Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong quản lý về an toàn thực phẩm

08:08, 05/08/2014

Thực hiện Luật ATTP, thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn, có giấy phép kinh doanh được các cơ quan quản lý chặt chẽ, kiểm tra định kỳ. Bản thân các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng hiểu rõ, chủ động tuân thủ các quy định về ATTP. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế do sự chồng chéo trong quản lý và sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa ba ngành (Y tế, Công thương, NN và PTNT) trong công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; thậm chí trong cùng một ngành vẫn chưa có sự phân cấp rõ ràng theo từng tuyến về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn… Và khó nhất trong quản lý ATTP ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, trong khi những cơ sở này lại cung ứng khoảng 70% lượng thực phẩm trên thị trường, nhưng trên thực tế, công tác quản lý lĩnh vực này đang bị buông lỏng.

Từ những bất cập, hạn chế trên, ngày 29-4-2014, liên Bộ NN và PTNT, Công thương, Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 13 hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về ATTP. Theo đó, việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực ATTP đảm bảo nguyên tắc 1 sản phẩm, 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của 1 cơ quan Nhà nước. Trường hợp cơ sở sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên, trong đó có sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý. Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN và PTNT và Bộ Công thương thì Bộ NN và PTNT chịu trách nhiệm quản lý. Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên (bao gồm cả chợ và siêu thị) thì Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý, trừ chợ đầu mối. Đối với hoạt động đấu giá nông sản do Bộ NN và PTNT quản lý. Cũng theo Thông tư, Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm, trừ những loại dụng cụ, vật liệu bao gói chuyên dụng gắn liền và chỉ được sử dụng cho các sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN và PTNT và Bộ Công thương. Đồng thời, chủ động chủ trì tổ chức, thực hiện việc thanh tra, kiểm tra ATTP theo phạm vi quản lý được phân công quy định tại Luật ATTP, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25-4-2012. Các bộ liên quan có trách nhiệm tham gia phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra ATTP theo đề nghị của cơ quan chủ trì thực hiện hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh kiểm tra công tác ATTP tại Nhà hàng Yến Nhị, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh kiểm tra công tác ATTP tại Nhà hàng Yến Nhị, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).

Thực hiện Thông tư liên tịch số 13, Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể của trường học, doanh nghiệp. Các ngành liên quan đã phối hợp với ngành GD và ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện các hoạt động đảm bảo ATVSTP và phòng, chống dịch bệnh liên quan đến thực phẩm. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền các kiến thức về ATTP cho ban giám hiệu các nhà trường, cán bộ phụ trách ATTP, nhân viên nhà bếp. Phối hợp thanh tra ATTP và thống nhất phối hợp giữa 2 ngành GD và ĐT và Y tế để chỉ đạo các trường học khắc phục tồn tại trong công tác bảo đảm ATTP, sắp xếp, bố trí, kiện toàn, đầu tư nâng cấp một số bếp ăn tập thể. Kiến nghị với địa phương cung cấp nguồn nước sạch, hỗ trợ việc đầu tư phương tiện, dụng cụ chế biến thực phẩm, cải tạo nhà bếp, đầu tư thiết bị bảo quản thực phẩm, lưu mẫu thực phẩm. Tổ chức cho các nhà trường ký cam kết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm (NĐTP) bếp ăn tập thể. Đối với bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp trong các KCN, phối hợp liên ngành để kiểm tra danh sách các đơn vị, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể để triển khai công tác quản lý; tham mưu với tỉnh chỉ đạo Ban quản lý các KCN tỉnh tăng cường phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống NĐTP. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, phối hợp Ban quản lý KCN, ban chấp hành công đoàn các nhà máy, xí nghiệp, Cty đề xuất, kiến nghị đối với một số bếp ăn tập thể có mức ăn thấp để tăng khẩu phần ăn của công nhân đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo VSATTP cho công nhân. Các ngành hữu quan đã phối hợp tập trung tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP; rà soát các văn bản còn hiệu lực đang triển khai để tuyên truyền, phổ biến trong quá trình thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP trong thời gian gần đây, góp phần kiểm soát hiệu quả việc đảm bảo ATTP. Sự phối hợp chặt chẽ của các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý NĐTP, hậu kiểm sau khi xác nhận công bố chất lượng sản phẩm. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý NĐTP, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý NĐTP được tiến hành một cách nghiêm túc, đồng bộ, phát hiện nhiều sai phạm và có biện pháp xử lý kịp thời. 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 7.426 cơ sở/10.453 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, phát hiện 2.144 cơ sở vi phạm, chiếm 28,9% so với số cơ sở được thanh tra, kiểm tra. 36 cơ sở đã bị xử phạt với số tiền gần 75 triệu đồng. Đồng thời với việc xử phạt bằng tiền, các cơ sở vi phạm còn bị đóng cửa, bị thu hồi và tiêu hủy những sản phẩm không đảm bảo VSATTP. Trong công tác phòng, chống và xử lý NĐTP, đã chủ động giám sát định kỳ mối nguy ô nhiễm thực phẩm, giám sát các mẫu thực phẩm có nguy cơ cao, từ đó có biện pháp cụ thể để phòng ngừa NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. Thực hiện công tác giám sát ô nhiễm thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng số mẫu xét nghiệm hóa lý là 35 mẫu, tổng số mẫu xét nghiệm vi sinh là 61 mẫu, trong đó 6 mẫu không đạt, tổng số mẫu xét nghiệm nhanh là 1.016 mẫu, trong đó 117 mẫu không đạt. Công tác điều tra, xử lý NĐTP được tiến hành nhanh chóng, kịp thời khi có NĐTP xảy ra. Điển hình qua 2 vụ NĐTP thời gian gần đây: vụ NĐTP sữa Cô gái Hà Lan tại Trường Tiểu học Mỹ Tân (Mỹ Lộc) và vụ ngộ độc rượu dừa tại huyện Ý Yên, các ngành chức năng đã tích cực phối hợp trong điều tra nguyên nhân ngộ độc, xử lý cơ sở kinh doanh, kiểm tra, cảnh báo sản phẩm đó để ngăn chặn các vụ ngộ độc tương tự… Công tác hậu kiểm sau khi xác nhận công bố chất lượng sản phẩm được giao cho ngành Y tế kiểm tra về các điều kiện như: tiêu chuẩn công bố, nhãn mác, chỉ tiêu chất lượng, sử dụng nguyên liệu, phụ gia, sử dụng nguồn nước, công tác tự kiểm tra đánh giá…, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành chức năng để tập trung hậu kiểm các mặt hàng như muối trộn Iốt, bột canh trộn Iốt, nước mắm, thủy hải sản…

Ngoài ra, các ngành Y tế, NN và PTNT, Công thương cũng phối hợp chia sẻ thông tin trong công tác quản lý thuộc lĩnh vực của ngành mình để giúp cho công tác quản lý ATVSTP được đầy đủ, khách quan. Ngành NN và PTNT đã phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vật tư hàng hóa nông nghiệp, ATVSTP nông, lâm, thủy sản cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất như nông dân, ngư dân, chủ trang trại, cơ sở chế biến... Ngành Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc lưu thông các mặt hàng thực phẩm trên thị trường, nhất là thực phẩm tươi sống, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm VSATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng. Phối hợp trong công tác đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ về công tác thanh tra, xét nghiệm nhanh, lấy mẫu, xử lý NĐTP…  

Để công tác phối hợp liên ngành trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức, ký cam kết thực hiện đúng quy định về đảm bảo ATTP với chủ cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, ngoài hoạt động phối hợp giữa các ngành trong kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, cần tăng cường hoạt động trao đổi thông tin, công khai thông tin về các cơ sở vi phạm, tuyên dương các cơ sở làm tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com