Mùa hè năm nay, thời tiết nắng nóng bất thường, nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của người dân trong toàn tỉnh tăng 10-20% so với ngày thường. Trước tình hình trên, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo duy trì áp lực cấp nước ổn định, đủ lượng nước và bảo đảm chất lượng nước theo quy định; dự phòng các giải pháp ứng phó với các sự cố bất thường và các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch từ nguồn đến khách hàng sử dụng nước.
Về cơ bản, các nguồn nước sạch sinh hoạt hằng ngày của người dân tỉnh ta chủ yếu được lấy từ sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy và một số sông nhánh; các xã giáp biển thì khai thác nguồn nước ngầm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hai đơn vị cung cấp nước sạch, gồm: Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định; Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Nam Định.
Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định hiện có 4 nhà máy nước sạch cung cấp nước sạch cho hơn 105.600 hộ dân tại Thành phố Nam Định, Thị trấn Gôi, Thị trấn Lâm, Thị trấn Cổ Lễ và các khu dân cư xung quanh với sản lượng nước đạt 20,8 triệu m3/năm. Bước vào đầu mùa hè 2014, Cty đã chủ động xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn, yêu cầu các phòng, ban phối hợp với các đơn vị: Xí nghiệp sản xuất nước, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch, chống thất thoát nước, tổ chức kiểm tra, theo dõi sát sao, thực trạng cấp nước, các thông tin phản hồi của khách hàng để có kế hoạch cấp nước phù hợp, kịp thời xây dựng phương án điều chỉnh cấp nước đảm bảo đủ về lưu lượng và áp lực. Bên cạnh đó, Cty đã triển khai cải tạo, mở rộng mạng lưới cấp nước và nâng cao chất lượng phục vụ cấp nước. Theo đó, Cty đã tiến hành cải tạo bể phản ứng phục vụ việc sửa chữa, cải tạo nâng công suất bể hợp khối từ 25.000 m3/ngày đêm lên 35.000 m3/ngày đêm. Triển khai bảo dưỡng, bổ sung, thay thế hệ thống các thiết bị xả khí trên mạng lưới cấp nước, hệ thống ống thép qua cầu, qua mương kém chất lượng. Trong tháng 4-2014, Cty đã hoàn thành sửa chữa khắc phục 3 điểm rò rỉ gây thất thoát nước do sụt lún trên đường ống nước D700 từ sông Đào đến trạm bơm nước thô cấp 1 Liên Hà, phường Lộc Hạ (TP Nam Định). Thời gian tới, Cty sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp đường ống nước dự phòng D800 thay thế đường ống cũ khi sự cố xảy ra với chiều dài 1km, tổng mức đầu tư gần 25 tỷ đồng từ trạm bơm nước thô cấp 1 Liên Hà đến khu xử lý của Cty. Đồng thời, lắp đặt bổ sung tuyến ống nước thô, xây dựng dây chuyền xử lý nước 3.000 m3/ngày đêm khu vực Ý Yên, nâng cấp trạm xử lý nước sạch Ý Yên tại Thị trấn Lâm lên 6.000 m3/ngày đêm và lắp đặt mạng lưới cấp nước mới tại khu vực xã Yên Dương; triển khai phương án cấp nước cho nhân dân xã Trực Nội (Trực Ninh) với công suất 1.000 m3/ngày đêm; lắp đặt bổ sung tuyến ống DN300 cấp nước cho Khu đô thị Thống Nhất (TP Nam Định). Cùng với nâng cấp, cải tạo hệ thống mạng lưới cấp nước, để chống thất thoát nước, Cty triển khai lắp đặt 17 van thông minh Sensor theo dõi áp lực trên hệ thống phần mềm SCADA được kết nối trực tiếp với trung tâm điều hành cung cấp nước của Cty. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện bản đồ mạng lưới cấp nước, phần mềm quản lý khách hàng và quản lý nhà máy trên cơ sở tính toán thủy lực, phân vùng quản lý và tối ưu hóa mạng lưới đường ống phục vụ công tác quản lý, theo dõi và điều chỉnh áp lực nước an toàn, đảm bảo cung ứng nước đầy đủ, đạt chất lượng cho khách hàng. Tiếp tục thực hiện kế hoạch chống thất thoát nước bằng cách thay thế 10.000 đồng hồ đã hết niên hạn kiểm định trong năm 2013 và kết hợp dịch chuyển vị trí các cụm đồng hồ phục vụ công tác thi công. Đối với các dự án xây dựng, Cty chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn kỹ thuật và thi công xây dựng phương án dịch chuyển, bảo vệ đường ống. Phối hợp với Cty Điện lực Nam Định đảm bảo cấp điện ổn định để vận hành các nhà máy nước trong mùa hè.
Vận hành trạm bơm nước thô cấp 1 Liên Hà tại phường Lộc Hạ (TP Nam Định), đảm bảo cấp nước an toàn trong mùa hè. |
Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Nam Định hiện đang quản lý và vận hành 15 nhà máy nước nông thôn với tổng công suất thiết kế là 46.860 m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho trên 78.300 người của 52 xã, thị trấn trong tỉnh. Nhằm đảm bảo mục tiêu cấp nước an toàn trong mùa hè này, Cty đã tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đầu tư nâng cấp, sửa chữa, đặc biệt là các công trình chuyển tiếp để sớm đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở khu vực nông thôn. Thời gian qua, Cty đã tiến hành nâng cấp, cải tạo Nhà máy nước Nam Dương (Nam Trực) với tổng mức đầu tư 1,1 tỷ đồng, bao gồm nhà quản lý điều hành, trạm bơm nước thô và xây thêm bể lọc công suất 50 m3/h; lắp đặt bơm dự phòng cho trạm bơm cấp 1 và 2 tại Nhà máy nước Mỹ Lộc (Mỹ Lộc); mở rộng công trình nối mạng cấp nước cho 41 hộ dân tại xã Yên Phúc thuộc Nhà máy nước Yên Lộc (Ý Yên); cải tạo đường ống cấp nước của 2 Nhà máy nước Xuân Trường và Giao Thủy; cải tạo tuyến ống truyền tải từ trạm xử lý đến thôn Liên Thượng, xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) phục vụ cấp nước cho xã Xuân Thủy, lắp đặt bổ sung cấp nước cho 385 hộ dân xã Giao Tiến (Giao Thủy)... Đồng thời tập trung sửa chữa, di chuyển hàng chục nghìn mét đường ống nước của các nhà máy nước để phục vụ các dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông, cải tạo kênh mương nội đồng và xây dựng NTM ở các xã với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng và vẫn đảm bảo cấp nước ổn định cho các hộ dân. Thời gian tới, Cty tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mở rộng, nối mạng công trình cấp nước từ Nhà máy nước Yên Lộc cho cụm các xã khu vực phía nam huyện Ý Yên, gồm xã Yên Cường và 8 xóm còn lại của các xã Yên Lương, Yên Nhân, Yên Thắng, Yên Trị, Yên Đồng. Tập trung thay mới 3.783 cụm đồng hồ đơn tia bằng cụm đồng hồ đa tia tại Nhà máy nước Mỹ Lộc và Xuân Trường. Hiện nay, các công trình của Cty đều mới được xây dựng nên đảm bảo đủ khả năng cấp nước an toàn về thời gian, lưu lượng, áp lực nước tới mọi khu dân cư. Để bảo đảm các nhà máy nước hoạt động an toàn, Cty thường xuyên duy trì việc kiểm tra, đánh giá định kỳ chất lượng nước đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định, đồng thời phân công cán bộ thường trực 24/24h, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân về sự cố đường nước để xử lý, khắc phục kịp thời; thực hiện chế độ thông báo giờ ngừng cấp nước ngay khi có lịch cắt điện bằng đường công văn và qua hệ thống truyền thanh; phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo ngành điện đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, ổn định để vận hành nhà máy. Bên cạnh đó, Cty còn phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn, các thôn xây dựng kế hoạch quản lý, vận hành cấp nước hài hòa.
Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị cấp nước lập, thực hiện nghiêm túc kế hoạch cấp nước an toàn và triển khai đồng bộ theo từng quý, từng năm. Yêu cầu các đơn vị cấp nước tiếp tục hoàn thiện mạng lưới cấp nước, đảm bảo đủ tải từ nguồn đến từng hộ gia đình; tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thoát, lãng phí nước. Phối hợp với các cấp, ngành tổ chức phát động “Tuần lễ quốc gia về an toàn cấp nước” nhằm tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ tài sản và sử dụng nước tiết kiệm./.
Bài và ảnh: Đức Toàn