Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 101 bến khách ngang sông với 107 phương tiện chở khách, lưu lượng người và phương tiện qua lại ở các bến vượt sông này khá đông, vì vậy việc bảo đảm trật tự ATGT nhất là trong mùa mưa, bão luôn được các cấp, ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) đã tập trung phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, trật tự xã hội trong hoạt động vận chuyển khách trên sông; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa tai nạn và xử lý các tình huống xảy ra khi tham gia giao thông đường thủy. Để khuyến khích chủ phương tiện và người đi đò chấp hành quy định về việc mặc áo phao và trang bị các thiết bị cứu sinh, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp với ngành chức năng, các địa phương tổ chức trao tặng 50 áo phao cứu sinh cho người dân và các chủ phương tiện, góp phần bảo đảm an toàn cho khách khi tham gia giao thông đường thủy; vận động các chủ phương tiện mua 200 dụng cụ nổi cứu sinh, bảo đảm đủ số lượng thiết bị cứu sinh phát cho hành khách đi đò, phà. Trong đợt tổng kiểm soát và xử lý vi phạm về hoạt động vận tải khách trên đường thủy năm 2014, lực lượng CSGT đường thủy toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra 100% số bến và phương tiện chở khách ngang sông, xử lý hành chính 1 phương tiện vi phạm nghiêm trọng, phạt 18,7 triệu đồng. Trong đó, có 7 trường hợp sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật hết hiệu lực, 2 trường hợp đưa phương tiện vào sử dụng, khai thác không đúng công dụng, 8 trường hợp người điều khiển không có bằng cấp theo quy định; 7 trường hợp không trang bị đủ số lượng phao cứu sinh, 13 trường hợp để hành khách không mặc áo phao cứu sinh khi đi trên phà, 1 trường hợp không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị an toàn cho khách đi đò. Trong quá trình kiểm tra bến, phương tiện vận tải khách ngang sông, các lực lượng chức năng đã yêu cầu 100% chủ bến, chủ phương tiện cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, các quy định trong hoạt động vận tải khách ngang sông. Thông qua đợt kiểm tra đã vận động chủ bến, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa, các quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh, thiết bị, dụng cụ an toàn khi hoạt động qua sông và kịp thời thông tin tố giác tội phạm khi hoạt động qua sông.
Cán bộ Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) phát và hướng dẫn cách sử dụng áo phao cứu sinh cho chủ phà và người tham gia giao thông tại bến phà Thanh Đại (Trực Ninh). |
Để bảo đảm ATGT trong vận chuyển hành khách và phương tiện qua sông, nhất là trong mùa mưa bão năm 2014, các đơn vị quản lý bến phà như bến Sa Cao - Thái Hạc, bến phà Thịnh Long, cầu phao Ninh Cường đã sớm kiện toàn Ban chỉ huy PCLB và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện “4 tại chỗ” trong công tác PCLB và vận tải qua sông; chấp hành nghiêm túc các quy định trong công tác chạy phà như không chở quá tải, các phương tiện vượt sông phải được đăng kiểm, đăng ký theo quy định, người điều khiển phương tiện phải có bằng, chứng chỉ theo quy định. Hiện tại, bến phà Sa Cao - Thái Hạc có 2 phà 30 tấn, 2 ca nô 135CV, 2 phà mi ni... Để bảo đảm hoạt động an toàn, tất cả các phương tiện trên đều được kiểm tra an toàn kỹ thuật thường xuyên và được sửa chữa, bảo dưỡng theo định kỳ; 38 cán bộ, công nhân viên tham gia điều khiển phương tiện có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ theo quy định phục vụ tốt việc vận tải khách, phương tiện qua sông và PCLB. Bến đã trang bị 60 phao cứu sinh và áo phao trên các phà và ca nô của bến để phục vụ hành khách khi tham gia giao thông trên phà; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lượng dầu dự trữ và các thiết bị, dụng cụ sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống bão, lũ. Ban quản lý bến chủ động xây dựng phương án khi có bão với gió từ cấp 7 trở lên sẽ dừng hoạt động và sơ tán các phương tiện vào trong âu cất giữ. Tại bến phà Thịnh Long hiện đang sử dụng 4 phương tiện phục vụ vận tải vượt sông, gồm 2 phà mi ni, trong đó 1 phà NĐ 1942 mới đại tu với tổng kinh phí 500 triệu đồng và 1 phà tự hành mượn của Bộ GTVT. Bến phà Thịnh Long đã bố trí 11 cán bộ, công nhân viên phục vụ hành khách qua sông, bố trí đầy đủ phương tiện dự phòng phục vụ tốt việc xử lý các tình huống xảy ra trong bão, lũ; đồng thời sẽ ngừng hoạt động, đưa các phương tiện vào âu cất giữ khi bão, gió từ cấp 7 trở lên. Ban quản lý cầu phao Ninh Cường đang quản lý 2 bộ dầm ben-lây, mỗi dầm dài 18m, và 8 phao, trong đó có 5 phao tận dụng từ cầu phao Lạc Quần. Ngoài ra bến có 2 ca nô để đóng mở cầu và dùng để sơ tán phao vào âu khi có gió từ cấp 10 trở lên, cả 2 ca nô đã được sửa chữa, bảo dưỡng theo định kỳ. Trong năm 2014, đơn vị đã thay mới 10 dầm ngang dàn ben-lây phía Nghĩa Hưng và thường xuyên sửa chữa các nan mặt bị gãy, bong bật, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua cầu phao. Đơn vị đã chủ động thả 3 dây neo và có kế hoạch bổ sung thêm 3 dây neo nữa. Mọi dụng cụ, thiết bị bảo đảm xử lý các tình huống bão, lũ đã được chuẩn bị đầy đủ; đồng thời đơn vị sẽ áp dụng phương án khi có tin bão có khả năng đổ bộ vào Nam Định, huy động 100% nhân lực cất cầu, sơ tán phương tiện vào âu. Bến đã cử người gác chắn báo hiệu ở hai đầu phía Thị trấn Liễu Đề và ngã 3 Trái Ninh để đảm bảo an toàn trong mọi tình huống bão, lũ.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm ATGT tại các bến khách ngang sông, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng mô hình “Bến đò văn hóa an toàn” tại bến phà Thanh Đại (Trực Ninh) và phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động xây dựng mô hình “Bến đò văn hóa an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em” tại khu vực đò Mười, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). Phòng Cảnh sát đường thủy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Đội Thanh tra đường thủy nội địa số 4 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam), Ban đăng kiểm thủy Sở GTVT tích cực kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất các bến, phương tiện chở khách ngang sông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người lái đò, chủ đò và người đi đò, thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị chức năng cấp huyện, xã thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm như: phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm; không có trang thiết bị an toàn, người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, bến bãi hoạt động không có giấy phép, người đi đò không mặc áo phao hoặc không mang theo dụng cụ nổi cứu sinh./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý