Đến nay, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) nói chung, phong trào xây dựng gia đình văn hóa nói riêng ở tỉnh ta đã phát triển sâu rộng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tác động tích cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của việc xây dựng gia đình văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp đã đẩy mạnh hoạt động, đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể của từng danh hiệu văn hóa, thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, làng (thôn) văn hóa, cơ quan văn hóa. Trong đó, lấy việc xây dựng gia đình văn hóa là hạt nhân, là cơ sở để xây dựng các phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gia đình ông Trần Nhất Khoa, xóm 9, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) là một trong 10 gia đình dự hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ II, năm 2013. |
Ban chỉ đạo TDĐKXDĐSVH các cấp thường xuyên chỉ đạo các ngành thành viên tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc đăng ký, bình xét, thẩm định và công nhận các danh hiệu văn hóa, bình xét các gia đình văn hóa có thành tích xuất sắc trong phong trào để đề nghị UBND các cấp khen thưởng. Công tác tuyên truyền về phong trào xây dựng gia đình văn hóa được đẩy mạnh trên Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh. Ngoài ra, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa thông qua các buổi họp dân, các đợt sinh hoạt của chi Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, chi Hội Người cao tuổi, chi Hội CCB… tạo điều kiện để các hội viên, đoàn viên và nhân dân nắm bắt đầy đủ thông tin, tự nguyện tham gia xây dựng gia đình văn hóa. Qua công tác tuyên truyền về phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đã tạo nhiều chuyển biến trong nhận thức của các tầng lớp trong xã hội. Các phong trào thi đua: “Sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học” được đẩy mạnh. Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hoà thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; sống có kỷ cương, giao tiếp ứng xử văn minh, gương mẫu chấp hành quy ước nếp sống văn hóa của địa phương. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 912 CLB gia đình văn hóa hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được nâng cao về số lượng và bảo đảm về chất lượng. Đến nay toàn tỉnh có 436.955 hộ trong tổng số 563.449 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 78%. Tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa là các huyện: Hải Hậu, Vụ Bản, Giao Thủy, Ý Yên và Thành phố Nam Định… Tại Thành phố Nam Định, đến nay đã có 55.599/65.700 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 84,6%). Có được kết quả trên, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ duy trì việc thực hiện tiêu chí của các gia đình văn hóa. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các phường, xã, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào. Các tổ dân phố, làng, xóm chủ động xây dựng quy ước nếp sống văn hóa và tiêu chí gia đình văn hóa triển khai tới các hộ gia đình và ký cam kết thực hiện. Tại huyện Ý Yên, đến nay có 49.500/62.500 gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 79,2%). Kinh nghiệm trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở huyện Ý Yên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ban chỉ đạo các cấp đã phối hợp chặt chẽ với cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Cả 32 xã, thị trấn và các cơ quan, doanh nghiệp đều xây dựng và thực hiện quy ước nếp sống văn hóa; 421 tổ hoà giải cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nhân dân ở khu dân cư, góp phần giữ vững an ninh thôn, xóm. Từ sự phát triển của phong trào, đã xuất hiện nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu ở các địa phương trong tỉnh. Tại hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ II, năm 2013 tỉnh ta có 10 gia đình văn hóa tiêu biểu. Trong đó, gia đình cụ Đoàn Ngọc Báu ở tổ dân phố số 6, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) luôn thực hiện tốt nếp sống văn minh, quy ước văn hóa của địa phương, đồng thời áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế sinh vật cảnh. Hiện nay, số cây cảnh của gia đình cụ có tổng trị giá hàng tỷ đồng. Gia đình cụ tích cực tham gia xây dựng NTM, ủng hộ hàng chục triệu đồng và hiến trên 50m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Cụ có 12 người con và 8 cháu đã học xong đại học, trong đó có 1 giáo sư, 1 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 4 cháu đang học đại học và cao đẳng, nhiều cháu là học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tác động từ những mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, nhiều giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống có nguy cơ bị mai một… Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng gia đình văn hóa, Ban chỉ đạo TDĐKXDĐSVH các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc tiếp thu những giá trị tiên tiến trong xây dựng gia đình văn hóa. Tăng cường đầu tư các nguồn lực củng cố, bồi dưỡng kỹ năng, cung cấp thông tin, kiến thức xây dựng gia đình văn hóa cho lực lượng báo cáo viên làm công tác xây dựng gia đình văn hóa./.
Bài và ảnh: Viết Dư