Theo thống kê của Sở GD và ĐT, năm 2013, toàn tỉnh có 43.635 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường cao đẳng, đại học, trong đó khối A có 20.178 thí sinh, khối A1 có 2.967 thí sinh, khối B có 10.609 thí sinh, khối C có 1.336 thí sinh, khối D có 6.696 thí sinh và các khối năng khiếu có 1.849 thí sinh. Năm 2014, tình trạng thí sinh đăng ký dự thi vào các khối khoa học xã hội vẫn tiếp tục giảm. Trong tổng số 37.851 hồ sơ đăng ký dự thi, có tới 17.083 thí sinh đăng ký dự thi ở khối A, 2.961 thí sinh đăng ký khối A1, 9.255 thí sinh đăng ký khối B, khối D có 5.699 thí sinh, khối C chỉ có 1.171 thí sinh, các khối năng khiếu có 1.682 thí sinh. 5 trường đại học có lượng hồ sơ đăng ký dự thi nhiều nhất năm nay (4/5 trường thuộc tốp 5 của năm 2013) là: Công nghiệp Hà Nội, Nông nghiệp Hà Nội, Quốc gia Hà Nội, Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, Điều dưỡng Nam Định. Nhìn vào số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của thí sinh tỉnh ta trong 2 năm qua, có thể thấy sự mất cân đối giữa các ngành nghề và khối thi.
Học sinh lớp 12 Trường THPT A Nghĩa Hưng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014. |
Theo các chuyên gia về giáo dục, sự mất cân đối giữa các ngành nghề và khối thi là hiện tượng vừa khủng hoảng thừa vừa khủng hoảng thiếu trong một số lĩnh vực của giáo dục đại học nước ta hiện nay bởi những tác động của kinh tế thị trường. Thí sinh “chen chân” vào khối A, do có những ngành học được coi là dễ xin việc, thu nhập cao; các trường cũng mở rộng các hình thức đào tạo đa ngành, đa nghề, trong đó có cả những trường đào tạo các ngành xã hội cũng chuyển hướng mở các ngành kinh tế, dẫn đến các ngành khoa học xã hội ngày càng sụt giảm nghiêm trọng lượng thí sinh dự thi. Em Thu Phương, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định) cho biết: “Qua tìm hiểu em được biết khối ngành kinh tế hiện đang trong giai đoạn dư thừa nhân lực… nhưng em nghĩ rằng những năm tới, kinh tế sẽ ổn định, nhu cầu của ngành nghề này sẽ tiếp tục tăng cao. Vì vậy, em vẫn đăng ký dự thi vào Học viện Ngân hàng”. Em Hồng Ngọc, quê ở huyện Mỹ Lộc năm nay bước vào năm thứ 2 khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng vẫn tiếp tục đăng ký dự thi vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nếu đỗ em sẽ chuyển sang học ngành kinh tế vì theo em, ngành sư phạm tới đây sẽ tiếp tục khó xin việc làm. Nhiều học sinh hiện nay có nhận thức sai lệch do nghĩ học ngành kinh tế như: ngân hàng, quản trị kinh doanh, thương mại, kế toán… dễ “hái” ra tiền hoặc chạy theo tâm lý đám đông mặc dù ngành dự thi không sát với lực học của bản thân. Trong khi, ở nhiều trường phổ thông, việc học sinh không mặn mà với các môn khoa học xã hội đã diễn ra từ lâu. Chỉ tính riêng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, số lượng thí sinh của tỉnh đăng ký môn thi theo khối ngành dự thi đại học thì khối A vẫn chiếm con số áp đảo, với 72,46% thí sinh đăng ký thi môn Vật lý; 72,26% thí sinh đăng ký thi môn Hóa học, trong khi chỉ có 20,38% thí sinh thi môn Ngoại ngữ; 14,92% thi môn Sinh học, 15,57% thi môn Địa lý, 4,42% thi môn Lịch sử. Không chỉ vậy, chất lượng bài thi đại học, cao đẳng các ngành thuộc khối C cũng thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên do hiện nay sinh viên học khối C có ít cơ hội xin việc, ít trường, ít ngành được cho là “hot”; chương trình đào tạo nặng về lý thuyết, thiếu sức cạnh tranh. Trong khi đó, sự “lên ngôi” của các ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ với khả năng tìm kiếm cơ hội việc làm nhiều hơn, thu nhập cao hơn đã đẩy các ngành khoa học xã hội xuống hàng thứ yếu và trong nhà trường, các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý bị coi là các môn “phụ”, được bố trí ít tiết học và học sinh cũng ít đầu tư cho các môn xã hội. Trên thực tế, trong nhiều gia đình chỉ nhắc nhở con em làm Toán, Lý, Hóa mà ít nhắc con học tốt các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân…
Thực trạng mất cân đối giữa các khối thi đại học ngày càng rõ rệt nhưng hiện nay ngành Giáo dục vẫn chưa có chính sách đồng bộ về phát triển nguồn nhân lực, trong khi các trường hiện nay đào tạo tương đối dàn trải. Tâm lý chọn nghề của học sinh còn mang tính may rủi, thiếu thông tin hoặc theo sự áp đặt của cha mẹ, theo thời thượng, chọn nghề ở bậc đại học, dễ kiếm tiền… mà không chú trọng đến việc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân. Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng sư phạm chưa có chương trình đào tạo giáo viên về công tác hướng nghiệp, cho nên các thầy cô giáo ở các trường phổ thông phải làm kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. Chính vì thế để làm tốt công tác này đòi hỏi các giáo viên phải trang bị, nâng cao kỹ năng hướng nghiệp, hướng dẫn học sinh thu thập và xử lý thông tin đối với yêu cầu của nghề và thị trường lao động... từ đó, đưa ra lời khuyên hợp lý cho học sinh. Và để có sự thay đổi trong việc lựa chọn nghề phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của xã hội và thực tiễn phát triển. Vì vậy, riêng đối với ngành khoa học xã hội và nhân văn, Bộ GD và ĐT đã có chủ trương thực hiện nhiều biện pháp để thu hút học sinh. Theo đó, ngoài các trường đại học vùng, đại học trọng điểm, Bộ đã giao các trường có đào tạo các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn như: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nghiên cứu phương án tuyển sinh, nhằm thu hút thí sinh vào các nhóm ngành này.
Theo thống kê của Bộ GD và ĐT, năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi khối A có giảm, chiếm 38,3% (giảm 0,8% so với năm 2013), khối A1 chiếm 10,1% (giảm 0,1%), khối D1 chiếm 16,4%, khối B chiếm 23,2% và riêng khối C sau nhiều năm sụt giảm, đến nay đã tăng 0,4% so với năm 2013, chiếm 6,4% tổng số hồ sơ dự thi đại học trên cả nước (ở tỉnh ta, thí sinh đăng ký dự thi đại học khối C chiếm 3,1%). Tuy nhiên vẫn có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các khối thi, nhất là đối với khối C. Hiện, Bộ GD và ĐT đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp quy hoạch nguồn nhân lực, đồng thời gắn đào tạo với nhu cầu của nền kinh tế, xã hội về nguồn nhân lực. Trước mắt, ngành GD và ĐT cần tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh, trong đó có sự chung tay quan tâm của các bộ, ngành khác để tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, nhất là các ngành khoa học xã hội để thu hút thí sinh dự thi vào các ngành này nhằm cân đối nguồn nhân lực của các địa phương cũng như trong cả nước./.
Bài và ảnh: Hồng Minh