong tỉnh và 60 gian hàng quy chuẩn. Tạo điều kiện và tổ chức cho đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham dự Chương trình khảo sát thị trường đồ gỗ nội thất, gỗ mỹ nghệ tại Thái Lan và Hội chợ đồ gỗ quốc tế... Tổ chức cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may, rau quả, thịt lợn đông lạnh, thủ công mỹ nghệ gặp gỡ các tham tán, tùy viên, thương vụ Việt Nam tại các nước để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tổ chức cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hội thảo xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, chế biến, cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm. Vận động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện 1.548 chương trình bán hàng khuyến mại trên địa bàn tỉnh, với hàng nghìn mặt hàng, giải thưởng trị giá khuyến mại hàng tỷ đồng... Phối hợp với các huyện: Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Ý Yên và Thành phố Nam Định tổ chức cho 8 doanh nghiệp thực hiện thành công 12 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút gần 30 nghìn người tham quan mua sắm với doanh số bán hàng đạt trên 4,6 tỷ đồng. Tổ chức hội nghị hợp tác liên kết sản xuất chế biến, cung ứng, tiêu thụ nông sản thực phẩm, thuỷ, hải sản giữa 120 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh với Tổng Cty Lương thực Miền Bắc, Tổng Cty Rau quả nông sản, Trung tâm Thương mại BigC, Metro, các doanh nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm, chợ đầu mối của Thành phố Hà Nội, Hải Phòng và một số doanh nghiệp của các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn như Tổng Cty Thương mại Hà Nội, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Cty Giấy, Tổng Cty Phân bón và hóa chất dầu khí… đưa hàng Việt về các địa phương thông qua mạng lưới phân phối, giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Đặc biệt, sau mỗi năm thực hiện, Ban chỉ đạo đều tổ chức sơ kết đánh giá hoạt động, chỉ ra những bất cập của hoạt động trong năm trước, rút kinh nghiệm để tổ chức triển khai hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.

Sản phẩm kẹo hoa quả của Cty Đại Thắng (TP Nam Định) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Sản phẩm kẹo hoa quả của Cty Đại Thắng (TP Nam Định) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Bằng những giải pháp đồng bộ trên, CVĐ đã đạt được nhiều kết quả thiết thực đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất, người tiêu dùng, góp phần tạo nên thay đổi tích cực về cơ cấu hàng hoá giữa hàng nội và hàng ngoại trên thị trường. Trong đó đã giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trước người tiêu dùng, với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Phát huy tiềm năng thế mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm để hàng hóa đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đa dạng, giá thành vừa phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng. Cùng với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa như Siêu thị BigC Nam Định, Trung tâm Thương mại Micom Plaza cũng tạo sự tín nhiệm đối với người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ và hàng hoá sản xuất trong tỉnh, trong nước. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện hệ thống các cửa hàng trưng biển “Made in Việt Nam” (sản xuất tại Việt Nam) hoặc “Hàng Việt Nam xuất khẩu” với sự tự tin và thực sự được khách hàng tín nhiệm. Người tiêu dùng cũng nhận thức ngày một đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước và những lợi ích của CVĐ và từng bước thay đổi hành vi tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng Việt, hình thành nét đẹp văn hoá tiêu dùng hàng nội. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, qua 5 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như: CVĐ đã triển khai sâu rộng, nhưng chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước và một bộ phận nhân dân chưa thực sự tích cực thực hiện CVĐ và tham gia chương trình một cách hình thức, chưa có chiến lược bài bản cho việc xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, những kỹ năng “mềm” như: phong cách bán hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhiều doanh nghiệp chưa thuyết phục đối với người tiêu dùng. Kinh phí đầu tư cho việc đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là kinh phí của doanh nghiệp, chưa có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nên nhiều doanh nghiệp khó khăn khó tổ chức được thường xuyên theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân như mục tiêu đề ra, thời gian tới các cấp, ngành, các địa phương cần tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp trao đổi thông tin, phát triển hệ thống phân phối và xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia có tính đến liên kết vùng, miền; liên kết giữa sản xuất và kinh doanh, phân phối; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt. Tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái… Bản thân các doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để cải thiện quan niệm và thái độ của người tiêu dùng về chất lượng, giá cả khi sử dụng hàng Việt. Người tiêu dùng nên gắn kết hài hòa lợi ích riêng và lợi ích quốc gia, dân tộc để tiêu dùng hàng Việt, tẩy chay hàng hóa ngoại nhập kém chất lượng, nhất là hàng nhập lậu, góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thị phần nội địa, tăng sức tiêu thụ hàng hóa, vượt qua khủng hoảng, khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất và giảm bớt sự lệ thuộc vào hàng ngoại nhập./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com