Nghiên cứu tìm ra những giải pháp tối ưu hóa sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho các đơn vị quản lý, sản xuất. Vì thế, trong quá trình triển khai nhiệm vụ công tác của ngành và các phong trào thi đua yêu nước, Sở KH và CN đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh phát động sâu rộng phong trào "Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất" trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn tỉnh và đã thu hút đông đảo cán bộ CNVCLĐ tham gia.
Năm 2013, Hội đồng sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp tỉnh nhận được 134 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất thuộc 5 lĩnh vực: Công nghiệp, GD và ĐT, Nông nghiệp, Quản lý và Tổng hợp được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Qua tuyển chọn có 74 sáng kiến có tính mới, tính sáng tạo và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, đời sống sinh hoạt được công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Trong đó, mô hình sáng tạo máy hút bụi công nghiệp trong phân xưởng dệt của tác giả Nguyễn Văn Châu, Cty CP Thúy Đạt được đánh giá cao ở cả tính mới, tính sáng tạo và hiệu quả ứng dụng vào thực tế sản xuất. Xuất phát từ đặc thù ngành dệt quá trình sản xuất phát sinh nhiều bụi bông làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động; bụi bông bám dính vào các chi tiết máy vừa hạn chế quá trình vận hành máy vừa tiềm ẩn nguy cơ gây cháy; hay bám dính vào sản phẩm làm mất thời gian vệ sinh máy và làm sạch sản phẩm trước khi xuất xưởng. Để khắc phục khó khăn này, Cty đã trang bị hệ thống máy hút bụi nhập ngoại, dùng chổi gai để vệ sinh máy, dùng vòi nén khí để thổi bụi… nhưng hiệu quả hạn chế do lượng bụi bông quá nhiều. Trăn trở với những khó khăn trong quá trình sản xuất của Cty, tác giả Nguyễn Văn Châu đã nghiên cứu và cải tiến thành công máy hút bụi công nghiệp với ưu điểm có công suất lớn gấp 10 lần máy hút bụi nhập ngoại; đồng thời thiết kế thêm hệ thống vòi hút bụi dài, đường kính lớn để hút bụi trên nền nhà ở những vị trí thoáng cũng như có thể luồn vào các khe kẽ gầm máy, chi tiết máy. Công trình đưa vào ứng dụng đạt hiệu quả cao gấp 5 lần so với máy hút bụi công nghiệp nhập ngoại mà Cty đã mua trước đó. Chi phí đầu tư cho việc chế tạo một chiếc máy hút bụi chỉ mất khoảng 86 triệu đồng, rẻ hơn so với các loại máy khác từ 3 đến 5 lần. Đồng thời rút ngắn thời gian vệ sinh nhà xưởng, máy móc mà vẫn đảm bảo hiệu quả vệ sinh công nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho công nhân của Cty. Mô hình máy hút bụi này đã được nhân rộng ra các phân xưởng sản xuất khác của Cty và các doanh nghiệp cùng ngành.
Ứng dụng mô hình máy tở sợi thô theo nguyên lý dùng quạt ly tâm của tác giả Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Nhà máy Sợi (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) vào sản xuất. |
Trong lĩnh vực công nghiệp còn có các giải pháp như: "Thay đổi biện pháp tháo dỡ nền, sàn, tạo đường thi công sửa chữa nhà làm việc 4 tầng" của tác giả Phạm Hữu Chính (Cty CP Xây lắp công nghiệp Nam Định); "Chế tạo máy tở sợi thô theo nguyên lý dùng quạt ly tâm" của tác giả Trần Ngọc Khanh (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định)... Trong lĩnh vực NN và PTNT, nhiều giải pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao được Ban tổ chức lựa chọn trao thưởng như giải pháp "Xây cầu dẫn trong âu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão Cảng cá Ninh Cơ" của tác giả Nguyễn Văn Mười (Ban quản lý Cảng cá Ninh Cơ); "Xây dựng quy trình kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình áp dụng cho ngành NN và PTNT" của tác giả Bùi Sỹ Sơn (Sở NN và PTNT); "Sáng kiến quản lý đàn gia súc, gia cầm tại xã Giao Châu, huyện Giao Thủy" của tác giả Phan Văn Khoa (Trạm Thú y huyện Giao Thủy)... Trong đó, giải pháp "Cải tiến phương pháp sản xuất tảo làm thức ăn phục vụ sản xuất và ương ngao giống nhân tạo" của nhóm tác giả Trần Công Khôi và Mai Đăng Nhân, Phòng Nuôi trồng (Sở NN và PTNT) có tính ứng dụng cao, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc chế biến thức ăn cho ngao giống. Với giải pháp này, nhóm tác giả đã cải tiến quy trình sản xuất tảo làm thức ăn cho ngao giống nhanh hơn gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại vùng nuôi, giúp tiết kiệm chi phí, giữ giống tảo gốc sau mỗi lần nhân cấy và giúp ngao giống dễ dàng thích nghi với môi trường tự nhiên khi được đưa ra nuôi thương phẩm... Theo đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu phương pháp dùng thức ăn công nghiệp của cá rô phi làm chất hữu cơ để gây tảo trong môi trường nước đã được xử lý đảm bảo kỹ thuật. Khi thấy nước trong ao có màu xanh như màu lá chuối non, tiến hành thả thêm cá rô phi vào nuôi để tận dụng quá trình sục đáy ao tìm kiếm thức ăn và phân của cá rô phi làm nguồn dinh dưỡng giúp cho tảo phát triển. Cho cá rô phi ăn bằng thức ăn công nghiệp 2 ngày một lần để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho ao sản xuất tảo. Sau khi hoàn thiện quá trình gây tảo, nguồn nước có sẵn thức ăn (tảo) từ ao được bơm vào ao ương ngao qua lưới lọc kích thước mắt 20mm để ngao giống làm quen dần với điều kiện môi trường tự nhiên trong 7 ngày, sau đó kích thước mắt lưới lọc được nâng lên thưa hơn. Đây là giai đoạn quan trọng để nâng tỷ lệ sống của con giống trước khi chuyển ra nuôi ở môi trường tự nhiên. Áp dụng giải pháp sản xuất tảo làm thức ăn cho ngao giống đã giúp tăng tỷ lệ sống của ngao lên 5-10% so với phương pháp cũ, khắc phục khó khăn trong quá trình sản xuất tảo cho ngao giống ăn, góp phần mở rộng diện tích nuôi ngao giống phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm của người dân trong tỉnh. Ngoài ra, một số giải pháp trong lĩnh vực GD và ĐT, công tác quản lý cũng được đánh giá cao như: “Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện việc đôn đốc công văn của Sở KH và CN” của tác giả Lê Đức Ngân; "Giải pháp hạn chế diện tích đất trồng lúa bỏ hoang trong sản xuất nông nghiệp ở Thành phố Nam Định" của tác giả Trần Mạnh Tiến (Phòng Kinh tế Thành phố Nam Định); "Thiết lập trang thông tin điện tử Làng nghề Hải Hậu" của tác giả Hoàng Đức Hiện, Phòng Công thương huyện Hải Hậu; "Áp dụng tính chất góc, khoảng cách giải các bài toán tọa độ trong mặt phẳng" của tác giả Nguyễn Hoàng Cương, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; "Kinh nghiệm chế tạo bàn module dạy nghề điện dân dụng trong các trường bậc THCS, THPT" của tác giả Bùi Văn Minh, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh Nam Định...
Tuy nhiên, qua quá trình đánh giá lựa chọn giải pháp sáng kiến cho thấy một số hạn chế cần được các cấp, các ngành chức năng và giới khoa học công nghệ quan tâm như: số lượng đề tài, sáng kiến tập trung nhiều ở lĩnh vực giáo dục; trong khi ở các ngành sản xuất công nghiệp, NN và PTNT… còn hạn chế; hàm lượng công nghệ trong mỗi sáng kiến chưa cao; nhiều tác giả chưa chú trọng việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp nên dễ bị xâm phạm quyền tác giả. Để khắc phục hạn chế này, thời gian tới, các cấp, các ngành liên quan cần chú trọng hơn nữa trong công tác quản lý tổ chức hoạt động sáng kiến; có cơ chế khen thưởng phù hợp với tổ chức, cá nhân được công nhận; tổ chức nhiều chương trình tôn vinh các tác giả có giải pháp hữu ích, đồng thời tạo điều kiện ứng dụng, giới thiệu các sáng kiến có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng, nhân rộng để phát triển thị trường khoa học công nghệ của tỉnh. Có biện pháp hỗ trợ tác giả sáng kiến hoàn thiện đề tài sáng tạo và xác lập quyền sở hữu công nghệp đối với các sáng kiến đủ điều kiện đăng ký độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương