Trong những năm gần đây, số lượng nhãn hiệu các loại nước uống đóng chai, đóng bình tăng lên nhanh chóng. Trên thị trường kinh doanh nước uống đóng bình, bên cạnh những mặt hàng nước uống đóng bình có thương hiệu như Lavie, Aquafina, Vital… đã xuất hiện nhiều nhãn hiệu nước uống tinh khiết sản xuất tại tỉnh như Thiên Trường, Thanh Bình, OPAL… Sự xuất hiện của các loại nước uống đóng chai, đóng bình đã mang lại những tiện ích không nhỏ trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Sản xuất nước uống tinh khiết đóng bình tại Cty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định. |
Qua tìm hiểu tại Cty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định chúng tôi được biết, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình mang nhãn hiệu “Thiên Trường” của Cty đã được cấp phép hoạt động năm 2006 và được gia hạn lần 1 vào năm 2010. Trung bình mỗi ngày Cty bán ra khoảng 400-500 bình loại 21 lít, chưa kể số lượng nước đóng chai nước loại vài trăm ml của Cty tiêu thụ ở khắp các địa phương trong tỉnh. Tại Thành phố Nam Định và ở các vùng quê trong tỉnh đã và đang hình thành nhiều cơ sở sản xuất nước tinh khiết với các nhãn hiệu: Đại Dương, Aquavita, Ozon… Tuy nhiên, chỉ một số ít Cty, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, nhà xưởng, nên chất lượng nước tương đối đạt tiêu chuẩn, còn lại không ít hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ với các trang thiết bị sản xuất thủ công, nhà xưởng chật chội, chưa quy hoạch riêng biệt giữa khu sản xuất nước, khu xử lý bình và khu chiết rót… Bên cạnh các cơ sở sản xuất nước tinh khiết đã được cấp phép hoạt động, còn không ít cơ sở sản xuất “chui”, không đảm bảo ATVSTP, không đúng với các tiêu chí ghi trên nhãn chai, bình làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây ngộ độc cho người sử dụng. “Mục sở thị” tại một cơ sở sản xuất nước tinh khiết trên đường Giải Phóng (TP Nam Định). Chúng tôi nhận thấy, mặc dù quy trình sản xuất nước, máy móc trang thiết bị được đầu tư đảm bảo tiêu chuẩn quy định nhưng những chiếc bình đã qua sử dụng được thu gom để tái sử dụng không được tiệt trùng theo quy định. Với một chậu nước pha xà phòng ngầu bọt đã chuyển sang màu đen được dùng để vệ sinh hàng vài chục chiếc bình nước đã qua sử dụng thì khó có thể bảo đảm VSATTP. Còn tại một cơ sở sản xuất nước tinh khiết nằm trên địa bàn xã Nam Hùng (Nam Trực), điều kiện nhà xưởng sản xuất khá rộng rãi, sạch sẽ; các bình nước, chai nước chưa chiết xuất nước được sắp xếp khá ngăn nắp, gọn gàng. Theo người quản lý cơ sở sản xuất, sản phẩm của cơ sở bán cho các đại lý có giá 7.000 đồng/bình (loại bình 20 lít), sau khi cộng các chi phí, đại lý có thể bán từ trên 10.000 đồng/bình. Đồng thời, người phụ trách cơ sở cũng khẳng định, chất lượng nước được đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên khi hỏi về quá trình tự giám sát chất lượng nước định kỳ và kiểm nghiệm nguồn nước để sản xuất như thế nào thì chỉ có cơ sở mới biết (?).
Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở sản xuất nước uống đóng bình nhưng chỉ có 74 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Để xác định nước có nhiễm bẩn hay không phải dựa trên kết quả kiểm định các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh và độc chất - kim loại nặng. Nếu trong nước có các chất nêu trên vượt mức cho phép sẽ nguy hại đến sức khỏe người dùng. Như các loại nước giếng khoan nếu không xử lý kỹ sẽ không loại bỏ được vi khuẩn E.Coli gây tiêu chảy, viêm đường ruột… Những kim loại nặng như chì, thủy ngân rất độc hại, khi sử dụng lâu ngày sẽ tích lũy trong cơ thể, các chất này có khả năng gây bệnh ung thư… Trong tháng 7-2014, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 27 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình ở Thành phố Nam Định và các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Nghĩa Hưng. Trong tổng số 27 cơ sở được kiểm tra, có 11 cơ sở vi phạm. Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử lý phạt 8,5 triệu đồng đối với 8 cơ sở. Các lỗi vi phạm chủ yếu mà các cơ sở mắc phải như: điều kiện cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được các quy định về ATVSTP, quy trình sản xuất chưa tuân thủ theo quy trình 1 chiều, quá trình chiết xuất nước chưa đạt yêu cầu, quá trình rửa chai, bình chưa đảm bảo ATVSTP; người tham gia vào quy trình sản xuất nước tinh khiết chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ, chưa được tham gia các lớp tập huấn các kiến thức về ATVSTP, chưa mang bảo hộ lao động khi làm việc…
Trong khi chờ các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý đối với các cơ sở sản xuất nước đóng bình không đảm bảo tiêu chuẩn thì các mặt hàng này vẫn đang hằng ngày, hằng giờ trà trộn vào thị trường bằng nhiều cách, gây thiệt hại cả về sức khỏe, kinh tế cho người dùng. Trước thực trạng nước uống đóng bình còn nhiều vấn đề chưa đảm bảo ATVSTP như hiện nay, người tiêu dùng nên tìm đến những thương hiệu sản xuất có uy tín, nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm để đảm bảo về chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân./.
Bài và ảnh: Minh Thuận