Đầu tư phát triển những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu

08:06, 20/06/2014

Tại Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương HND Việt Nam phối hợp với Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương tổ chức vào tháng 5-2014, tỉnh ta có 2 sản phẩm là ngao Giao Thủy và gạo tám xoan Hải Hậu được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.

Tám xoan là giống lúa cổ truyền nổi tiếng của tỉnh ta được trồng tại các xã Hải Toàn, Hải Cường, Hải Phong, Hải Anh, Hải An, Hải Giang của huyện Hải Hậu. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng được thiên nhiên ưu đãi nên gạo tám xoan ở đây có hương thơm rất đặc trưng. Ngoài ra, các cánh đồng ở vùng này chỉ sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho lúa nên sản phẩm không bị nhiễm các loại hóa chất bảo vệ thực vật đảm bảo VSATTP. Những năm gần đây, sản phẩm gạo tám xoan Hải Hậu được Sở KH và CN hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và áp dụng mô hình quản lý chất lượng sản phẩm từ gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch đến các công đoạn thu mua, chế biến, đóng gói, tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm. Sở KH và CN đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn quy trình thủ tục đăng ký nhãn hiệu và tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức cho các hộ dân thực hiện các quy trình này. Đến nay, Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp đăng ký độc quyền về chỉ dẫn địa lý và bảo hộ tên gọi, xuất xứ cũng như công nhận biểu tượng nhãn hiệu cho sản phẩm. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của ngành nông nghiệp nước ta thực hiện xây dựng tên gọi, xuất xứ theo thể thức mới, đặc biệt là xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, chế biến và thương mại. Về xã Hải Toàn, một trong những địa phương có truyền thống thâm canh lúa tám xoan lớn nhất huyện Hải Hậu, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay của vùng đất lúa. Là xã thuần nông, diện tích canh tác có 400ha, điều kiện thâm canh giữa các hộ, các xứ đồng tương đối đồng đều. Trong những năm gần đây phát huy thế mạnh về đất đai, lao động và trình độ thâm canh, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân, tích cực tham gia có hiệu quả các đề án chuyển giao tiến bộ KHKT, chuyển đổi phương thức sản xuất đưa những giống lúa mới chất lượng vào canh tác. Từ đó đã từng bước chuyển đổi tập quán, tâm lý và phương thức sản xuất của người dân. Năng suất lúa hằng năm của Hải Toàn bình quân đạt 126 tạ/ha/năm. Những năm gần đây, ngoài các xã chuyên canh, một số địa phương khác trong huyện Hải Hậu cũng chọn những vùng đất tốt chuyển sang cấy lúa tám xoan. Chính vì thế sản lượng gạo tám xoan ở Hải Hậu liên tục tăng, có năm lên tới 10 nghìn tấn.

Tham quan mô hình trồng lúa tám xoan ở xã Hải Toàn (Hải Hậu).
Tham quan mô hình trồng lúa tám xoan ở xã Hải Toàn (Hải Hậu).

Cùng với gạo tám xoan Hải Hậu, thương hiệu “ngao Giao Thủy” cũng đã trở nên khá quen thuộc đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Là tỉnh có diện tích nuôi ngao lớn nhất miền Bắc, với hơn 1.500ha bãi triều thuộc hai huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, sản lượng ngao thương phẩm trung bình toàn tỉnh đạt 17.000 tấn/năm. Riêng huyện Giao Thủy có 1.400ha chuyên nuôi ngao, sản lượng đạt 12.000 tấn/năm. Bên cạnh việc khẳng định vị thế trên thị trường nội địa, sản phẩm “ngao Giao Thủy” cũng được xuất khẩu sang Trung Quốc và xuất sang các nước châu Âu. Nói về thương hiệu của con nuôi “đặc sản" quê mình, ông Nguyễn Trường Cửu, Giám đốc Doanh nghiệp Cửu Dung (Giao Thủy) cho biết: Năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Doanh nghiệp Cửu Dung trong kinh doanh mặt hàng ngao nuôi tại huyện Giao Thủy. Cũng trong năm này, ngao nuôi ở Giao Thủy đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, xuất xứ hàng hóa “ngao Giao Thủy”. Tháng 6-2010, “ngao Giao Thủy” được tặng Huy chương Vàng cùng danh hiệu “Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng”. Vùng ngao nuôi Giao Thủy được công nhận là vùng nuôi an toàn thực phẩm cấp độ B, sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hiện tại, tỉnh ta được ghi nhận là địa phương xây dựng thành công thương hiệu thủy sản đầu tiên của miền Bắc. Và là vùng nuôi ngao duy nhất ở miền Bắc liên tục đạt được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm từ năm 2004 đến nay. Để loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên tiếp tục khẳng định vị thế và vươn xa trên thị trường quốc tế, “vựa ngao” Giao Thủy đang tích cực phát triển thương hiệu ngao sạch, thân thiện với môi trường.

Hai sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được tôn vinh do đảm bảo các tiêu chí chất lượng sản phẩm cao, giá bán cạnh tranh; sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp; thân thiện với môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP và mang tính phát triển bền vững. Hai sản phẩm này cũng đã đạt nhiều chứng nhận, giải thưởng quốc gia, có kênh phân phối, hậu mãi tốt, được người tiêu dùng đón nhận. Từ đó cho thấy để tạo dựng được một thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng trên thị trường là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà “nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp”, đặc biệt là sự hỗ trợ người nông dân trong việc xây dựng thương hiệu và tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng như liên kết, chuyển giao KHKT, xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo VSATTP đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Để duy trì các thương hiệu đã có một cách bền vững thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đối với sản phẩm ngao, cần cải tạo mặt bãi, chuyển dần diện tích nuôi bán thâm canh sang nuôi thâm canh. Đồng thời tiếp tục nuôi thử nghiệm các loài nhuyễn thể khác có giá trị kinh tế cao như: sò huyết, hàu, sò lông, ốc hương… để khai thác tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Các ngành chức năng cũng cần có giải pháp hỗ trợ người dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm; trong đó tập trung củng cố, bảo vệ và mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu “ngao Giao Thuỷ”, xác định tiêu chuẩn, chất lượng để khẳng định giá trị của sản phẩm trên thị trường. Ngoài xuất khẩu cần giữ vững và tiếp tục tăng thị phần tiêu thụ sản phẩm “ngao Giao Thuỷ” tại thị trường trong nước. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ xúc tiến các hoạt động thương mại để sản phẩm “ngao Giao Thủy” có giá bán và lượng sản phẩm tiêu thụ ổn định, thúc đẩy sản xuất phát triển. Đối với sản phẩm gạo tám xoan Hải Hậu, ngành Nông nghiệp cần hỗ trợ và tích cực chuyển giao các tiến bộ KHKT cho nông dân, vận động nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất lúa thương phẩm nhằm nâng cao giá trị hàng hóa. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng giống lúa, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống, vốn, tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo tồn, phát triển giống lúa tám xoan cổ truyền./.

Bài và ảnh: Vũ Hoàng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com