Theo Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 25-5-2014 của Bộ Tài chính về các biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, từ ngày 1-6 có 25 sản phẩm sữa thuộc 5 doanh nghiệp có thị phần sữa lớn trên thị trường gồm: Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Cty TNHH Frieslandcampina Việt Nam, Cty TNHH Nestle Việt Nam, Cty Mead Johnson Việt Nam và Cty TNHH Dinh dưỡng 3A phải thực hiện việc áp trần giá sữa với những sản phẩm như: Dielac Anpha, Enfamil, Enfagrow A+, Similac, Lactogen, Friso Gold, Frisolac Gold… Quyết định có hiệu lực sau ngày 10-6 đối với sản phẩm bán buôn và sau ngày 20-6 đối với bán lẻ.
Lực lượng QLTT kiểm tra việc thực hiện áp trần giá sữa cho trẻ em tại các cơ sở bán lẻ. |
Những ngày đầu tháng 6, các nhà phân phối, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi trong tỉnh bắt đầu điều chỉnh giảm giá đối với nhiều sản phẩm sữa so với giá cũ từ 10-50 nghìn đồng/hộp sữa loại 900g đối với sữa nội và từ 50-100 nghìn đồng/hộp sữa nhập khẩu. Cụ thể: nhãn hàng sữa Abbott gồm: Abbott Grow số 3 loại 900g điều chỉnh giá mới giảm 41.800 đồng; Similac GainPlus IQ 900g giảm 84.700 đồng; Grow G-Power vanilla 1,7kg giảm 107.500 đồng; Similac GainPlus IQ 1,7kg giảm 143.700 đồng… Giá bán lẻ 5 loại sữa của Friso như: Frisolac Gold số 1 loại 400g giảm 31 nghìn đồng so với giá cũ; Frisolac Gold số 1 loại 900g giảm 57 nghìn đồng; Frisolac Gold số 2 loại 900g giảm 58 nghìn đồng; Friso Gold số 3 loại 900g giảm 49 nghìn đồng; Friso Gold số 3 loại 1,5kg giảm 73 nghìn đồng; các sản phẩm sữa của hãng Nestle, Mead Johnson giảm từ 40 nghìn đến gần 200 nghìn đồng/hộp loại 900g… Các ngành chức năng của tỉnh như Tài chính, Công thương đã chủ động phổ biến quy định tới các đại lý phân phối và bán lẻ sữa trẻ em trên địa bàn tỉnh, đồng thời có phương án giám sát việc thực hiện áp trần giá sữa của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Lực lượng quản lý thị trường đã yêu cầu các đơn vị, cá nhân kinh doanh sữa trên địa bàn phải công khai mức giá mà nhà cung cấp đưa ra và niêm yết giá trên từng sản phẩm để người tiêu dùng có thể so sánh, đối chiếu với quy định. Đồng thời yêu cầu các cửa hàng kinh doanh sữa bày riêng sản phẩm và trưng biển sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi để người tiêu dùng không nhầm lẫn khi mua hàng và thuận tiện cho việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Qua theo dõi trên thị trường của tỉnh, hầu hết các cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn đều thực hiện nghiêm túc việc áp trần giá và bán hàng theo giá quy định của nhà sản xuất. Do đó, giá mặt hàng sữa đã giảm mạnh ngay sau khi quyết định có hiệu lực, hầu hết các gia đình có con dưới 6 tuổi đều phấn khởi và tin tưởng vào sự điều hành thị trường của Nhà nước. Chị Trần Thị Huệ (TP Nam Định) hồ hởi cho biết: Tôi có 2 con nhỏ dưới 6 tuổi, hằng tháng, tôi phải dành trên 2 triệu đồng mua sữa cho các cháu. Việc áp dụng mức giá trần như hiện nay khiến giá sữa giảm từ 15-20% giúp tôi tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Chị Trần Lan Hương đang chọn mua sữa cho con nhỏ tại Siêu thị BigC Nam Định cũng vui vẻ cho biết: “Cháu nhà tôi dùng quen sữa bột Dielac Alpha 123HT của Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Trước đây tôi phải mua với giá trên 200 nghìn đồng/hộp, nay còn 180 nghìn đồng/hộp, giảm gần 30 nghìn đồng/hộp so với giá cũ. Như vậy với sức mua trung bình 5 hộp/tháng, gia đình tôi đã giảm được 150 nghìn đồng/tháng dành chi tiêu vào việc khác mà vẫn bảo đảm khẩu phần sữa của cháu. Chúng tôi rất vui và tin tưởng vào sự điều hành và quản lý giá sữa của Chính phủ và của tỉnh”. Việc thực hiện nghiêm túc yêu cầu giảm giá sữa đã kích cầu tiêu dùng, khiến cho lượng sữa tiêu thụ nhiều hơn. Ông Đoàn Thanh Kỳ, chủ đại lý sữa Lý Kỳ, đường Phù Nghĩa (TP Nam Định) cho biết: “Ngay sau khi áp dụng mức giá trần, khách hàng đến mua sữa cho trẻ nhỏ tại cửa hàng nhiều hơn. Hiện, những sản phẩm sữa nằm trong danh mục giảm giá bán rất chạy".
Tuy nhiên, sau vài tuần thực hiện, đến thời điểm này thị trường sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi bắt đầu có những biểu hiện “lách luật” của nhà sản xuất và lơ là chấp hành quy định niêm yết giá của các cơ sở, đại lý bán lẻ. Theo các đại lý bán lẻ cho biết một số hãng sữa có sản phẩm trong danh mục giảm giá vẫn chưa thanh toán tiền bồi hoàn phần chênh lệch khi thực hiện áp trần giá cho đại lý bán lẻ với số sữa đã nhập trước nên việc áp trần giá sữa chưa được thực hiện triệt để ở tất cả 25 dòng sản phẩm theo danh mục. Tình trạng khan hiếm sản phẩm trong danh mục giảm giá và tăng giá những sản phẩm ngoài danh mục khiến người tiêu dùng vẫn phải chi phí cao khi mua sữa; các cơ sở bán lẻ không niêm yết giá và nhập nhèm bán theo giá cũ cho những người thiếu thông tin… đã xuất hiện. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt 2 cửa hàng bán lẻ sữa trên địa bàn huyện Nam Trực về hành vi không niêm yết giá và không chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định của Bộ Tài chính về áp trần giá sữa. Các cơ quan chức năng cũng cam kết gia tăng các biện pháp kiểm soát giá, ổn định thị trường sữa trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về việc áp trần giá sữa bán buôn, bán lẻ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương