"Đêm trắng" sau những trang báo

08:06, 20/06/2014

Năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Đỗ Văn Tuấn một mình tự lăn lộn đất Sài Gòn nắng gió tìm việc làm thêm để có thể duy trì ước mơ đi học, theo đòi con chữ. Cái nghiệp thợ in “gắn bó” với anh từ đó. Rời Thành phố Hồ Chí Minh, 3 năm nay anh về làm việc tại Cty TNHH Đức Lâm, KCN Hòa Xá (TP Nam Định). Anh Tuấn thuộc “biên chế” tổ in báo của Cty, công việc hằng ngày chủ yếu  là in Báo Nam Định. 2 tuần/1 tháng anh cũng như nhiều thợ in khác thức “trắng đêm” để in báo. Cùng với đội ngũ người làm Báo Nam Định, công việc “hậu trường” lặng thầm của thợ in góp phần tạo nên những sản phẩm báo chí phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin của độc giả trong tỉnh.

Nghề của những người “thức ngày, cày đêm”

Bắt đầu 1 ngày làm việc mới vào khoảng 22h và trở về nhà khoảng 6h sáng hôm sau, đều đặn 3 năm nay, anh Tuấn dường như đã quá quen với nhịp “thức ngày, cày đêm” của mình. Anh nói: “Thức nhiều rồi cũng quen, hầu như tôi không cảm thấy mệt. Mà thực ra, nhịp lao động vội vã của một thợ in báo cũng không còn thời gian để cho chúng tôi… mệt. Một đêm, riêng việc di chuyển suốt chiều dài của máy để kiểm tra việc in ấn, tính ra quãng đường đi bộ, tôi cũng đi được khoảng vài cây số. Chưa kể phải căng mắt ra nhìn lỗi, luôn tay, luôn chân lấy báo kiểm tra, cũng chả còn thời gian đâu mà buồn ngủ. Bởi nếu chỉ sai một chữ là hàng nghìn người đọc phát hiện ra. Làm thợ in, nhất là làm thợ in báo Đảng, chúng tôi thấy… tinh thần của mình cũng được nâng cao lắm”.

7-9h tối hằng ngày, sau khi Báo Nam Định chuyển file dữ liệu số báo ngày hôm sau sang Cty TNHH Đức Lâm cũng là lúc bộ phận công nhân làm báo ở đây bắt đầu công việc. Những công nhân nhận bản in sau đó ra phim, phơi bản kẽm. Các công đoạn này nhà in gọi chung là chế bản. Bộ phận chế bản mất thời gian khoảng 2 tiếng để hoàn thành công đoạn trên. Sau đó, họ bàn giao cho thợ in. Thợ in tập trung tại nhà in vào lúc 22h để chuẩn bị cho công việc thường ngày của họ bắt đầu khoảng 23h. Bởi vì, trước khi in họ mất 1 tiếng để vệ sinh máy, chuẩn bị mực mỡ… Chuẩn bị xong, thợ in mới lên máy, chỉnh màu sao cho “đẹp mắt”, in thử 1 vài tờ kiểm tra chất lượng. Chữ đều màu, ảnh lên báo màu sắc không đậm, không nhạt thợ mới cho in hàng loạt. Với số lượng in 1 số báo trung bình khoảng 8.000 tờ, các thợ in phải mất 4 tiếng cho máy chạy liên tục. Đấy là trong điều kiện bình thường. Trong một số điều kiện… bất thường như bị mất điện, máy hỏng, báo cần ra sớm hơn, nhà in luôn có phương pháp dự phòng. Thợ in sẽ vận hành 1 máy in dùng dự phòng, cho 2 máy in “đấu đầu” cùng lúc để đẩy nhanh tiến độ. Khi vận hành máy, thợ in “căn” cứ 50 tờ sẽ rút ra 1 tờ để kiểm tra màu sắc, nội dung có bị mất chữ hay không… Điều khiển 1 máy in cần có 3 người, thợ chính đứng ở đầu máy làm nhiệm vụ kiểm tra hình ảnh. 1 thợ nữa đứng ở giữa máy kiểm tra mực, màu nhiều hay ít. Thợ tiếp theo đứng ở cuối máy làm nhiệm vụ cho giấy vào, điều chỉnh máy để hút giấy. Sau khi thợ in in được khoảng 3.000 tờ thì tổ KCS có mặt để nhận công việc. Họ có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm, “nhặt sạn” trong quá trình thợ in in báo. Công việc này, trên một phương diện nào đó khá “giống” như người… biên tập viên và phóng viên trong tòa soạn báo. Nếu coi thợ in là phóng viên viết, làm ra sản phẩm, thì KCS là biên tập viên có nhiệm vụ… thẩm định lại tác phẩm đó, chỉnh sửa sao cho đúng và… đẹp. Thoạt nhìn qua, có thể thấy công việc của KCS tương đối “nhàn nhã”. Nhưng không hẳn như vậy, nếu bị phát hiện lỗi sai, KCS là người đầu tiên bị “gõ đầu” và chịu phạt cao nhất. Bởi sự sai của họ liên quan và ảnh hưởng “dây chuyền” đến rất nhiều người. Có lẽ vì vậy mà ý thức nghề nghiệp của đội ngũ KCS thường rất cao. Họ giữ tinh thần “cảnh giác” trước những tờ báo nào ảnh mờ, chữ nhòe. KCS sẽ loại ngay lập tức những tờ báo không đạt chuẩn và báo lại cho thợ in in bổ sung. Hiện tại, tổ KCS của Đức Lâm có 4 người, mỗi số báo quân bình 1 người chịu trách nhiệm kiểm tra trên 2.000 tờ. Kiểm tra xong họ bó lại thành bó chuyển xuống tổ gia công. Khi KCS kiểm tra xong, tổ gia công tiến hành công đoạn gấp, bó và đếm số lượng báo.

Công nhân Đỗ Văn Tuấn trong một ca sản xuất.
Công nhân Đỗ Văn Tuấn trong một ca sản xuất.

 6h sáng mùa hè, nắng đã bắt đầu chói chang chạy dài trên những con đường, nhịp lao động trong Cty in càng vội vã. Những tập báo lớn, phẳng phiu còn thơm mùi mực được bốc xếp gọn gàng lên xe bắt đầu chuyển đến Bưu điện tỉnh và Báo Nam Định. Từ 2 nơi này, báo Đảng được những người phát hành đưa đến khắp các cơ quan, đơn vị, sạp báo để phát, bán cho nhân dân. Hết một đêm dài, thợ in vẫn còn ở lại trong Cty làm nốt những công đoạn cuối cùng như rửa máy. Nếu không rửa máy sạch sẽ, vết mực khô còn dính lại trên lô, máy sẽ bị kẹt, ngày mai không in được nữa. Trở về nhà có khi không kịp tắm rửa, họ nằm ngủ vùi. Những người thợ in, những thợ KCS, thợ gia công… đang “dưỡng sức” để chuẩn bị cho số báo ngày tiếp theo.

Thợ in… thích đọc báo Đảng

Năm nay 32 tuổi, tính ra anh Tuấn có 15 năm theo đuổi nghề in. Hỏi anh có ý định gắn bó lâu dài với nghề không? Rất thành thật anh cho biết: “Gia đình của tôi đều trông chờ vào công việc này, cho nên dù muốn dù không tôi vẫn phải gắn bó. Đến thời điểm hiện tại tôi chưa làm qua công việc nào khác. Đối với tôi chỉ có thể làm tốt nhất công việc của một thợ in và đó cũng là nghề tôi… quen nhất. Hơn nữa, là một thợ in báo, tôi cảm thấy có rất nhiều sự “lợi”. Cái lợi đầu tiên là chúng tôi được đọc báo Đảng… miễn phí và ngày nào cũng có thể đọc báo. Đọc nhiều thì tự nhiên tầm hiểu biết cũng rộng mở hơn. Bây giờ hỏi tôi nhiều vấn đề chính trị, thời sự trong tỉnh, nói không phải tự hào chứ, tôi biết cũng khá rõ. Ở trong tỉnh có vấn đề gì mới, mô hình kinh tế hiệu quả, gương người tốt việc tốt nào, tất cả là do đọc báo, chúng tôi đều biết”. Đúng như lời anh Tuấn tâm sự, theo quan sát, hầu như công nhân nào trong Cty in cũng tranh thủ đọc báo Đảng khi làm việc. Và có những “cách đọc” khác nhau rất thú vị giữa những người thợ ở đây. Tuần trước con chị Liễu, tổ KCS không hiểu lý do gì bị sốt liên tục 2 hôm. Lo lắng, chị định đưa con đi khám bác sĩ nhưng chưa bố trí được thời gian. Trong lúc kiểm tra chất lượng in báo, chị có đọc nhanh một bài viết cảnh báo về dịch sốt vi-rút. Bài báo có đề cập đến triệu chứng, cách phòng, chống, chăm sóc cho trẻ em bị sốt vi-rút. Chị dừng mắt và đọc kỹ từng dòng, thấy con gái có những triệu chứng như bài báo nêu. Chị Liễu đỡ lo lắng hơn khi “bắt” được bệnh cho con. Hết giờ làm, tranh thủ chị đưa con gái đi khám bác sĩ và mua thuốc uống. “Đấy, ngoài những tin tức thời sự, chính trị, đọc báo có lợi như vậy đấy. Đối với chị em phụ nữ chúng tôi, đọc báo còn là cách cung cấp thêm những mẹo vặt, kiến thức thường thức mà nếu không chịu khó đọc, tìm hiểu thì không thể nào biết được”, chị Liễu hồ hởi. Từ câu chuyện của chị Liễu, chúng tôi hiểu thêm nhiều chuyện về cách đọc báo của những người thợ ở đây. Để thấy rằng “ý thức nghề” của họ cũng… không đơn giản. Ngoài mục đích đọc để tìm hiểu thông tin, những công nhân in như anh Tuấn đọc báo còn là để “bắt lỗi” chính mình. Thợ KCS đọc để “bắt lại lỗi” của thợ in, báo lỗi lại với thợ để họ chỉnh sửa, in lại kịp thời. Tranh thủ lúc gấp báo, tổ gia công cũng “liếc ngang, liếc dọc” những tin tức mà họ quan tâm, những vấn đề “nóng” dư luận đang bàn tán hiện nay. “Có lẽ sau những nhà báo, chúng tôi là người được tiếp nhận thông tin báo chí trong tỉnh sớm nhất. Nhiều khi nghĩ như thế, tôi thấy cũng vui vui và tự hào về nghề nghiệp  của mình”, anh Tuấn chia sẻ.

Nhịp sinh hoạt thường ngày của mỗi người thợ làm công việc in ấn đêm gắn với… ấm nước chè.  Đó là cách họ chống buồn ngủ hiệu quả. Trong tiếng máy chạy ồn ã, tranh thủ giờ giải lao ngắn ngủi, anh chị em các tổ quây quần bên những chén chè đặc, nóng hổi kể những câu chuyện gia đình, con cái, giá cả hằng ngày. Cũng có người trước khi giải lao tiện tay với tờ báo đọc nhanh mục ưa thích rồi lại quay ra “buôn” với mọi người. Họ cùng nhau bàn luận sôi nổi về tin tức báo đăng. Đêm cứ thế nhanh qua. Mệt mỏi theo đó cũng vơi đi. Và ngày mai, trước khi mặt trời bừng sáng, người người thức giấc, những tờ báo đã có thể “chạm ngõ” khắp mọi nơi, mọi nhà. Bởi vì, trong đêm, có bao nhiêu con người đã thức để làm nên một tờ báo./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com