Hướng phát triển thị trường nội địa của các doanh nghiệp dệt may

08:06, 03/06/2014

Theo thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh ta hiện có trên 120 doanh nghiệp ngành dệt may đang hoạt động gia công, sản xuất: nguyên phụ liệu (vải, sợi); trang phục; các sản phẩm tiêu dùng chăn, ga, gối, đệm… Không chỉ phát triển mạnh thị trường xuất khẩu mà còn có vị thế ổn định ở thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp lớn của tỉnh như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt lụa Nam Định, Cty CP Dệt may Sơn Nam… đã không ngừng nỗ lực, đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, hạ giá thành, tính cạnh tranh cao. Từ nhiều năm qua, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm như: sợi 100% cô-tông, sợi 100% PE... đáp ứng yêu cầu dệt vải thoi và dệt kim, vải 100% cô-tông, 100% PE, các loại vải: tẩy trắng, nhuộm màu, in hoa... cả khổ nhỏ và khổ rộng từ 80-180cm cung ứng nguyên liệu cho nhiều doanh nghiệp dệt may trong cả nước. Ngoài sản phẩm truyền thống là lụa tơ tằm thiên nhiên với sản lượng 300 nghìn mét/năm, Cty CP Dệt lụa Nam Định đã đầu tư sản xuất các loại sợi PE/CO và cô-tông các loại chi số trung bình là Ne32, sản lượng 1.000 tấn/năm; vải tuýt-xi len, PE/CO, cô-tông và petex với tổng sản lượng gần 4 triệu mét/năm. Với đội ngũ công nhân lành nghề, công nghệ sản xuất hiện đại, các sản phẩm vải của Cty luôn được tín nhiệm sử dụng để may trang phục cho các ngành Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Thuế... với sản lượng từ 1-2 triệu mét vải/năm. Nhờ đó, Cty đã giữ vững vai trò nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất ổn định cho nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh và cả nước. Không chỉ phát triển sản xuất nguyên liệu, những năm qua, Tổng Cty đã quan tâm đầu tư lĩnh vực thiết kế mẫu mã, chỉ đạo các Cty may thành viên đầu tư xây dựng các nhà máy may ở khu vực nông thôn để phát triển sản xuất sản phẩm may mặc từ nguồn nguyên liệu sản xuất được. Cty CP May Sông Hồng ngoài sản phẩm phục vụ xuất khẩu Cty phát triển dòng sản phẩm chăn, ga, gối, đệm “chất lượng quốc tế, giá nội” phục vụ thị trường nội địa.

Sản xuất các sản phẩm may mặc tại Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan, xã Yên Trị (Ý Yên).
Sản xuất các sản phẩm may mặc tại Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan,
xã Yên Trị (Ý Yên).

Nhiều doanh nghiệp dệt may ở các làng nghề truyền thống cũng đã chú trọng phát triển thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Tại xã Yên Trị (Ý Yên), với tiêu chí chất lượng và giá cả phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, cả 4 doanh nghiệp lớn và 23 tổ hợp chuyên sản xuất áo sơ mi, quần âu, quần áo bảo hộ lao động, đồng phục, mũ, nón thời trang, áo mưa, găng tay đã từng bước gây dựng uy tín thu hút các nhà phân phối lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đến ký kết hợp đồng sản xuất. Nhờ đó, các đơn vị dệt may của xã không chỉ duy trì sản xuất mà còn phát triển mạnh ngay trong giai đoạn khó khăn. Với ưu thế kinh nghiệm trên 30 năm sản xuất các sản phẩm đồng phục, bảo hộ lao động Cty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh, xã Yên Trị (Ý Yên) hiện có 2 nhà máy may và 15 cơ sở sản xuất vệ tinh trực thuộc ở các tỉnh, thu hút trên 2.500 lao động. Cty có đủ năng lực cung cấp trên 650 nghìn sản phẩm/tháng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tại xã Yên Trị, Cty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng 2 nhà máy may với tổng diện tích nhà xưởng rộng trên 9.300m2, thu hút 800 lao động tập trung. Với ưu điểm chất lượng đảm bảo, đa dạng chủng loại, mức giá hợp lý với nhiều phân khúc thị trường nên các dòng sản phẩm đồng phục, bảo hộ lao động PUNI, áo mưa COLORADO của Cty đã được thị trường tín nhiệm và tiêu thụ tốt. Nhờ quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, nhiều năm liền Cty đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 30%, tổng doanh thu gần 500 tỷ đồng/năm, Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan có 2 xưởng may gồm 500 máy may công nghiệp và các thiết bị phụ trợ đồng bộ đã ký được nhiều hợp đồng dài hạn để gia công sản phẩm quân nhu cho các Cty CP May 10, May 20 (Bộ Quốc phòng). Đồng thời, doanh nghiệp còn đầu tư các khâu thiết kế, nghiên cứu  phát triển sản xuất các loại trang phục: áo sơ mi, quần âu, quần áo bảo hộ lao động, đồng phục, mũ nón thời trang, áo đi mưa, găng tay… phục vụ nhu cầu thị trường nội địa với trên 40 nghìn sản phẩm các loại, tạo việc làm cho 700 lao động với thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ xã Yên Trị, nhiều doanh nghiệp sản xuất quần áo thời trang và chăn, ga, gối, đệm xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đã định vị được tại thị trường nội địa với các mặt hàng có giá phù hợp với khả năng chi tiêu của nhóm người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình. Các sản phẩm may mặc chất liệu cô-tông, đa dạng về kích cỡ, mẫu mã, màu sắc, thoáng mát, thu hút nhiều đối tượng khách hàng, chiếm lĩnh được thị trường ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc và đang tiếp tục mở rộng thị trường ở các tỉnh phía Nam. Doanh thu từ nghề sản xuất hàng may mặc và chăn, ga, gối, đệm của xã bình quân đạt 30 tỷ đồng/năm.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng, suy thoái kéo dài, áp lực cạnh tranh cao đến từ các nước có lợi thế về giá nhân công, nguyên liệu như Trung Quốc, Ấn Độ… và các rào cản kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu chính ngày càng gay gắt gây khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may không đủ tiềm lực, kỹ thuật và năng lực quản lý. Vì thế, chiến lược đầu tư phát triển sản xuất, thu hút sức mua tại thị trường nội địa đang là định hướng đúng đắn của các doanh nghiệp dệt may Nam Định, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu để bảo đảm ổn định sản xuất. Tuy nhiên, quan sát trên thị trường hàng may mặc tiêu dùng, các sản phẩm thương hiệu nước ngoài, đặc biệt hàng dệt may Trung Quốc vẫn có phần lấn át hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh. Ngoài lý do kiểu dáng thiết kế luôn bắt mắt, thời trang, còn có giá rẻ hơn do có nhiều hàng nhập lậu. Vì thế mặc dù có nhiều cảnh báo về các nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe người sử dụng do nhà sản xuất sử dụng hóa chất độc hại trong các khâu tẩy, nhuộm… nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn cố tình lựa chọn. Như vậy để tránh tình trạng “thua ngay trên sân nhà”, các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành liên quan trong quản lý thị trường ngăn chặn hàng nhập lậu giá rẻ; tuyên truyền vận động sử dụng hàng nội; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com