Khảo nghiệm một số giống lúa thơm chất lượng cao

07:07, 15/07/2014

Tỉnh ta có truyền thống sản xuất các giống lúa thơm chất lượng cao nổi tiếng như tám xoan Hải Hậu, nếp Quần Liêu (Nghĩa Hưng), dự hương Nam Mỹ (Nam Trực)... Tuy nhiên, bộ giống lúa thơm chất lượng cao của tỉnh ta còn hạn chế về số lượng và chủng loại. Bên cạnh đó, nguy cơ thoái hóa và lẫn với các giống lúa khác đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng các giống lúa thơm chất lượng cao của tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa và đa dạng hóa sản phẩm lúa thơm chất lượng cao, Sở KH và CN đã phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai đề tài "Nghiên cứu phát triển một số giống lúa thơm năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao cho tỉnh Nam Định" nhằm nghiên cứu, tuyển chọn và phát triển một số giống lúa thơm chất lượng có giá trị kinh tế cao bổ sung vào tập đoàn cơ cấu giống hiện có của tỉnh.

Cán bộ Sở KH và CN và các cơ quan chức năng khảo nghiệm giống lúa thơm chất lượng cao tại xã Tam Thanh (Vụ Bản).
Cán bộ Sở KH và CN và các cơ quan chức năng khảo nghiệm giống lúa thơm chất lượng cao tại xã Tam Thanh (Vụ Bản).

Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông đã tiến hành nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của người dân và nhu cầu thị trường, quá đó đề xuất cấy khảo nghiệm 10 giống lúa thơm có triển vọng như: Trân châu hương, SH8, VS1, DT68, GL102, GL159, GL106, GL107, GL160, M14, HT18. Các giống lúa trên được tiến hành cấy khảo nghiệm đồng loạt ở vụ xuân, vụ mùa 2013 và vụ xuân 2014 tại cả 3 vùng canh tác đặc trưng của tỉnh là Hải Hậu, Nam Trực và Vụ Bản. Ở tất cả các ruộng cấy khảo nghiệm đều được thực hiện đồng thời 2 nhóm thí nghiệm lớn là khảo nghiệm lựa chọn giống lúa thơm có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao và thí nghiệm xác định quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp với từng điều kiện thổ nhưỡng và dùng giống BT7 đối chứng. Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông cũng hướng dẫn bà con nông dân các xã Hải Tân (Hải Hậu), Nam Mỹ (Nam Trực) và Tam Thanh (Vụ Bản) triển khai khảo nghiệm cơ bản 10 giống lúa thơm theo đúng quy phạm khảo nghiệm 10TCN 558-2002. Theo đó, các thí nghiệm được bố trí theo ô hình khối ngẫu nhiên có diện tích là 40m2/ô thí nghiệm. Mỗi ô thí nghiệm được cấy lặp đi lặp lại ít nhất 3 lần để xác định kết quả chính xác. Xung quanh khu thí nghiệm có ít nhất 3 hàng lúa bảo vệ để tránh lẫn tạp với các giống khác. Qua 3 vụ khảo nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xác định được 2 giống lúa GL159 và HT18 có khả năng cho năng suất cao (67,5 và 68 tạ/ha trong vụ xuân và 61,3-62,1 tạ/ha ở vụ mùa), cao hơn các giống đang gieo cấy tại địa phương từ 10-15%; thời gian sinh trưởng từ 135-140 ngày trong vụ xuân và từ 90-95 ngày trong vụ mùa; chất lượng gạo thương phẩm tương đương với giống BT7 và khắc phục được tình trạng nhiễm bệnh bạc lá nặng của giống lúa BT7. Trên cơ sở các giống khảo nghiệm lựa chọn, Trung tâm đã tiến hành các thí nghiệm xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh phù hợp với các giống GL159, HT18 bao gồm: xác định mật độ và số dảnh cấy; xác định thời vụ gieo cấy và một số chủng loại phân bón thích hợp cho các giống đã lựa chọn. Thí nghiệm xác định quy trình canh tác cho hai giống lúa GL159, HT18 được thực hiện theo phương pháp cấy 1 dảnh/khóm, 2 dảnh/khóm và 3 dảnh/khóm lần lượt tương ứng với mật độ cấy 30 khóm/m2, 35 khóm/m2, 40 khóm/m2. Đồng thời tiến hành thử nghiệm các loại phân bón theo 4 công thức gồm: 100% phân đơn (urê + super lân + kali); NPK super Lâm Thao (NPK-S12.5.10-14) + bổ sung phân đơn; sử dụng phân NPK Văn Điển (6-11-2) + bổ sung phân đơn; sử dụng phân nén NK + bổ sung phân đơn. Qua 2 vụ thí điểm, Trung tâm đã cơ bản xác định được quy trình kỹ thuật thâm canh hai giống lúa tuyển chọn là gieo mạ từ ngày 5 đến 10-7, cấy 2 dảnh ở mật độ 40 khóm/m2  và sử dụng công thức 4 (sử dụng phân dúi NK + bổ sung phân đơn) và công thức 2 (NPK super Lâm Thao) là phù hợp nhất với các giống lúa HT18 và GL159, bảo đảm cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất thực thu cao nhất. Với quy trình thâm canh này, giống lúa HT18 cho năng suất từ 63,1-73,6 tạ/ha, giống lúa GL159 cho năng suất từ 64,4-75,7 tạ/ha. Chủ nhiệm HTXDVNN Hải Tân Trần Hoài Anh cho biết: Qua 3 vụ cấy khảo nghiệm hai giống lúa GL159, HT18, bà con xã viên rất nhiệt tình tham gia, tuân thủ triệt để các quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn từ khâu gieo mạ, cấy, chăm tỉa, bón phân... cho cây lúa theo sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Năng suất lúa, chất lượng gạo và khả năng thích nghi với đồng đất xã Hải Tân đã được chứng minh, nên ngay sau khi hoàn thiện quy trình thâm canh, HTXDVNN Hải Tân sẽ động viên xã viên cấy giống lúa mới để tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập. Hiện tại, đơn vị nghiên cứu đang tiến hành hoàn thiện quy trình canh tác tổng hợp cho hai giống lúa GL159, HT18 mới tuyển chọn và tiến hành cấy trình diễn trên quy mô lớn để khuyến khích nhân dân áp dụng. Đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ kỹ thuật và chuyển giao các quy trình kỹ thuật cho cán bộ phụ trách nông nghiệp cùng 300 hộ nông dân của 3 huyện Hải Hậu, Nam Trực, Vụ Bản tham gia mô hình, những nhân tố tích cực, tiếp tục phổ biến kỹ thuật cho bà con xã viên các địa phương đưa nhanh giống lúa GL159, HT18 vào sản xuất đại trà.

Đây là những thành công cụ thể trong quan hệ hợp tác, liên kết giữa nhà khoa học và người nông dân để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nhằm đa dạng hóa và tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com