Củng cố hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống

08:07, 21/07/2014

Theo thống kê của Sở NN và PTNT, tính đến ngày 30-6-2014, hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) của tỉnh ta do Cty TNHH một thành viên KTCTTL quản lý, khai thác gồm có 315 cống qua đê chính, đê bối và đê dự phòng; 540 trạm bơm điện tưới tiêu, 887 máy bơm với tổng công suất 2.145.205 m3/h; 1.238 đập (cống điều tiết); 209 xi phông, cống luồn; 76 cầu máng; 2.600 cống cấp II; 265 kênh cấp I với tổng chiều dài 1.196,645km; 2.923 kênh cấp II với tổng chiều dài 3.910,357km. Hệ thống CTTL do các địa phương quản lý, khai thác có 9 cống qua đê bối và đê dự phòng; 199 trạm bơm điện tưới tiêu, 250 máy bơm với tổng công suất 239.620 m3/h; 444 đập (cống điều tiết); 1.306 cống luồn trên kênh cấp III; 70 cầu máng trên kênh cấp III; 9 kênh cấp I với tổng chiều dài 16,52km; 40 kênh cấp II với tổng chiều dài 48,385km; 40.692 cống cấp III và cống khoảnh; 33.963 kênh cấp III với tổng chiều dài 9.884km. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự nỗ lực của các địa phương, hệ thống CTTL của tỉnh đã từng bước được củng cố, nâng cấp, phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay hệ số tưới, tiêu còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Do biến động thời tiết khí tượng thủy văn, hạn hán, lũ lụt ngày càng gia tăng, mặn ngày càng xâm nhập sâu hơn làm tăng nhu cầu lấy nước thau chua, rửa mặn đồng ruộng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ đòi hỏi khắt khe hơn về thời vụ gieo trồng nên hầu hết diện tích áp dụng làm ải, các giống lúa cao sản hầu hết là loại thấp cây, khả năng chịu úng, hạn kém. Về mùa mưa, diện tích bị ngập úng từ 15-20 nghìn ha, đặc biệt nếu mưa vào thời kỳ lúa mới cấy, diện tích ngập úng lên tới trên 35 nghìn ha. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu sản xuất cần phải nâng cao hệ số tưới, tiêu của cả hệ thống CTTL bảo đảm phù hợp. Mặt khác, hệ thống CTTL của tỉnh ta đã khai thác, sử dụng nhiều năm, đến nay nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu sản xuất. Việc phát triển các khu đô thị, KCN, hạ tầng giao thông… ảnh hưởng rất nhiều tới công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất, dân sinh của nhân dân các địa phương. Tình trạng vi phạm lấn chiếm hành lang CTTL vẫn diễn ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng tới năng lực tưới, tiêu của hệ thống.

Thi công kênh cấp I tại Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).
Thi công kênh cấp I tại Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới sản xuất, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế nông nghiệp, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu hằng năm, tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và triển khai nhiều dự án nâng cấp hệ thống thủy nông. Các CTTL được đầu tư nâng cấp đã góp phần nâng cao năng lực PCLB, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã làm mới 3 cống và sửa chữa 11 cống dưới đê (cấp I); xây mới 54 cống, sửa chữa 103 cống điều tiết và cống cấp II; xây mới và sửa chữa 2.313 cống đập cấp III; kiên cố hóa 99 kênh các cấp với tổng chiều dài 54.899m; nạo vét 45 cửa cống, 56 bể hút, 18 kênh cấp I, 308 kênh cấp II, 10.380 kênh cấp III, 5.454 kênh khoảnh và bờ vùng... Tổng khối lượng đào đắp 3.903.071m3; xây 13.287m3 gạch, đá; đúc 8.767m3 bê tông; sửa chữa, mua sắm thêm 84 máy bơm các loại, 48 máy đóng mở và thiết bị khác... với tổng kinh phí 180 tỷ 254 triệu đồng. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Mỹ Thành với nhiệm vụ vận hành hệ thống thủy nông phục vụ tưới, tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn phòng, chống úng, lụt bão và dân sinh trên địa bàn huyện Mỹ Lộc và các xã có đất nông nghiệp của Thành phố Nam Định. Hệ thống thủy nông Mỹ Thành cấp nước tưới cho 8.229ha lúa, 1.423ha cây màu và cây công nghiệp, 905ha nuôi trồng thủy sản. Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp năm 2014, ngay từ đầu năm, Cty đã tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống CTTL với tổng kinh phí 6,3 tỷ đồng. Trong đó, sửa chữa, làm mới 7 công trình xây đúc; kiên cố hóa 927m kênh tưới đoạn từ xã Mỹ Thắng đến xã Lộc Hòa; nạo vét 15 công trình kênh mương, cửa cống; sửa chữa và bảo dưỡng 9 trạm bơm, 10 máy bơm; xử lý đột xuất 11 công trình; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà trạm bơm Lê Xá, nhà trạm bơm Nhát, nhà trạm bơm Cầu Vu tại các xã Mỹ Tân, Mỹ Thành và Mỹ Hà. Bên cạnh đó, Cty đã thực hiện giao khoán cho từng tổ, cụm sản xuất thực hiện giải tỏa vật cản, khơi thông dòng chảy. Vì vậy, các tuyến kênh trọng điểm đảm bảo tiêu úng trong mùa mưa bão và tạo nguồn nước tưới như tuyến kênh T3, T5, Tiên Hương luôn được duy trì thông thoáng. Ở huyện Nghĩa Hưng, các xã, thị trấn, HTX đã tập trung nạo vét kênh cấp III, đắp bờ vùng, xây mới và sửa chữa cống cấp III, đặt cống bi. Hệ thống CTTL do Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng quản lý và khai thác được tập trung đầu tư tu bổ bằng kinh phí cấp bù thủy lợi phí và các nguồn kinh phí khác do Nhà nước đầu tư. Toàn huyện đã nạo vét 230.900m3 kênh cấp I, II; 157.874m3 kênh cấp III và bờ vùng với tổng kinh phí trên 22,69 tỷ đồng. Sửa chữa 6 cống dưới đê; xây mới 9 cống cấp II; sửa chữa 24 cống, đập cấp II; xây mới 6 trạm bơm; xây lát 3.413m kênh. Xây 12 cầu bán kiên cố; xây mới và sửa chữa 261 cống cấp III; lắp đặt 2.295 cống bi. Để chủ động trong công tác PCLB, Cty TNHH một thành viên KTCTTL huyện đã tiến hành kiểm tra toàn bộ các công trình từ đầu mối đến nội đồng để đánh giá chất lượng, phát hiện những hư hỏng, đề xuất biện pháp khắc phục và tập trung ưu tiên sửa các công trình đầu mối. Đồng thời xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm các cống xung yếu như: Cốc Thành, Chi Phú, Phú Giáo, Quần Khu, Thanh Hương; tổ chức cạo hà, sơn lại toàn bộ hệ thống công trình; tiến hành bảo dưỡng và kiểm tra máy móc, động cơ và các bộ phận của trạm bơm đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất và PCLB.

Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo ngành NN và PTNT tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung và nâng cao khả năng tưới, tiêu của các CTTL, bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Tính toán lại hệ số tưới, tiêu cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Kiên cố hóa, cải tạo tu bổ, sửa chữa máy móc thiết bị và nạo vét khơi thông hệ thống kênh mương do các Cty TNHH một thành viên KTCTTL Mỹ Thành, Vụ Bản, Ý Yên quản lý, nâng cao hiệu suất các công trình, giải quyết vấn đề tưới cho vùng bắc Nam Định. Đối với các hệ thống thủy lợi Nghĩa Hưng, Nam Ninh, Xuân Thủy, Hải Hậu tiếp tục nạo vét, kiên cố hóa hệ thống kênh mương nhằm giảm tổn thất nước. Cải tạo sửa chữa, nâng cấp, xây mới một số công trình đầu mối và công trình nội đồng đảm bảo đạt được hệ số tưới tiêu theo thiết kế. Bổ sung một số trạm bơm tưới, tiêu cho các vùng cao cục bộ. Ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy vào mùa kiệt do mực nước sông hạ thấp, mặn thường lấn sâu vào đất liền gây khó khăn cho công tác lấy nước tưới phục vụ sản xuất nên cần tăng khả năng lấy nước của công trình đầu mối, giảm thời gian cần lấy, tranh thủ đầu nước cao, chất lượng tốt để lấy nước phục vụ sản xuất, đảm bảo ngả ải đúng lịch thời vụ theo quy trình thâm canh. Hiện nay, việc sử dụng các giống cây trồng ngắn ngày, với kỹ thuật canh tác cao hơn, đòi hỏi thời gian cấp và thoát nước ngắn hơn, do đó cần có quy hoạch thủy lợi hợp lý, khoa học. Trước tình hình mực nước sông ngày càng cạn kiệt, các cấp, ngành, các địa phương cần tiếp tục tập trung xây mới, sửa chữa, nâng cấp các CTTL để nâng cao năng lực tưới, tiêu của hệ thống, tăng khả năng tiêu thoát nước, tạo nguồn phù sa cân bằng, chống sạt lở, cung cấp nước ngọt cho vùng phía nam tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com