Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý môi trường ở cơ sở

09:07, 14/07/2014

Trao đổi về những bất cập trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước về môi trường ở địa phương, lãnh đạo Phòng TN và MT huyện Vụ Bản phản ánh: vấn đề bức thiết nhất là tình trạng thiếu cán bộ. Huyện Vụ Bản hiện có 17 xã và 1 thị trấn nhưng Phòng TN và MT huyện chỉ có một cán bộ chuyên trách công tác quản lý môi trường và phải kiêm nhiệm khá nhiều việc; trong khi đó tốc độ đô thị hóa ở nông thôn, sự phát triển sản xuất, nhất là ngành nghề CN-TTCN trên địa bàn đang diễn ra khá nhanh. Mặt khác, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý môi trường ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm đầu tư, nên khi triển khai thực hiện công tác quản lý Nhà nước về môi trường gặp nhiều khó khăn.

Hội viên Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 22, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) thu gom phế thải.
Hội viên Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 22, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) thu gom phế thải.

Đây không chỉ là tồn tại riêng ở huyện Vụ Bản, mà còn là tình trạng phổ biến ở các địa phương trong tỉnh. Qua các đợt kiểm tra tại các địa phương của Sở TN và MT cho thấy: việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về môi trường của ngành chức năng các địa phương còn nhiều tồn tại. Trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, xã trong công tác BVMT vẫn chưa rõ ràng; cán bộ phụ trách lĩnh vực này ở cơ sở thường xuyên biến động. Ở cấp huyện chỉ có từ 1 đến 2 cán bộ, cấp xã có 1 cán bộ hoặc kiêm nhiệm hoặc hợp đồng nên việc thực hiện công tác quản lý môi trường trên địa bàn theo quy định hết sức khó khăn. Ngoài ra, cán bộ chuyên trách lĩnh vực môi trường hiện nay chưa qua đào tạo chuyên ngành còn khá phổ biến, việc lựa chọn phân công nhiệm vụ chủ yếu dựa vào năng lực, thời gian công tác của cán bộ ở đơn vị, vì vậy trong quá trình hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt năng lực của đội ngũ cán bộ TN và MT cấp xã, phường, thị trấn hiện nay rất yếu; hầu hết chỉ quan tâm quản lý 2 lĩnh vực: đo đạc bản đồ và quản lý tài nguyên đất đai, còn lĩnh vực môi trường chưa được quan tâm thoả đáng. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp uỷ Đảng và chính quyền cấp xã về công tác BVMT còn hạn chế; thậm chí còn cho rằng quản lý tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường thuộc cấp vĩ mô, không phải của cấp cơ sở, từ đó thiếu quan tâm đầu tư, giám sát, buông lỏng quản lý… Các văn bản pháp luật của Nhà nước còn thiếu, chưa quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm quản lý lĩnh vực TN và MT ở cấp xã. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác quản lý TN và MT cấp xã, phường hiện nay rất thấp; các công cụ quản lý khác ở cơ sở còn thiếu; thông tin cơ sở dữ liệu chưa được cập nhật một cách hệ thống… Những tồn tại, hạn chế về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý về môi trường ở địa phương dẫn đến những hạn chế trong công tác BVMT trên toàn tỉnh. Công tác BVMT đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhưng chưa thường xuyên. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được thực hiện song vẫn chưa được thường xuyên và thiếu sự chủ động. Nhận thức về BVMT của người dân nhìn chung còn thấp. Tình trạng rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi tại các khu vực ven sông, chân bờ đê, bờ ruộng, đường quốc lộ; vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom, xử lý triệt để; việc thực hiện các nội dung trong bản cam kết BVMT còn chưa đầy đủ, có biểu hiện đối phó còn khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn. Ô nhiễm môi trường tại một số khu vực có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp tại các làng nghề và một số cơ sở sản xuất công nghiệp.

Để tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về môi trường, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý về BVMT từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Sở TN và MT đã tiếp tục rà soát hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy; tuyển dụng, luân chuyển cán bộ theo quy định. Đồng thời huy động mọi nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường; bố trí phân công cán bộ của sở phối hợp và trực tiếp hướng dẫn lực lượng cán bộ môi trường của các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đặc biệt, Sở TN và MT còn phân nhóm công việc và tổ chức quản lý, kiểm soát những bất cập trong lĩnh vực môi trường theo từng chuyên đề cụ thể. Tại cấp huyện cùng với các chương trình đào tạo, tập huấn, luân chuyển cán bộ, thông qua việc triển khai thực hiện các đề án BVMT đã chủ động xây dựng kế hoạch bố trí sử dụng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường. Để chương trình nâng cao năng lực quản lý môi trường cho đội ngũ cán bộ toàn tỉnh đạt hiệu quả thiết thực, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương phải giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền cơ sở trong việc tham gia vào công tác BVMT. Trong đó, ngành TN và MT cần có chính sách lâu dài về cán bộ môi trường theo kế hoạch tổng thể chuẩn hoá đội ngũ cán bộ TN và MT toàn tỉnh. Riêng số cán bộ hiện đang thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TN và MT phải được rà soát lại, bố trí để tham gia các chương trình đào tạo ngắn ngày về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, công tác quản lý Nhà nước về môi trường và khí tượng thuỷ văn. Trường hợp cán bộ phụ trách về lĩnh vực môi trường được bổ nhiệm theo quy định trong thời gian đảm nhiệm công việc không đáp ứng được yêu cầu phải được thay thế, bãi nhiệm. Cán bộ phụ trách môi trường cấp xã phải thường xuyên được tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý ngành; các cấp chuyên môn từ Sở TN và MT đến Phòng TN và MT cấp huyện phải có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ môi trường tuyến cơ sở ít nhất mỗi năm 1 lần./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



Công ty thu mua phế liệu Hòa Bình

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com