Vì sao nhiều người chưa "mặn mà" với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện?

08:07, 02/07/2014

Chính sách BHXH tự nguyện được triển khai thực hiện từ năm 2008 theo quy định của Luật BHXH mở ra cơ hội cho tất cả người lao động được hưởng lương hưu, góp phần đảm bảo cuộc sống khi đã hết tuổi lao động, nhất là bộ phận người dân có thu nhập thấp (lao động tự do, nông dân, thợ thủ công). Mặc dù, chính sách BHXH tự nguyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội nhưng từ khi được triển khai đến nay, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tại tỉnh ta còn thấp.

Người lao động tự do vẫn chưa mặn mà với việc tham gia BHXH tự nguyện.
Người lao động tự do vẫn chưa mặn mà với việc tham gia BHXH tự nguyện.

Luật BHXH quy định người tham gia BHXH tự nguyện được tự lựa chọn phương thức và mức đóng phù hợp với mức thu nhập. Trong trường hợp rủi ro, bị giảm thu nhập thì người tham gia có thể tạm ngừng đóng và được bảo lưu thời gian đóng để làm cơ sở cộng nối thời gian đóng sau đó. Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện khi hưởng lương hưu còn được hưởng BHYT do quỹ BHXH tự nguyện đảm bảo. Bên cạnh đó, các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ yên tâm hơn vì khi đã đóng đủ bảo hiểm theo thời gian quy định của Luật BHXH sau này cũng sẽ được hưởng lương hưu như cán bộ, CNVC Nhà nước, để đảm bảo cuộc sống khi đã hết tuổi lao động. Quy định của BHXH tự nguyện cũng có lợi cho các đối tượng là cán bộ dân số - KHHGĐ, cán bộ thôn… có thời gian đóng BHXH bắt buộc nhưng lúc nghỉ công tác thường chỉ được hưởng chế độ một lần… Đối với người lao động tự do, việc được hưởng lương hưu là mong muốn của mọi người song trên thực tế chưa có nhiều người tham gia loại hình này. Nguyên nhân trước hết là do công tác tuyên truyền để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù, thời gian qua BHXH tỉnh đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, tổ chức đối thoại chính sách để trực tiếp giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân về việc tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT tự nguyện song phạm vi và đối tượng tuyên truyền còn hạn chế. Điều đó dẫn đến nhiều người chưa hiểu về quy trình, thủ tục đăng ký tham gia, chưa hiểu hết được những lợi ích được thụ hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Anh Đỗ Văn Khánh là người buôn bán ở Chợ Rồng (TP Nam Định) cho biết: “Hiện nay thu nhập hằng tháng của tôi có thể đáp ứng được việc đóng BHXH tự nguyện nhưng do công việc bận rộn, lại không hiểu hết quyền lợi và thủ tục khi tham gia BHXH tự nguyện, nên tôi vẫn chưa tham gia”. Không chỉ hạn chế trong công tác tuyên truyền mà chính sách về mức đóng BHXH tự nguyện cũng chưa khuyến khích được người lao động tham gia. Trong khi điều kiện kinh tế, thu nhập hằng tháng của đa số người lao động, đặc biệt ở khu vực nông thôn và người lao động tự do còn thấp và bấp bênh thì mức đóng ở thời điểm hiện nay (tối thiểu là 253 nghìn đồng/tháng) vẫn được xem là khá cao; họ khó có khả năng theo suốt 20 năm tham gia với mức đóng tăng dần. Ngoài ra, một số quy định của chính sách cũng chưa thực sự hấp dẫn: ngoài việc được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất khi có đủ điều kiện theo quy định thì người tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng các chế độ khác như ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, thai sản so với người tham gia BHXH bắt buộc. Chị Nguyễn Việt Hà, một tiểu thương ở chợ Liễu Đề (Nghĩa Hưng) cho biết: “Để có lương hưu, mỗi tháng người buôn bán nhỏ như tôi dành ra một khoản khoảng 250 nghìn đồng đóng BHXH tự nguyện, coi như khoản tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia không được hưởng các quyền lợi khác mà người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng”. Do đó đến ngày 31-5-2014, toàn tỉnh mới có 2.896 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 5,1 tỷ đồng. Số người hưởng lương hưu hằng tháng là 83 người với số tiền 653 triệu đồng; chi 1 lần tự nguyện cho 8 người với số tiền 65 triệu đồng.

Để tạo thuận lợi hơn cho người tham gia BHXH tự nguyện, Nhà nước cần có thêm quy định về chính sách hỗ trợ dành cho nhóm người tham gia BHXH tự nguyện, trong một số trường hợp như lao động nông thôn, người thuộc diện hộ nghèo… Ngoài ra, BHXH tỉnh cần phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện để người dân hiểu rõ hơn và tích cực tham gia./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com