Phát huy thế mạnh lao động làng nghề trong phát triển sản xuất CN-TTCN nông thôn

08:06, 16/06/2014

Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có trên 850 doanh nghiệp và 121 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 130 nghìn lao động. Các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn đã đảm nhiệm tốt vai trò “hạt nhân” tổ chức sản xuất, là “đầu mối” cung ứng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, hộ cá thể gia công trong các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Gia công sản phẩm khăn bông xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Vĩnh Giang, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Gia công sản phẩm khăn bông xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Vĩnh Giang, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

Sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ nguyên liệu cói là nghề truyền thống của các xóm Đồng Nam, Ngọc Tỉnh ở xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng). Những năm 1990 trở về trước, sản phẩm đan cói chính của xã chỉ là  các loại bao “manh” để đựng muối, tiêu thụ tại chỗ nên thu nhập của người làm nghề và số lao động tham gia rất hạn chế. Bước “chuyển mình” của nghề đan cói ở Nghĩa Lợi bắt đầu khi tổ hợp của ông Nguyễn Văn Túy, xóm Ngọc Tỉnh nhận được các đơn hàng sản xuất các sản phẩm đan cói thủ công mỹ nghệ như: túi, làn, bị… xuất khẩu. Để đảm bảo kịp thời hạn giao hàng, ông Túy đã huy động tối đa lao động trong gia đình và một số hộ xung quanh cùng tham gia gia công sản phẩm. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu cói tại địa phương nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Nghĩa Lợi đảm bảo chất lượng, mẫu mã, thời gian nên được khách hàng tín nhiệm, tiêu thụ tốt, số lượng hợp đồng ngày một nhiều, số lao động tham gia làm nghề và các khâu dịch vụ liên quan cũng tăng lên. Sau hơn chục năm là “đầu mối” tạo việc làm cho các hộ trong làng nghề, để thuận tiện cho hoạt động giao dịch tổ hợp sản xuất của ông Túy đã mạnh dạn phát triển tổ hợp, lập Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy để thuận tiện cho hoạt động giao dịch. Doanh nghiệp chuyên cung ứng nguyên liệu, mẫu mã và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nhận gia công. Đến nay, nghề đan cói đã phát triển ra cả 16/16 xóm trong xã, thu hút gần 1.000 lao động tham gia, làng nghề đan cói Đồng Nam đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề theo các tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT. Bà Nguyễn Thị Giới, xóm Đồng Nam, người đã có gần 20 năm gia công sản phẩm cho Doanh nghiệp Ánh Túy cho biết: “Từ khi gia công sản phẩm cho Doanh nghiệp Ánh Túy, chúng tôi không phải lo mua cói, không phải tự đi bán hàng, mỗi khi có mẫu hàng mới đều được doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật cặn kẽ nên năng suất và thu nhập cao hơn nhiều lần. Hiện nay, thu nhập của tôi thường đạt từ 5-6 triệu đồng/tháng”. Theo thống kê của xã, ở xóm Đồng Nam còn có hộ bà Nguyễn Thị Khá đạt mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng; 4 hộ đạt mức thu nhập trên 50 triệu đồng/năm như hộ các bà: Vũ Thị Yến, Nguyễn Thị Thế, Hoàng Thị Vân, Nguyễn Thị Liên; 6 hộ có mức thu nhập từ 40-45 triệu đồng/năm; 19 hộ có thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm; một số hộ tận dụng lao động và thời gian nông nhàn cũng đạt thu nhập tối thiểu 20 triệu đồng/năm. Từ đầu năm 2014 đến nay, doanh nghiệp đã xuất được 5 công-ten-nơ (loại 20 feet), doanh thu đạt trên 9 tỷ đồng. Ngoài lực lượng lao động trực tiếp tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp, hàng trăm hộ gia đình trong làng nghề dệt truyền thống tại các xã: Nam Hồng (Nam Trực); Trực Chính, Phương Định và Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)… đã nhận gia công sản phẩm tại nhà. Ông Mai Thanh Sơn, Giám đốc Cty TNHH Dệt may Vĩnh Giang, Thị trấn Cổ Lễ cho biết: “Cty hiện có 30 máy dệt cải tiến chuyên dệt khăn, 60 máy may công nghiệp với trên 100 công nhân. Mỗi tháng, Cty phải đảm bảo khối lượng từ 450-500 nghìn sản phẩm khăn xuất khẩu. Để khai thác lực lượng lao động biết nghề may ở địa phương, lại không phải đầu tư tập trung ở doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quản lý, Cty đã đầu tư 30 máy dệt cải tiến giao cho các hộ dân làm tại nhà. Biện pháp này không chỉ giúp Cty giảm thiểu chi phí đầu tư sản xuất ban đầu mà còn “giữ chân” được nguồn lao động tay nghề cao trong các làng nghề truyền thống”. Bình quân thu nhập của người lao động tại các làng nghề dệt truyền thống của huyện Trực Ninh từ 3,2-3,5 triệu đồng/người/tháng, lao động thời vụ cũng có mức thu nhập từ 1,5 triệu đồng/người/tháng. Phát huy thế mạnh nguồn lao động lành nghề ở các làng nghề để phát triển sản xuất CN-TTCN đã được triển khai và tạo hiệu quả cao ở nhiều địa phương như: các doanh nghiệp trong các CCN Vân Chàng, Đồng Côi phối hợp chặt chẽ với các hộ sản xuất nhỏ trong làng nghề cơ khí truyền thống trên địa bàn huyện Nam Trực. Ở huyện Xuân Trường, các doanh nghiệp nhờ tranh thủ lao động làng nghề làm các khâu thô sơ ban đầu nên có điều kiện tập trung vốn đầu tư cho các khâu hoàn thiện, đòi hỏi kỹ thuật cao. Tại huyện Ý Yên, để đảm bảo việc làm cho trên 2.000 lao động gia công, gần 40 doanh nghiệp của xã Yên Tiến (Ý Yên) đã tích cực tìm kiếm thị trường, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp đầu mối để tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu. Các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động có doanh thu cao, ổn định là các Cty: CP Tập đoàn Hoàng Mai, Trường Giang, Nam Tuyến, TNHH Nam Hải, Doanh nghiệp Thanh Hòa… Với 2 cơ sở sản xuất Cty TNHH Nam Hải, thôn Tân Lập đã tạo việc làm cho 150 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động gia công tại gia đình với thu nhập bình quân từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Từ “hạt nhân” là làng nghề truyền thống La Xuyên, Ninh Xá, đến nay nghề mộc mỹ nghệ, dân dụng đã được nhân cấy, phát triển rộng trên khắp địa bàn huyện Ý Yên với nhiều điểm sản xuất vệ tinh ở Yên Dương, Yên Hồng, Thị trấn Lâm…

Để góp phần hỗ trợ phát triển nguồn lao động sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn, trong giai đoạn 2011-2013, bằng các nguồn hỗ trợ từ Đề án 1956, các chương trình, đề án khuyến công UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho 14,7 nghìn lao động nông thôn. Sau khi được đào tạo, 80% số lao động nông thôn đã có việc làm và thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp, CCN tập trung và các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Phát huy tối đa vai trò và thế mạnh của lực lượng lao động sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương. Là nhân tố quan trọng góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn lên 21,8%; có 157 xã, thị trấn có tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN trong tổng giá trị sản xuất từ 10% trở lên, có 68/96 xã, thị trấn xây dựng NTM có tỷ trọng sản xuất CN-TTCN đạt trên 15%./.

Bài và ảnh: Thành Trung



xe nâng điện mini lithium chính hãng Hangcha

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com