Thành phố Đà Nẵng có địa thế đẹp của một đô thị có “Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi”; có sông Hàn thơ mộng, có bãi biển đẹp trải dài, có Sơn Trà, có Ngũ Hành Sơn… Bên cạnh những cái đẹp của “hình sông, dáng núi” do tạo hóa ban tặng, Thành phố Đà Nẵng còn nhiều vẻ đẹp với những con đường, dãy phố, cây cầu, hàng cây và những công trình hiện đại đang mọc lên từng ngày. Khách phương xa đến với Đà Nẵng, được tiếp xúc với nếp sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây sẽ có những ấn tượng và tình cảm sâu đậm về một thành phố năng động, “Thành phố đáng sống”.
Thân thiện, xanh, sạch, đẹp
Những ngày cuối tháng 7, trong chuyến công tác tại Đà Nẵng, chúng tôi cảm nhận nhịp sống mạnh mẽ, tràn trề sinh lực của thành phố trẻ trên con đường đổi mới, hội nhập. Nhà báo Đỗ Anh Văn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, là người con Nam Định nhiều năm công tác và sinh sống tại Đà Nẵng, chia sẻ: Người dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây thường bị gán cho cái danh “ăn cục, nói hòn”, ý chỉ về sự chất phác, trung thực, không biết nói năng hoa mỹ. Ngày nay, với sự phát triển năng động cùng với sự giao lưu, giao thoa văn hóa với cả thế giới, Đà Nẵng đã dần hình thành những tư duy văn hóa mới cũng như những phong cách giao tiếp cởi mở, thân thiện, tạo dấu ấn đẹp trong lòng bạn bè và du khách. Trước thành phố chỉ có 3 quận, gọi tên bằng số thứ tự 1, 2 và 3. Ngày nay Đà Nẵng có 6 quận với các tên gọi: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa… Nói đến Đà Nẵng, người dân nơi đây tự hào là công dân của “Thành phố 5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có giết người cướp của) và “Thành phố 3 có” (có nhà ở, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị và có việc làm). Người Đà Nẵng thân thiện, hiếu khách.
Thành phố Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: Việt Thắng |
Nói chuyện về “Thành phố đáng sống” với nhà báo Đỗ Anh Văn, chúng tôi càng thấu tỏ khi VTV1 trong một bản tin "Chào buổi sáng", đã nêu lên một “hiện tượng lạ” của Đà Nẵng. Đó là việc các anh cảnh sát giao thông ứng xử với những lái xe từ tỉnh khác khi vi phạm pháp luật giao thông, lỡ đi vào đường một chiều hay lái xe ô tô qua cầu vào giờ cấm. Thay vì nghiêm khắc xử phạt như tại một số nơi khác thì cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở bởi như lời giải thích rất “thấu tình đạt lý”: “Người ta ở tỉnh khác đến, không quen đường, lỡ vô tình vi phạm, mình chỉ nên nhắc nhở họ để lần sau họ đừng làm vậy nữa”, rồi hướng dẫn, chỉ cho họ đi đúng đường. Những hôm lưu lại tại Đà Nẵng, khi tham quan các danh thắng và các phố phường trong thành phố, vì chưa thuộc đường, thỉnh thoảng chúng tôi phải dừng lại hỏi, dù là người bán hàng, các em học sinh hay cụ già... ai cũng tận tình chỉ giúp. Có lần, đang loay hoay tìm đường theo chỉ dẫn thì thật bất ngờ và cảm động khi bác Thanh, 65 tuổi, là chủ cửa hàng tạp hoá trên đường Nguyễn Văn Linh - người mà chúng tôi hỏi đường, đã lấy xe bắt kịp chúng tôi, tận tình dẫn đường về tận nơi lưu trú với thái độ vui vẻ, thân thiện. Ở Đà Nẵng, khi du khách gặp chuyện không may luôn có người sẵn lòng giúp đỡ. Mỗi công dân Đà Nẵng luôn ý thức được mình là chủ thể để thực hiện có hiệu quả những tiêu chí văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong giao tiếp hằng ngày. Nhiều người dân nếu gặp cảnh du khách bị chèo kéo, "chặt chém” đều gọi đến đường dây nóng đề nghị xử lý vì "không muốn làm xấu mặt thành phố". Chính vì vậy, trên các tuyến phố, công viên tại Đà Nẵng, không có cảnh bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, hành khất, chèo kéo khách du lịch. Được biết, từ năm 2005, Thành phố Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” trên địa bàn; các cơ quan, ban, ngành cũng tập trung quyết liệt dẹp tệ nạn này, trả lại môi trường du lịch trong lành cho du khách. Đồng thời, các chương trình an sinh xã hội, các chính sách quan tâm đến đời sống người dân được cụ thể hóa. Năm 2013, thành phố đặt mục tiêu giảm 5.250 hộ nghèo trên tổng số hơn 22 nghìn hộ. Những hộ nghèo, có mức thu nhập thấp hơn trung bình của thành phố, lần lượt đưa vào diện “hộ đặc biệt nghèo” để có chính sách phù hợp (hỗ trợ vốn, trợ cấp sửa nhà…), tập trung các nguồn lực nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững. Những cách hành xử rất đời thường của người dân đã tô đậm nét nhân văn của thành phố, đọng lại những ấn tượng khó phai trong tình cảm của những du khách dù chỉ một lần đến nơi đây.
Khởi sắc ngành kinh tế “mũi nhọn”
Từ năm 1997 đến nay, Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, ngành Du lịch thành phố phát triển vượt bậc với sự tăng trưởng không ngừng về lượng du khách, doanh thu và thị trường. Theo báo cáo của ngành Du lịch Đà Nẵng: Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng nhanh và ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm (2004-2013) là 19%; trong đó, khách quốc tế 13%, khách nội địa 21%. Tốc độ tăng trưởng thu nhập xã hội từ du lịch trong 10 năm qua là 24%. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch năm 2004 là 814 tỷ đồng, năm 2013, mức thu này đạt khoảng 6.500 tỷ đồng. Hoạt động lữ hành trong 10 năm qua cũng chuyển biến tích cực. Thành phố hiện có 134 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành (trong đó 81 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế). Trong 6 tháng đầu năm 2014, Đà Nẵng là một trong những điểm du lịch giữ tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch ổn định với lượng khách tăng 26% so với cùng kỳ năm 2013; tổng doanh thu du lịch gần 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so cùng kỳ năm 2013. Đà Nẵng phấn đấu năm 2014 sẽ đón 3,6 triệu lượt khách, tăng 15% so với năm 2013, tổng doanh thu du lịch ước đạt 8.820 tỷ đồng. Đà Nẵng cũng không ngừng kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh và tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 60 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư 5.786,8 triệu USD. Đã có 14 dự án ven biển chất lượng cao hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Khu Intercontinental DaNang Penisula Resort, Fusion Maia Resort, khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ… và nhiều khách sạn lớn tại trung tâm Đà Nẵng như: Novotel, Mercure, Riverside... Bên cạnh đó, 14 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng (trong đó có 3 đường bay trực tiếp thường kỳ, 11 đường bay trực tiếp thuê chuyến)… đã tạo thuận lợi cho các đơn vị khai thác khách quốc tế. Ngoài ra, việc phát triển các khu vui chơi, giải trí cao cấp (khu du lịch Bà Nà Hills, khu giải trí quốc tế Crowne Plaza, sân golf Hòa Hải...); các tour tuyến mới như tour liên kết 3 địa phương 1 điểm đến: Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế; trong đó tour “Con đường di sản miền Trung” được khai thác hiệu quả và trở thành thương hiệu của khu vực nói chung, của Đà Nẵng nói riêng. Các sản phẩm du lịch đặc thù, nhất là việc tổ chức thành công những sự kiện đặc sắc như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè… cũng thực sự hấp dẫn và thu hút du khách, tạo nên tiếng vang lớn và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng lần thứ XX đã xác định: “Đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố”; xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn và là một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ lớn của cả nước. Việc phát triển du lịch Đà Nẵng trong những năm tới gắn với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội thành phố và quy hoạch tổng thể du lịch cả nước, liên kết chặt chẽ với du lịch miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, phát triển theo 3 hướng chính: Du lịch biển, nghỉ dưỡng và sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề và du lịch công vụ mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE). Đồng thời, tập trung đẩy mạnh chiến dịch quảng bá, tuyên truyền xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện; xây dựng chiến lược và có kế hoạch khai thác tốt thị trường khách nước ngoài qua tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây; khai thác lợi thế đô thị loại 1 và là trung tâm vùng trọng điểm kinh tế miền Trung - Tây Nguyên để xúc tiến thị trường khách du lịch nội địa, khách du lịch MICE...
Vị thế trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên
Trong hơn 10 năm qua, Thành phố Đà Nẵng duy trì nhịp độ tăng trưởng cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng (tăng trưởng dịch vụ nhanh, rút ngắn quy mô phát triển nông nghiệp); chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị; nâng cao đời sống nhân dân; quan tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong 3 năm qua, thành phố duy trì mức tăng trưởng 10,5%/năm. Năm 2013, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng GDP của Đà Nẵng vẫn đạt 8,1%, là năm đầu tiên vượt ngưỡng đón 3 triệu lượt du khách (thực tế 3,2 triệu lượt), xuất khẩu trên 1 tỷ USD, sản lượng hàng hóa qua cảng vượt ngưỡng 5 triệu tấn, thu ngân sách vượt chỉ tiêu Trung ương giao, thu nhập bình quân đầu người 56,6 triệu đồng (gấp 5 lần năm 2003). Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 6 KCN tập trung bao gồm: Hòa Khánh, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với tổng quy mô 1.055,13ha (diện tích đất có thể cho thuê 748,95ha). Ngoài ra, KCN Công nghệ cao đang đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt 83,74%. Đây là con số khá cao so với cả nước. Các KCN đã thu hút 396 dự án, trong đó có 306 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 12.276 tỷ đồng và 90 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 937,284 triệu USD, thu hút trên 69 nghìn lao động.
Để tạo bước phát triển, Đà Nẵng xác định phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông là hướng đột phá để tạo điều kiện phát triển kinh tế, do vậy thành phố đã có kết cấu hạ tầng đô thị khá đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, Đà Nẵng có những cơ chế, quyết sách thu hút người tài đến làm việc. Trong 15 năm qua thành phố đã thu hút trên 1.000 cán bộ đại học, sau đại học về công tác. Hiện 97% dân cư thành phố sống ở đô thị. Trong quá trình phát triển đô thị, thành phố có tới hơn 100 nghìn hộ dân thuộc diện phải di dời, giải tỏa, song người dân rất đồng thuận với quyết tâm xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội, đô thị lớn của miền Trung - Tây Nguyên. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Đà Nẵng giữ được tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2013. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn ước đạt 20.193 tỷ đồng, tăng 9,13%; trong đó lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 39.266 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 543,5 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng khá, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 10,53% so với cùng kỳ. Bên cạnh các chỉ tiêu chủ yếu nêu trên, Đà Nẵng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các công trình trọng điểm và chương trình xây dựng NTM. Công tác quản lý trật tự đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, GD và ĐT, khoa học công nghệ, y tế, thể thao được quan tâm đầu tư. Các chính sách an sinh xã hội, xây dựng thành phố “5 không, 3 có”, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo tiếp tục được tăng cường. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đạt nhiều kết quả mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Với vai trò là thành phố động lực trọng điểm của miền Trung - Tây Nguyên và việc hướng tới một đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng quyết tâm phát triển thành phố bền vững, hướng tới là 1 trong 4 trung tâm lớn của cả nước, để Đà Nẵng mãi xứng danh là Thành phố Anh hùng./.
Việt Thắng và Xuân Thu